Ông Hứa Ngọc Thuận thực hành rửa tay với các bé Trường Mầm non Tuổi Thơ, Q.1 tại lễ phát động “Chiến dịch quốc gia phòng chống TCM” sáng 24-3
|
Tính đến nay, cả nước đã có khoảng 12.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 11 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, tăng 7 lần. Theo dự báo của các chuyên gia y tế, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp…
Để hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc cũng như tử vong do bệnh TCM, sáng 24-3, tại Công viên 23-9, UBND TP.HCM đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh TCM”. Tại đây, lãnh đạo TP cùng các ban ngành, đoàn thể đã quyết tâm “hạ sốt” dịch bệnh TCM.
210/322 phường, xã có ca bệnh
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “5 năm gần đây, số ca mắc bệnh TCM nhập viện ngày càng tăng. TP.HCM luôn là địa phương có nhiều ca mắc. Tính đến ngày 21-3, toàn TP có 1.531 ca mắc, trong đó có 1 ca tử vong (Q.8). Điều đáng nói ở đây là số ca bệnh có ở 210 phường, xã thuộc 24 quận, huyện.
Báo cáo của các bệnh viện trong ngày 21-3-2012 cho thấy, số bệnh nhân TCM đến khám là 321 ca, trong TP là 214 ca; số bệnh nhân TCM nhập viện trong ngày là 47 trường hợp, riêng TP là 24 trường hợp. Cũng trong ngày 21-3, các bệnh viện ghi nhận 149 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó bệnh nhi của TP.HCM là 87 trường hợp, đặc biệt có 1 trường hợp nặng phải thở bằng máy.
Sở dĩ dịch bệnh TCM ở TP.HCM ngày càng diễn biến phức tạp là do các bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II và Nhiệt Đới phải tiếp nhận cả bệnh nhân của các tỉnh lân cận đưa về. Theo đó, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là: “TP.HCM có tới 2 triệu dân nhập cư, trong đó có rất nhiều trẻ em. Hầu hết dân nhập cư sống ở những nơi chật chội, điều kiện vệ sinh kém nên khi có một ca bệnh rất dễ lây lan”, ông Bỉnh khẳng định.
Theo biểu đồ dịch bệnh TCM của Sở Y tế TP cho thấy, các quận, huyện như Cần Giờ, Nhà Bè, Q.1, 2, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận đều có từ 35 ca bệnh trở xuống từ đầu năm đến nay là những địa phương có ít dân nhập cư. Trong khi đó Q.8, H.Bình Chánh và Q.Bình Tân là nơi có đông dân nhập cư nên số ca mắc đều vượt ngưỡng 100 ca/địa phương. Trước đó, năm 2011, 3 địa phương này cũng là “điểm nóng” về bệnh TCM của TP. Trung bình mỗi tuần có từ 10-14 ca mắc/quận, huyện.
Rửa tay vì sức khỏe của con trẻ
Đây là thông điệp mà UBND TP và ngành y tế muốn gửi đến người dân trong buổi lễ phát động hưởng ứng “Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh TCM”.
Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TP phát biểu: “Hưởng ứng chiến dịch phòng chống bệnh TCM do Chính phủ phát động, tôi kêu gọi mỗi cơ quan, ban ngành, mỗi người dân hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và con em mình. Đã làm mẹ, không ai không quan tâm đến sự phát triển của con cái. Tuy nhiên, trên thực tế có những bà mẹ không hiểu được bàn tay không sạch là mầm bệnh cho các con nên tôi mong muốn các bà mẹ hãy rửa tay thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của trẻ”.
Ông cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành, tổ dân phố hãy thường xuyên tuyên truyền tới các hộ gia đình, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ để các bà mẹ biết phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh TCM. Có như vậy mới giảm được số ca mắc và số tử vong.
“Trường học, đặc biệt là các trường mầm non phải rửa tay thường xuyên cho các cháu, vệ sinh phòng học và đồ chơi của cháu, phát hiện sớm ca bệnh và báo cho y tế địa phương”, ông Thuận chỉ đạo.
Về vấn đề này, đại diện ngành GD-ĐT TP, bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Ngành GD-ĐT TP quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trong trường học với nhiều biện pháp như: Tuyên truyền tới cán bộ – giáo viên – công nhân viên trong trường, học sinh và phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng chống bệnh TCM; phối hợp với ngành y tế có những hướng dẫn kịp thời cho các trường. Hiện nay, tất cả các trường mầm non, nhóm trẻ đều thực hiện vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Phụ huynh có thể nhận biết sớm trẻ có dấu hiệu mắc bệnh TCM qua các biểu hiện: Biếng ăn, miệng tăng tiết nước bọt, sốt từ 38 độ trở lên đi kèm bóng nước lòng bàn tay, bàn chân hoặc họng đỏ, có mụn nước trong miệng. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cần đưa đi khám. Phụ huynh phòng bệnh cho con bằng cách rửa tay bằng nước và xà bông, đặc biệt trước khi bồng ẵm trẻ, trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã lót cho trẻ; thực hiện ăn chín – uống sôi; vệ sinh nhà cửa, vật dụng, đồ chơi mỗi ngày bằng nước và xà bông; khử khuẩn nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi bằng hóa chất/tuần/lần”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo. |
Bình luận (0)