Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Hạ sốt” trái đất

Tạp Chí Giáo Dục

Trăn trở trước những hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu khi trái đất đang ngày càng nóng lên, cô và trò khối 3 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) đã chung tay tìm cách “hạ sốt” trái đất.

Một nhóm học sinh thực hiện dự án đang nói về nguyên nhân trái đất đang bị sốt

Bằng những hành động thiết thực, gần gũi, dự án “Trái đất chúng ta đang bị sốt?” do cô Nguyễn Hải Triều và 56 học sinh khối 3 thực hiện không chỉ giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường mà trên hết là lan tỏa ý thức đó đến toàn cộng đồng.

Bắt bệnh… trái đất

Tiểu phẩm “Trái đất chúng ta đang bị sốt” do nhóm thực hiện dự án xây dựng đã khiến học sinh toàn trường một phen bấn loạn vì sự thú vị và ý nghĩa. “Cả sân trường hôm đó như vỡ òa vậy. Các em tự mình sắm vai các loại khí như CH4, CO2, NO2, mặt trời, trái đất và bác sĩ để bắt bệnh cho trái đất. Với cách thức sân khấu hóa, học sinh toàn trường sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với những kiến thức về khoa học khô khan, các em sẽ hiểu được rằng những loại khí độc đó đều được sinh ra từ rác, từ năng lượng nhiệt. Và chúng chính là nguyên nhân khiến trái đất đang nóng lên”, cô Đinh Thị Ngọc Tâm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.

Để hiểu sâu hơn về “căn bệnh” mà trái đất đang mắc phải, nhóm thực hiện dự án còn được đi tham quan Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, sắm vai những nhà khoa học nhí. Đồng thời, được gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ của các thầy cô dạy địa lý ở các trường THPT. “Tại đây, các chuyên gia khí tượng và thầy cô giáo hướng dẫn chúng em cách đo đạc khí hậu và những vấn đề về môi trường hiện nay mà trái đất đang phải hứng chịu. Ô nhiễm do xả rác, chặt phá rừng bừa bãi kéo theo những hệ lụy khủng khiếp của biến đổi khí hậu”, Nguyễn Xuân Long (học lớp 3/5) nói.

Là người đưa ra ý tưởng dự án, cô Triều nói rằng sự nóng lên của trái đất không còn là nhiệm vụ của riêng một ai mà cần sự chung tay của toàn nhân loại. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” là định hướng mà cô Triều đưa ra khi thực hiện dự án này cho học sinh trong trường. “Toàn nhóm được chia ra làm 5 nhóm nhỏ, tùy vào năng lực của mỗi em để sắm vai những nhà khoa học, diễn viên, họa sĩ, kỹ sư, thiết kế, marketing. Theo đó, nhóm nhà khoa học tìm hiểu tất cả các kiến thức liên quan đến sự nóng lên của trái đất. Nhóm diễn viên xây dựng tiểu phẩm để biểu diễn trước toàn trường. Nhóm họa sĩ vẽ những bức tranh về trái đất. Nhóm kỹ sư có nhiệm vụ làm những bóng đèn, quạt chạy bằng năng lượng mặt trời, gió. Nhóm thiết kế, marketing các con sẽ đảm nhiệm việc thiết kế poster”, cô Triều cho biết.

Theo cô Triều, dù trong vai trò nào, thông điệp chung của toàn dự án vẫn là sự lan tỏa đến cộng đồng. “Trái đất là nơi chúng ta sinh ra, lớn khôn. Trái đất cũng cần phải được nuôi dưỡng và yêu thương. Hãy ngưng tàn phá trái đất”, cô Triều bày tỏ.

Lời khẩn cầu từ những thiên thần nhỏ

“Thiên tai ngày càng khốc liệt, ở đâu đó trên đất nước này, trên trái đất này, bạn bè em đang mỗi ngày phải chịu đựng sự trừng phạt của mẹ thiên nhiên. Lũ lụt, bão lốc, núi lửa, động đất… đều là do biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất. Bởi vậy, em nghĩ chúng ta hãy cùng hành động để xoa dịu mẹ thiên nhiên”, là lời khẩn cầu đầy trách nhiệm của Nguyễn Thiên Nga (học lớp 3/1). Nga cho biết, chỉ cần bằng những hành động nhỏ như trồng thật nhiều cây xanh, vứt rác đúng nơi quy định, sử dụng tiết kiệm điện, nước mỗi ngày là chúng ta đã góp phần “hạ sốt” trái đất. Đồng hành cùng dự án, cô Lê Thị Thanh Lê (giáo viên địa lý Trường THPT Ernst Thalmann, TP.HCM) cho rằng dự án đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho học sinh. Giáo dục cho các em ý thức biết bảo vệ môi trường từ những kiến thức về sự nóng lên của trái đất.

Theo cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng nhà trường), xuyên suốt dự án là chuỗi những hành động thiết thực, không chỉ nhắc nhở các em về ý thức bảo vệ môi trường mà còn là những kiến thức về khoa học, tình yêu với nghiên cứu, với tin học. Khi các em mày mò sáng tạo để làm ra những thiết bị sử dụng bằng năng lượng mặt trời, hay thiết kế những tấm poster, dù rất đơn giản nhưng cũng khơi lên trong các em sự thích thú, đam mê, những hiểu biết về những ngành nghề khác nhau trong xã hội.

Chỉ trong hơn một tháng thực hiện, đến nay dự án đã có sức lan tỏa nhất định. “Học sinh trong trường đã biết chăm sóc cây xanh, phân loại rác, tự giác tắt các thiết bị điện khi không sử dụng”, cô Triều tự hào. Còn phụ huynh Hồng Đào thì chia sẻ: “Dự án thật sự rất thiết thực, gắn liền với vấn đề của trái đất hiện nay. Cháu nhà tôi thường xuyên nhắc mẹ phải trồng thật nhiều cây xanh. Khi tôi quên không tắt điện là cháu nhắc liền”.

Theo cô Triều, dự án không chỉ hướng đến người Việt Nam mà còn tham vọng truyền tải thông điệp đến người nước ngoài. Do địa bàn Q.1 có đông khách du lịch nước ngoài nên những tấm poster của dự án được thiết kế bằng cả ngôn ngữ tiếng Anh, sẽ được các em phát đến tay các khách du lịch. Như một lời nhắc nhở “bảo vệ trái đất là của toàn nhân loại”. Không chỉ vậy, dự án đã phần nào thay đổi cách nhìn từ phía phụ huynh. Rất nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, cứ nghĩ biến đổi khí hậu là điều gì đó rất lớn lao, xảy ra ở đâu đó chứ không phải là đất nước mình, thành phố mình. Nhưng khi thấy con mình thực hiện, họ nhận ra rằng biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất đang hiện hữu quanh ta từng ngày.

Yến Hoa

Bình luận (0)