Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi trên biển Đỏ không chỉ làm gián đoạn dòng chảy thương mại, mà còn là một mối đe dọa gia tăng đối với cơ sở hạ tầng internet.
Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) tuần rồi khẳng định vụ tấn công nhằm vào tàu Rubymar (thuộc sở hữu Anh) nhiều khả năng là nguyên nhân gián tiếp khiến cáp ngầm cung cấp kết nối internet giữa phương Đông và phương Tây bị đứt.
Vụ tấn công xảy ra hôm 18-2 này buộc thủy thủ đoàn Rubymar thả neo và bỏ tàu, một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ tiết lộ. "Đánh giá sơ bộ cho thấy việc kéo neo dọc theo đáy biển có thể đã làm đứt cáp ngầm cung cấp dịch vụ internet và viễn thông trên thế giới" – quan chức này nói thêm.
Truyền thông quốc tế khẳng định tuyến cáp nêu trên hỏng nặng đến mức lưu lượng truy cập internet giữa châu Á và châu Âu bị ảnh hưởng 25%.
"Sự cố liên quan đến neo tàu là nguyên nhân phổ biến thứ hai khiến cáp ngầm trục trặc. Trung bình, thế giới mỗi tuần có 2 tuyến cáp gặp vấn đề" – chuyên gia Tim Stronge của Công ty TeleGeography (Mỹ) nói với đài Deutsche Welle mới đây.
Ảnh chụp tàu Rubymar sau khi bị chìm ở biển Đỏ hôm 3-3. Ảnh: Reuters
Cũng theo ông Stronge, các cuộc tấn công của phong trào Houthi tại Yemen mang đến "rủi ro nghiêm trọng", nhất là khi tàu chìm có thể làm gián đoạn hoạt động của cáp ngầm lẫn tàu đặt cáp.
Chuyên gia Peter Sand của Công ty Xeneta (Đan Mạch) có cùng quan điểm khi khẳng định: "Ở một khu vực xung đột, chúng ta không thể sửa cáp bình thường như những nơi khác. Hiện tại, không thể đưa tàu sửa cáp đến biển Đỏ vì nguy cơ bị tấn công".
Houthi không chịu trách nhiệm trực tiếp cho sự cố hư cáp ngầm dưới biển song các cuộc tấn công gần như mỗi ngày của nhóm này khiến kết nối internet trong khu vực bị đe dọa nghiêm trọng giữa lúc chi phí bảo hiểm hàng hải tăng cao.
Báo The Wall Street Journal mới đây đưa tin bảo hiểm cho tàu đặt cáp hoạt động gần Yemen đã tăng lên đến 150.000 USD/ngày. Các cuộc tấn công mới nhất của Houthi có thể buộc phương Tây triển khai chiến dịch đáp trả mạnh mẽ hơn nữa, dẫn đến điều được ông Sand mô tả là "một cuộc chiến giằng co".
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia kêu gọi các chính phủ gia tăng sức ép, buộc ngành viễn thông tìm kiếm các tuyến thay thế để giảm bớt tình trạng gián đoạn internet do đứt cáp ngầm dưới biển.
Chẳng hạn như các tuyến đường bộ xuyên Ả Rập Saudi có thể giúp tránh được biển Đỏ và những vùng biển có nguy cơ cao khác ở Trung Đông. Tuy nhiên, họ cảnh báo hệ thống cáp trên đất liền thường đắt đỏ hơn rất nhiều so với cáp biển.
Theo Cao Lực/NLĐO
Bình luận (0)