Lại một sự trùng hợp thú vị, giải nhất Sao Mai 2009 phong cách nhạc nhẹ được trao cho Hà Thị Hoài Thu – người gần như không được học thanh nhạc bài bản (giống như Hà Linh ở Sao Mai 2007).
Hà Thị Hoài Thu |
Hậu Sao Mai, giải nhất của Hà Hoài Thu gây ra dư luận tranh cãi: phải chăng cuộc thi chuộng “sắc” hơn “thanh”?
Hà Thị Hoài Thu sinh năm 1986 trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật. Cô bé Hoài Thu hồi nhỏ khá nhút nhát, thường nhìn những bạn cùng lứa biểu diễn trên sân khấu với con mắt ngưỡng mộ.
18 tuổi, Hoài Thu mơ trở thành cô giáo nên thi vào Hệ trung cấp Sư phạm nhạc – Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long (nơi mà các “sao mai” Ngọc Anh, Tuấn Anh từng học).
Ra trường, Hoài Thu được giữ lại trường công tác tại Trung tâm Thực hành biểu diễn – đơn vị có nhiệm vụ tổ chức các chương trình biểu diễn tuyên truyền của tỉnh Quảng Ninh. Các chuyến lưu diễn ở nhiều địa phương tưởng như đã cuốn Thu đi, nếu không có cuộc thi Sao Mai 2009.
Và giờ đây, với bệ phóng Sao Mai, Hà Hoài Thu chắc chắn sẽ không an phận với vị trí của một M.C, một ca sĩ của Trung tâm Thực hành biểu diễn ở tỉnh lẻ.
Trước mắt sẽ là “suất” đặc cách vào hệ Cao đẳng của Đại học Văn hóa và Nghệ thuật Quân đội, rồi cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn 2010, và xa hơn là sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp.
“Tôi đã quyết tâm chọn con đường âm nhạc, dù không phải con nhà nòi. Con đường đó sẽ rất dài, mà Sao Mai chỉ là bước đệm. Tôi biết mình còn nhiều điều phải học hỏi. Tôi chưa từng được học thanh nhạc bài bản, vũ đạo cũng còn yếu…” – Hà Thị Hoài Thu chia sẻ.
So với các đàn chị ở Sao Mai và cả Sao Mai – Điểm hẹn những năm qua, đúng là Hoài Thu có phần hơn về sắc vóc. Nhưng việc giải nhất phong cách nhạc nhẹ được trao cho Thu cũng có nghĩa là nhà tổ chức đang hướng “ngôi sao” của mình tới hình ảnh một ca sĩ giải trí gần gũi hơn với giới trẻ, chứ không “khuôn mẫu”như những lứa Sao Mai đầu tiên… Hoài Thu cũng cho biết sẽ hướng tới hình ảnh ca sĩ năng động, trẻ trung chứ không đơn thuần trung thành với pop ballat.
Hiện tại, Hoài Thu chưa có một kế hoạch nghề nghiệp cụ thể, vì có thể thành công từ một cuộc thi lớn như Sao Mai còn là điều gì quá mới mẻ với cô. Nhưng công bằng mà nói, nghệ thuật là con đường rất khắc nghiệt.
Còn nhớ, sau Sao Mai 2007, Hà Linh – một thí sinh tay ngang, một sinh viên ngoại giao dám liều mình đi thi hát – đã nhiệt tâm mà rằng cô sẽ theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhưng đến giờ, “sự cố” ở Sao Mai – Điểm hẹn đã gần như đặt dấu chấm hết cho mong ước đó.
Trước Hà Linh, giải nhất Vương Dung cũng có vẻ “chìm” hơn Ngọc Anh và Phương Linh sau khi từ chối tham gia Sao Mai – Điểm hẹn và album đầu tay của cô cũng không gây được tiếng vang…
Có điều khá thú vị, ở hai cuộc thi tiếng hát truyền hình do VTV tổ chức, trong nhiều kỳ cuộc, giải nhất và những thứ hạng cao đã thuộc về thí sinh vùng mỏ. Có thể kể ra đây những cái tên như: Hoàng Tùng, Tuấn Anh, Ngọc Anh…
Sở dĩ, có được “truyền thống” như vậy là bởi Quảng Ninh đã đầu tư cho việc đi thi này khá công phu, từ việc đào tạo, tìm kiếm, tuyển chọn… “sao” khá kỹ lưỡng từ vòng ngoài. Nhưng quả thật, cuộc thi chỉ là một bước khởi đầu, “sao” có thực sự tỏa sáng hay không còn phải chờ câu trả lời của thời gian…
Hoàng Lê (Theo TPO)
Bình luận (0)