Ngày 16/12, tại hội thảo phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm công nghệ cao, đại diện một tờ báo điện tử cho biết sau gần 2 tháng bị tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDOS) lượng độc giả giảm mất 3/4. Hiệu ứng tác động của các sản phẩm báo chí bị giảm sút…
Ông cho rằng, nếu cuộc tấn công kéo dài trong nhiều tháng, nguồn lực của tờ báo này sẽ bị cạn kiệt, không còn chi phí để trả lương, chi phí thuê trụ sở…
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn trả lời báo chí bên lề buổi hội thảo. Ảnh: Thái Thịnh. |
Theo ông Nguyễn Thành Lưu (Phó trưởng Ban thư ký biên tập của Đài truyền hình Việt Nam), không riêng các báo điện tử trong nước các báo điện tử trên thế giới cũng đã, đang phải hứng chịu với hàng loạt các cuộc tấn công trên mạng. 3 hình thức tấn công phổ biến là: tấn công từ chối dịch vụ; tấn công vào website và máy chủ host website; tấn công vào chính nhân viên của báo điện tử để có thể đoạt được các thông tin truy cập vào máy chủ hay mạng riêng ảo của báo (nếu có). Qua hình thức thứ 3 này, tin tặc sẽ "bắc cầu" tấn công máy chủ và website của báo.
Chia sẻ công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm công nghệ cao của các cơ quan thông tấn, báo chí ông Lưu chỉ ra một trong những lý do để tội phạm an ninh mạng nói riêng và công nghệ cao nói chung vẫn có đất hoành hành ở Việt Nam. Đó là khung pháp lý chưa đầy đủ, các hình thức chế tài chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe.
"Ở các nước Phương Tây, tội phạm mạng khi bị xử lý không chỉ phạt tiền, thời gian ngồi tù mà phạt cả hình thức cấm sử dụng máy tính, tiếp cận mạng Internet trong thời gian đủ lâu…", ông nói.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế: "Các báo điện tử cần lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ uy tín như FPT, VDC… để hosting". Ảnh: Thái Thịnh. |
Theo thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Tin học nghiệp vụ (Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an), tin tặc ở Việt Nam gia tăng có nguyên nhân do khả năng ứng phó của các cơ quan còn hạn chế, thiếu đội ngũ chuyên gia về an ninh mạng, ý thức bảo mật thông tin của người sử dụng máy tính còn kém.
Cục trưởng cho rằng để đảm bảo an toàn thông tin trong thời gian tới, ngoài việc nâng cao ý thức người sử dụng mạng đội ngũ chuyên gia an ninh mạng của Việt Nam cần phải được đào tạo chuyên sâu và nhiều hơn nữa.
Theo dự báo của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ thông tin và Truyền thông) đến tháng 12, gần 330 website có tên miền gov.vn bị tấn công, thay đổi giao diện, trong đó có nhiều website của các bộ ngành. Dự báo, năm 2012 tin tặc sẽ tăng cường tấn công vào các trang thông tin có tên miền .vn do sự yếu kém về phòng vệ của các website này. Lừa đảo trên mạng sẽ tăng do việc lộ lọt các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, diễn đàn và đặc biệt là nhận thức kém của người dùng máy tính về an toàn thông tin.
Bên lề hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn nói thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ hacker tấn công một số tờ báo, trang mạng điện tử cho thấy từ quy chế đến cơ chế hoạt động chưa được chuẩn bị tốt.
Ông yêu cầu mỗi tờ báo, trang tin điện tử phải có đội ngũ quản trị mạng tốt, có quy định và quy chế và đặc biệt. "Việc ngăn chặn tội phạm công nghệ cao không chỉ bảo đảm cho sự hoạt động của báo mà còn bảo vệ an toàn cho khối lượng dữ liệu, tư liệu quan trọng của đất nước", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thái Thịnh (Theo VNE)
Hãy đánh giá bài viết này!
Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0
Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá
Bình luận (0)