Bà Duyên đứng ra nhận mình mới là vợ chính thức của người bị hại nên phải được nhận bồi thường từ cái chết của chồng… Bà không đồng ý việc tòa tuyên người được "hưởng" các quyền này là một người vợ khác của ông.
Ảnh: PL TP HCM |
Chập tối một ngày cuối tháng 9/2008, một xe tải đến lấy trái cây tại khu vực mà bà Quý (ở Cần Thơ) thu tiền phí bến bãi. Thấy xe dừng lấy hàng, một người đàn ông chạy đến nói với lái xe là lần sau không được đậu xe tại khu vực này nữa. Nghe người đàn ông “đe” lái xe như vậy, bà nghĩ sẽ ảnh hưởng đến chuyện thu tiền bến bãi của mình nên đã lên tiếng tranh cãi…
Đến hồi cao trào, chồng bà Quý cầm dao từ trong nhà chạy ra để đánh người đàn ông. Cũng không vừa, người này liền chạy vọt tới "tiếp chiêu" với chồng bà. Ông ta bị chém một nhát vào lưng và nhặt miếng kính chém trúng chồng bà Quý khiến ông này tử vong.
Cuối tháng 2, TAND Cần Thơ phạt người đàn ông 6 năm tù về tội giết người, buộc bồi thường cho bà Quý là đại diện cho người bị hại hơn 50 triệu đồng cùng tiền cấp dưỡng cho hai con của bà đến tuổi trưởng thành.
Vụ án tưởng sẽ khép lại thì nảy sinh ra chuyện bà Duyên đứng ra nhận mình mới là vợ chính thức của người bị hại và có đơn chống án đòi tăng hình phạt với bị cáo. Theo đó, bà mới người đại diện hợp pháp của người chết chứ không phải bà Quý nên phải được bồi thường từ cái chết của chồng…
Để chứng minh, bà Duyên kể năm 1983, bà và người bị hại chung sống với nhau và đã ra xã đăng ký kết hôn. Họ có đến ba mặt con thì hai bên mâu thuẫn nên chồng bà bỏ đi chung sống với bà Quý rồi có con với người này. Dù chồng bà làm như thế là cạn tình nhưng giữa hai người vẫn chưa chấm dứt hôn nhân nên chưa cạn lý. Khi ông chết, các cơ quan tố tụng không đưa bà vào tham gia vụ án với tư cách là vợ chính thức, là đại diện cho người bị hại mà lại đưa bà Quý làm đại diện là không thể chấp nhận được.
Một kiểm sát viên cho rằng, nếu bà Duyên chỉ kháng cáo phần dân sự, cấp phúc thẩm sẽ xem xét, hòa giải để giải quyết. Nếu các bên đồng ý, tòa sẽ công nhận mà không cần hủy án để làm lại. Trong trường hợp này tòa sẽ có công văn nhắc nhở cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, chuyện khá căng thẳng bởi bà Duyên kháng cáo cả phần hình phạt và yêu cầu xem lại tư cách tham gia tố tụng của bà Quý nên khả năng bản án bị hủy rất lớn. Bởi lẽ, cấp sơ thẩm không đưa bà vào tham gia tố tụng, vô hình trung đã tước đi nhiều quyền lợi hợp pháp của bà. Làm như thế là tòa đã vi phạm nghiêm trong thủ tục tố tụng nên phải bị hủy để làm lại.
Theo Pháp Luật TP HCM
Bình luận (0)