Đã không ít nhà nghiên cứu, kể cả trên giảng đường đại học, các thầy cô thường khen cụ Nguyễn Du đối cảnh thật tuyệt vời: Khi Thúc sinh xa Thúy Kiều về với Hoạn thư: Sông Tần một dải xanh xanh/ Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan. Ấy là tâm trạng Thúc xa cách người yêu, buồn bã nhìn cảnh vật trên đường: nó lôi thôi xộc xệch, nó đâm vào mắt kẻ đang mang nặng ưu tư. Khi Thúc xa Hoạn thư về với Thúy Kiều: cũng con đường ấy, nhưng Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng. Sắp trở về với người mình yêu quý, Thúc bỗng thấy cảnh vật bừng sáng, đẹp đẽ lạ thường.
Giảng giải như vậy, tìm ra hai cảnh đối nhau như vậy, kể cũng có cơ sở và cũng là phát hiện hay. Nhưng đáng tiếc, những ai đưa ra ý ấy còn quên một điều. Một điều chúng tôi trình bày ở đây chỉ dừng ở phong cảnh khi Thúc ra đi (khi về xin trình bày ở bài khác).
Sông Tần một dải xanh xanh… Nói đến sông Tần có hai ý kiến. Một là: Tần Xuyên và liền nghĩ đến bài hát: Nước chảy đầu Lũng, tiếng réo nghẹn ngào, xa trông sông Tần, ruột gan đứt nát. Bởi xưa kia đời Tần bắt dân chúng đi làm việc ở Lũng Tây, dân chúng lên núi trông về quê hương, nhớ nhà mà than khóc. Ý kiến thứ hai là của thi sĩ Tản Đà. Tản Đà bảo đấy không phải lầ Tần Xuyên mà là con sông Tần Hoài, nước chảy qua Vô Tích, quê của Thúc. Chính là trỏ thực vào đường đi của Thúc sinh.
Như vậy cả ý kiến thứ nhất và ý kiến thứ hai đều cho rằng đó là cảnh thực, chỉ khác nhau ở con sông này hay con sông khác. Nhưng thực ra, có sông Tần thật, có cảnh đau lòng của người xa quê thật, nhưng phong cảnh Nguyễn Du viết ở đây lại không có thực. Đó là cảnh tưởng tượng. Bởi lẽ sau khi Thúy Kiều khuyên Thúc sinh về với Hoạn thư, Thúc ông cũng giục chàng ninh gia, Thúc Sinh quá đau buồn mà tưởng tượng sông nước, cây cảnh ấy.
Vì một lẽ đơn giản là sau hai câu Sông Tần… là một bữa tiệc rượu (Thúc chưa lên đường, rượu tiễn đưa): Cầm tay dài ngắn thở than/ Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời. Sau đấy, Thúy Kiều tiếp tục phân tích với Thúc sinh: Nàng rằng: “Non nước xa khơi/ Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm/ Dễ lòa yếm thắm trôn kim/ Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng/ Đôi ta chút nghĩa đèo bòng/ Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh”. Sau những lời phân tích, Thúy Kiều còn dặn: Thương nhau xin nhớ lời nhau/ Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy/ Chén đưa nhớ buổi hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau… Tiếp theo đấy mới là cảnh chia tay thật sự: Người lên ngựa, kẻ chia bào…
Như vậy chưa chia tay, chưa lên đường đã xuất hiện cảnh loi thoi bờ liễu, Nguyễn Du quá vội hay ý thơ lộn xộn?
Theo chúng tôi điều kỳ diệu ở đây là mới nghĩ đến cảnh chia tay Thúc đã tưởng tượng cảnh tình như thế.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)