Hội nhậpThế giới 24h

Hai chị em song sinh Trung Quốc dùng hộ chiếu của nhau để qua mặt hải quan

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh sát Trung Quốc đã bắt hai chị em sinh đôi đã dùng hộ chiếu của nhau để giúp người còn lại ra nước ngoài hàng chục lần.

Một trong hai chị em tên là Zhou Mouhong, có chồng là người Nhật Bản. Theo tờ South China Morning Post ngày 29.6, do không xin được thị thực (visa) để sang Nhật gặp chồng, cô này đã dùng visa của người song sinh là Zhou Mouwei để sang Nhật.

Hai chị em song sinh Trung Quốc dùng hộ chiếu của nhau để qua mặt hải quan - ảnh 1

Hành khách làm thủ tục tại sân bay ở Bắc Kinh hồi tháng 9.2020. REUTERS

Hai chị em song sinh này sống tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang ở miền bắc Trung Quốc. Cô Mouhong còn bị cáo buộc đã dùng visa của người kia để sang Nga và một số nơi khác. Tổng cộng, Mouhong đã rời khỏi Trung Quốc bằng giấy tờ giả hơn 30 lần trước khi bị bắt.

Cô Mouwei cũng bị cáo buộc dùng danh tính của Mouhong để đến Thái Lan và một số nước khác 4 lần.

Cảnh sát không tiết lộ tuổi của hai chị em và cũng không nói họ đã phát hiện hành vi phạm tội này bằng cách nào nhưng chỉ nói phát hiện vào đầu năm. Nhà chức trách đã yêu cầu hai chị em sinh đôi này về Trung Quốc vào cuối tháng 5.

“Bạn có thể xin cấp hộ chiếu tại cơ quan xuất nhập cảnh nhưng bạn không thể ra nước ngoài bằng hộ chiếu của người khác. Hiện tại, cảnh sát đang điều tra hai người phụ nữ vì tội vi phạm quản lý biên giới”, cảnh sát Wang Xiaodong thuộc phòng quản lý xuất nhập cảnh tại Hắc Long Giang cho biết.

Một luật sư cho rằng hai chị em này có thể bị phạt dưới 1 năm tù hoặc bị xử phạt. Vụ việc gây nhiều phản ứng ngạc nhiên trên cộng đồng mạng về việc hai người phụ nữ đã qua mặt được cơ quan chức năng. “Rõ ràng là hệ thống nhận diện khuôn mặt để kiểm soát biên giới có lỗ hổng lớn”, một người bình luận. Bên cạnh đó, cũng có những người tò mò về việc làm sao cảnh sát phát hiện ra. Một người đoán rằng vụ việc bị phát hiện do các biện pháp phòng dịch Covid-19, khi một người đáng lẽ đang ở một nước nhưng lại sử dụng căn cước tại một nước khác để tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm.

Theo Vi Trân/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)