Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hai chữ “Bắc Kinh” trong tay thần bút Nguyễn Du

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mở đầu câu chuyện Vương Thúy Kiều, Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim – Vân – Kiều – truyện viết: Thoại thuyết Bắc Kinh, hữu nhất Vương viên ngoại, danh Lưỡng Tùng, tự Tử Trinh (ở Bắc Kinh, có một vị viên ngoại họ Vương, tên Lưỡng Tùng. Tự Tử Trinh)… Như vậy quê quán của Thúy Kiều ở Bắc Kinh đã được TTTN xác định rõ ràng. Vậy sao Nguyễn Du lại cho một quê quán mơ hồ: Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng… “Hai kinh” (tức Nam Kinh và Bắc Kinh), Thúy Kiều ở “kinh” nào? Tại sao Nguyễn Du không viết: Bốn phương phẳng lặng Bắc Kinh vững vàng? Nếu viết như vậy, địa chỉ được giới hạn, được xác định chính xác. Người đọc không rõ quê hương của Thúy Kiều tức Nguyễn Du mở ra một địa lí, một không gian ngoài địa phận Bắc Kinh. Suy rộng ra, chuyện như xảy ra trên mênh mông đất nước Trung Quốc. Đọc cả Truyện Kiều ta thấy nhan nhản khắp nơi, nào chốn thanh lâu, nào buôn thịt bán người, nào quan lại tham nhũng, nào cậy quyền thế hà hiếp người dân lành, nào đánh đập người không có luật lệ… Đến nỗi, một thây người chết vô thừa nhận, nếu cần: Có ngay! Đâu đâu trên đất nước ấy cũng đầy cạm bẫy, bất công và tàn nhẫn.
Có phải suy nghĩ này Nguyễn Du đã có trong bài thơ chữ Hán: Phản Chiêu Hồn? Ngày xưa, nhà thơ Khuất Nguyên bất mãn với chế độ phong kiến đương thời, nhảy xuống sông Mịch La tự tử (nhằm ngày 5 tháng 5, âm lịch). Đời sau, nhà thơ Tống Ngọc thương Khuất Nguyên quá làm Văn Chiêu Hồn, gọi Khuất Nguyên về với trần gian, với đất nước Trung Quốc. Nguyễn Du đi qua sông Mịch La, không đồng tình với Tống Ngọc; nhà thơ Việt Nam viết bài Phản Chiêu Hồn. Vì sao? Theo Nguyễn Du ngày đó chỉ có một con sông Mịch La nhưng bây giờ, ở Trung Quốc, đâu đâu cũng có sông Mịch La: Đại địa xứ xứ giai Mịch La (Trên mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La)! Có phải ở hai tác phẩm rất khác nhau: Truyện KiềuPhản Chiêu Hồn chung một cảm nhận, một nghĩ suy?
 Vậy khi nào Nguyễn Du dùng đến hai chữ “Bắc Kinh”? Phải hơn hai nghìn câu thơ sau đó, hai lần dùng, hai lần có giá trị lớn trong tiến trình diễn biến câu chuyện. Lần thứ nhất, Thúy Kiều trốn khỏi nhà Hoạn thư đến Chiêu Ẩn Am xin Giác Duyên ở lại chùa. Không thể kể chuyện Hoạn thư này nọ, trốn tránh ra sao, phải nói dối: Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh/ Quy sư quy Phật tu hành bấy lâu/ Bản sư rồi cũng đến sau/ Dạy đưa pháp bảo sang hầu sư huynh, Thúy Kiều đã bịa chuyện sư phụ sẽ đến sau và sư phụ gửi quà quý đến biếu. Thúy Kiều đã nói dối nhưng cái thuật nói dối muốn người nghe tin mình phải có chút sự thật. Mà sự thật ấy, Thúy Kiều không nói ra, Giác Duyên cũng biết vì Kiều nói tiếng Bắc Kinh!
Lần hứ hai, một viên chức muốn quan Kim Trọng tin lời mình nói là thật: Sự này đã ngoài mười niên/ Tôi đã biết mặt biết tên rành rành/ Tú bà cùng Mã giám sinh/ Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về…
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)