Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hai chữ “đoạn trường” giúp ta hiểu thêm gì ở Truyện Kiều?

Tạp Chí Giáo Dục

Đoạn trường là từ Hán Việt. Đoạn là đứt, trường là ruột. Đoạn trường có thể hiểu là nỗi đau lòng đứt ruột. Không biết câu chuyện sau đây có phải là nguồn gốc ra đời hai chữ đoạn trường hay không, xin được trình bày cùng bạn đọc. Xưa có một người đi rừng, bắt đươc một con vượn con. Anh ta đem về nhà nuôi. Không ngờ vượn mẹ theo chân người bắt con mình, đến tận nhà, leo trên cây cao, ngày ngày nhìn con mà nước mắt chảy dài. Hàng ngày, người bắt được vượn con, đem ra trước hiên nhà mà đùa bỡn. Vượn mẹ tưởng con mình bị đánh, đau lòng vì không cách nào cứu được con. Bỗng một hôm, vượn mẹ từ trên cây cao rơi xuống. Chủ nhà nhặt đươc, làm thịt vượn mẹ. Khi mổ ruột, chủ nhà thấy ruột vượn mẹ đứt ra từng khúc!
Đọc Truyện Kiều chúng ta quặn lòng đứt từng khúc ruột với nỗi đau của Thuý Kiều qua bao cảnh éo le.
Khởi đầu nỗi đau ấy là đôi trai gái yêu nhau tha thiết, nặng lời thề ước mà không được sống bên nhau. Kim Trọng đột nhiên phải về gấp, đi Liêu Dương hộ tang chú. Ông tơ ghét bỏ chi nhau/ Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi. Cái cảnh sinh ly tử biệt vốn đã chua xót, đau đớn, ở đây lại là một đôi trai gái tuổi còn non trẻ, bước vào mối tình đầu. Nỗi đau ấy như gấp bội! Lúc biệt ly, Kim Trọng chỉ dặn Thúy Kiều một điều: Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng đành kẻ chân mây cuối trời. Và, Thúy Kiều khẳng định: Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.
Ấy vậy mà Kim Trọng mới bước chân ra, Thúy Kiều đã phải bán mình, đã không cách nào giữ được lời hứa: Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây… Đó là chưa nói đến cái cảnh ô nhục khi trước mặt khách lạ, trước một tên đàn ông mày râu nhẵn nhụi mà Kiều phải chịu cảnh: Vén tóc, bắt tay (mụ mối vén tóc Kiều cho Mã nhìn kỹ mặt Thúy Kiều. Mụ mối lại bóp nắn cánh tay Thúy Kiều để Mã thấy da thịt tươi non của tuổi trẻ)
Còn nỗi đau nào hơn khi Tú Bà bắt được Kiều chạy trốn cùng Sở Khanh để rồi chịu cảnh uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa, để rồi Kiều phải xin, phải tình nguyện làm gái thanh lâu với câu hứa chua chát nỗi đau của cô gái trong trắng: Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa. Mà không mấy ai trên đời giết chồng rồi lại lấy chống!
Bao nỗi đau đẫm nước mắt biến thành tiếng kêu, một tiếng kêu mới về nỗi đau lòng: Đoạn trường tân thanh!
LÊ XUÂN LÍT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)