Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hai cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Gói kích cầu của Chính phủ đã chính thức được thực hiện. PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM) về tác động, hiệu quả của gói kích cầu này trong thời gian tới.

* Thưa tiến sĩ, ông có thể dự báo thời gian để gói kích cầu phát huy hiệu quả?

– Gói kích cầu của Chính phủ có nhiều khoản. Khoản thứ nhất 1 tỉ USD (17.000 tỉ đồng) giao cho Ngân hàng Trung ương điều hành để bù lãi suất (LS) cho doanh nghiệp (DN). Khoản thứ 2 là hoãn, miễn, giảm thuế trị giá khoảng 20.000 tỉ đồng để DN tháo gỡ khó khăn. Khoản thứ 3 cũng rất quan trọng liên quan đến chính sách tài khóa là hướng đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật xã hội. Tăng chi tiêu của Chính phủ vào các việc phát triển hạ tầng kỹ thuật qua đó kích thích sức mua của thị trường như làm đường nông thôn, triển khai làm bệnh viện, trường học… sử dụng vật tư nguyên liệu trong nước để kích tiêu dùng. Cũng trong nhóm chính sách này, sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư để sớm giải ngân các dự án. Dự kiến, chương trình này bắt đầu từ tháng 2 đến khoảng 4 – 5 tháng sau sẽ có hiệu quả.

 
Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

* Khoản kích cầu được quan tâm nhất là 1 tỉ USD để bù LS cho DN, ông đánh giá thế nào khoản này?

– Theo tôi, khoản bù LS cho DN trị giá 1 tỉ USD này có 2 ưu điểm. Đó là giúp DN đỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào đồng thời không gây áp lực khiến các ngân hàng thương mại phải giảm LS huy động. LS cơ bản hiện nay chỉ còn 7% nhưng với chỉ số giá tháng 1 công bố thì LS thực dương lớn. Không bị áp lực giảm LS huy động, ngân hàng sẽ vẫn huy động được vốn của dân. Bởi nếu LS huy động thấp quá, người dân sẽ có tâm lý mua ngoại tệ hay vàng dự trữ thay vì gửi tiết kiệm tiền đồng.

* Còn về phía DN thì sao, thưa ông?

– Mặc dù đối với Nhà nước, 1 tỉ USD bù LS này chỉ mang tính chất nhất thời để giải quyết khó khăn và vướng mắc cho DN. Nhưng theo tôi, DN phải tận dụng cả 2 cơ hội lớn này là cơ hội tín dụng thông qua bù LS và cơ hội giãn thời gian nộp thuế để tái cấu trúc lại DN. Tái cấu trúc tôi muốn nói đến là đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới. Riêng ở TP.HCM là các DN cần di dời ra ngoại thành, khu công nghiệp… thực hiện di dời. Nghĩa là phải tận dụng cái ngắn hạn để làm cái trung hạn, dài hạn chứ không nên "ăn xổi ở thì" để rồi hết năm 2009 lại sẽ rơi vào khó khăn. Tôi cũng lưu ý rằng, nếu các ngân hàng thương mại không cẩn trọng trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn vốn kích cầu được bù LS này thì nguy cơ nợ xấu sẽ tăng, mà DN qua năm 2010 cũng sẽ khó khăn trở lại. Tôi biết hiện nay có một số DN rất khó khăn đầu ra, có vay cũng không biết làm gì trong khi nợ tín dụng vẫn còn rất lớn chưa trả được. Những DN này cần phải có biện pháp xử lý, hỗ trợ riêng, khác hơn.

* Vậy theo ông, với các DN này nên hỗ trợ như thế nào cho hợp lý?

– Tôi lấy ví dụ, các DN đang khó khăn về vấn đề trả nợ do trước đây vay đầu tư nhưng mất thị trường thì nên áp dụng biện pháp gia hạn nợ cũ và áp dụng LS mới. Có thể hiểu là DN không vay mới nhưng được hưởng chính sách bù LS mới để "thoát" ra khỏi khó khăn. Riêng đối với TP.HCM, phải tập trung chính sách kích cầu để tái cấu trúc kinh tế TP. Cụ thể, giúp DN đổi mới công nghệ, phát triển xây dựng nhà ở xã hội và tập trung đầu tư vào hạ tầng xã hội.

 

"Các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội này, tận dụng cái ngắn hạn để phục vụ cái trung và dài hạn"

 

* Có ý kiến cho rằng, gói kích cầu cũng sẽ kích cung, ý kiến của ông như thế nào?

– Hiểu như thế là chưa đúng. Thực sự là Nhà nước hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN. Theo tính toán, với 17.000 tỉ đồng bù LS thì DN huy động qua ngân hàng được trên 400.000 tỉ đồng. Nếu dòng tiền này đưa vào lưu thông qua việc mua vào các vật liệu, nguyên liệu, mua hàng xuất khẩu… thì chính các chi tiêu đó sẽ tạo nên sức cầu, tăng thêm sức cầu chứ không phải cung như nhiều người vẫn nghĩ. Kích cầu ở đây ý nghĩa là như vậy, làm tăng tổng cầu cho cả nền kinh tế chứ không phải cầu là đưa tiền để ra cửa hàng mua cái này, cái nọ… Cầu này là cầu trực tiếp còn kích cầu mà chúng ta đang nói tới là cầu gián tiếp.

* Ông đánh giá thế nào về chương trình kích cầu này?

– Tôi cho rằng đây là một chương trình tình thế. Nếu xử lý không tốt, hỗ trợ nhiều dự án không hiệu quả, chạy đua các dự án để được nguồn hỗ trợ này mà không hiệu quả thì phía DN sẽ xấu hơn trong thời gian tới và có nguy cơ tái lạm phát trở lại mà kinh tế không tăng trưởng được. Đây là chương trình hỗ trợ rất đặc thù cần hết sức thận trọng về phía Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các DN. Tôi nhấn mạnh, các DN phải tận dụng cơ hội này, tận dụng cái ngắn hạn để phục vụ cái trung và dài hạn. Những DN làm được điều này sẽ phát triển tốt trong tương lai.

Sau từ 3 – 5 tháng thì dòng tiền quay được rồi. Tuy nhiên, tôi lưu ý rằng, để làm được điều này thì thủ tục hành chính phải đồng bộ thì mới có thể giải ngân được. Nếu không thì hết thời gian vẫn chưa giải ngân được và dòng tiền chạy ra bên ngoài cũng không hấp thụ được.

Nguyên Hằng (TNO)

 

Bình luận (0)