Hai con đập trên địa bàn xã Tráng Việt và Văn Khê (huyện Mê Linh, Hà Nội) được đầu tư hơn chục tỷ đồng mới hoàn thành hơn 1 tháng đã vỡ toang hoác từng mảng. Từng mảng bê tông gãy vụn nằm chỏng chơ, những hàm ếch ăn sâu vào thân đập nham nhở…
Từ hiện trạng có thể thấy, công trình đã được thi công không đảm bảo kỹ thuật. Hiện các cơ quan chức năng của Hà Nội đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân, sai phạm tại hai con đập trên.
Tan hoang như sau đại hồng thủy
Mới chỉ chịu một con nước lên, cả hai con đập đẹp đẽ mới hoàn thành 1 tháng qua trên địa bàn xã Tráng Việt và Văn Khê đã vỡ toang hoác, vụn vỡ như miếng bánh quy bị giẫm bẹp. Trước mắt chúng tôi, con đập của xã Tráng Việt hiện ra thảm thương như vừa qua trận đại hồng thủy.
Toàn bộ 120m ta luy bê tông phía hạ lưu bị sạt lở, trơ những hàm ếch xoáy sâu vào thân đập. Những tấm bê tông dài hơn chục mét nham nhở trơ cả cốt sắt bên trong. Người đi xe máy qua lại phải nép sát vào một bên đường nếu không muốn cả người và xe rơi xuống sông. Ai cũng lắc đầu ngao ngán khi nhìn thấy con đập to đẹp, bề thế mới đó đã trở nên nát vụn.
Người dân chưa kịp mừng đã “ôm” nỗi thất vọng với hai con đập gần 10 tỷ đồng. (Ảnh: CAND)
Anh Lương Văn Sang, xóm 3, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt kể, khi mới hoàn thành, dân trong xã ai cũng phấn khởi. Trẻ con có chỗ sạch sẽ chơi, chiều chiều ra đập thả diều. Còn nông dân ra bãi trồng rau cũng có thể phóng xe máy vèo vèo trên đường bê tông. “Thế mà mới một lần nước lên, khi rút xuống, phần hạ lưu đã tơi tả thế này đây”, anh Sang vừa nói vừa chỉ tay vào những mảng bê tông đang nằm nửa chìm nửa nổi.
Con đập từ khu dân cư ra vùng bãi trồng rau màu thuộc địa giới hành chính xã Văn Khê cũng bị sạt lở không kém con đập của xã Tráng Việt. Tuy mức độ có phần nhẹ hơn nhưng khoảng 50m dài ta luy bê tông đã bị bong tróc trông nham nhở.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đập nằm trên địa phận xã Tráng Việt có mức đầu tư trên 5,5 tỷ đồng và đập Văn Khê (xã Văn Khê) có tổng mức đầu tư lên đến gần 6,4 tỉ đồng. Trong đó chi phí xây lắp là gần 4,9 tỉ đồng, chi phí khác là hơn 660 triệu đồng và chi phí dự phòng là gần 580 triệu đồng.
Hợp đồng xây lắp số 11/2008/HĐKT được ký ngày 18/12/2008, với thời gian thi công tuyến ngầm giai đoạn 1 là 150 ngày và giai đoạn 2 là các hạng mục còn lại với quỹ thời gian 120 ngày. Chủ đầu tư hai công trình này là UBND hai xã Văn Khê và Tráng Việt. Đơn vị được tiến hành khảo sát, thi công là Công ty TNHH Hòa Thành, do ông Nguyễn Văn Bảo làm giám đốc.
Không đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm
Các cơ quan chức năng bắt đầu tiến hành mổ xẻ nguyên nhân sự xuống cấp “chóng mặt” của hai công trình trên. Hàng loạt ý kiến được đưa ra nhưng không có đơn vị nào nhận trách nhiệm về phía mình.
Theo ông Hà Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, hai con đập này được đầu tư gần 10 tỷ đồng phục vụ việc tưới cho khoảng 450ha rau màu và hoa của nông dân các xã Tráng Việt và Văn Khê. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho UBND các xã Tráng Việt và Văn Khê làm chủ đầu tư.
UBND huyện Mê Linh phê duyệt dự án trên cơ sở phê duyệt thiết kế dự án của Sở NN&PTNT tỉnh. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành.
Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Khơ, Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho rằng, nguyên nhân của việc sạt lở trên một phần do mức nước đột ngột lên cao, dòng chảy quá mạnh đã làm sạt lở cả tuyến ngầm đập Tráng Việt và Văn Khê.
Con đập trên địa bàn xã Tráng Việt dài chừng 300m, kinh phí riêng cho phần thi công đập là gần 3 tỷ đồng được khởi công từ tháng 6/2008.
Đến trung tuần tháng 5/2009, hạng mục công trình đập được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Với giá trị gần 10 tỷ đồng, ông Khơ cho rằng, vốn đầu tư được bố trí ít nên chất lượng thi công chưa bảo đảm?
Phía giám sát thi công của nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành (đơn vị trực tiếp thi công cả hai con đập), ông Nguyễn Thanh Vấn lại cho rằng, nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng là do thiết kế không đảm bảo.
“Toàn bộ công trình chỉ có bê tông chứ không có cốt thép nên không chịu được sức nước. Khi nước từ thượng lưu đổ về tràn qua con đập chảy về phía hạ lưu đã luồn vào các khe, xói sâu vào bên trong thân đập. Do không có cốt thép nên không tạo được sự gắn kết vững chắc, vì vậy khi nước bên trong thân đập căng cứng, cộng với nước từ thượng lưu chảy xiết đã đẩy các tấm ta luy bê tông và đất đá trôi theo dòng nước”, ông Vấn phân tích.
Sau khi sự cố vỡ đập Tráng Việt và Văn Khê xảy ra, UBND huyện Mê Linh đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND TP Hà Nội giao cho ngành chuyên môn nghiên cứu giúp huyện khắc phục sự cố. Sau khi được UBND thành phố giao, Sở NN&PTNT cùng huyện Mê Linh đã lên phương án khắc phục tạm thời để đảm bảo an toàn cho nhân dân qua lại trên 2 con đập.
Tuy nhiên, vấn đề cần được làm rõ là hai con đập có giá trị gần 10 tỷ đồng tại sao lại có thể xuống cấp thảm hại chỉ sau khi hoàn thành hơn 1 tháng? Đơn vị và cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự cố này?
Theo Ngọc Yến
Công an nhân dân
Công an nhân dân
Bình luận (0)