Từ khi thuật ngữ “cách mạng công nghiệp 4.0” được du nhập vào Việt Nam, Hải đã dành trọn niềm đam mê đặc biệt với công nghệ thông tin, sáng chế robot dù sức khỏe gặp rất nhiều trở ngại. Với mỗi dự án sáng chế của mình Hải luôn ấp ủ, mong mỏi rằng trong thời đại công nghệ thì robot sẽ trở thành cánh tay, đôi mắt… giúp mình và những người kém may mắn khác có thể làm được mọi việc để tự tin hòa nhập cuộc sống.
|
TS. Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT trao bằng khen cho Trần Phan Thanh Hải. Ảnh: A.Tùng |
“Chiến đấu” đẩy lùi bệnh tật
Những ngày giữa tháng 1-2018, sức khỏe của học sinh Trần Phan Thanh Hải (SN 1999, Q.8, TP.HCM, HS lớp 10 Trường THPT Marie Curie) lại một lần nữa tụt dốc phải nằm liệt giường. Đối với Hải từ trước đến nay cái giường đã là thế giới thu nhỏ và số lần đổ bệnh cũng không thể đếm xuể, tuy nhiên mỗi một lần như thế Hải lại có thêm chiêm nghiệm mới để quyết tâm tiếp tục thực hiện những dự án sáng chế vẫn còn bỏ ngõ.
Cô giáo Phan Thị Quỳnh Mai (mẹ của Hải) hồi tưởng, quê cô ở Tiền Giang, lên Sài Gòn học và làm việc khi còn rất trẻ. Cô là giáo viên dạy toán tại một trường cấp 2 hiện đã nghỉ hưu. Hai vợ chồng cô sinh được 2 người con, Hải là con trai út, trước Hải là một chị gái. Khi Hải chào đời cũng bình thường như những đứa trẻ khác, tuy nhiên năm con trai lên 2 tuổi vợ chồng cô phát hiện con đi lại yếu ớt. Đưa con đến nhiều bệnh viện, người mẹ bủn rủn chân tay khi nhận được chẩn đoán con bị sốt bại liệt hoặc chứng teo cơ. Khoảng 4 tuổi, Hải bỗng dưng bị ngã không thể tự đứng lên, chính lần bị ngã đó khiến bệnh tình của Hải ngày càng trở nặng, chân và tay đều bị co rút phải ngồi một chỗ. Ôm con đến khắp các bệnh viện để cầu cứu, nhưng vợ chồng cô Mai chỉ nhận lại những cái lắc đầu vì không còn cách chữa trị.
“Hồi đó con từ đứa trẻ bình thường bỗng nhiên trở nên khuyết tật khiến cả 2 vợ chồng đều sốc nặng. Phải một thời gian rất dài mới có thể bình tĩnh lại”, cô Mai nhớ lại. Con đến tuổi đi học, cô Mai lại chạy đôn chạy đáo tìm trường, nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được câu trả lời “không nhận” vì Hải bị khuyết tật. Được các thầy cô hướng dẫn, cô Mai đưa con đến trường dành cho trẻ khuyết tật, thấy con bị xếp vào lớp trẻ bại não, cô khẳng định trí não của con rất bình thường nhưng không ai tin. Không từ bỏ quyết tâm cho con được học chữ, cô bắt xe đò đưa con về Tiền Giang để nhập học lớp 1 khi đã 8 tuổi. Mỗi tuần, vợ chồng cô bắt xe về quê thăm con 1 lần.
Học ở quê được khoảng 3 năm, để tiện chăm sóc vợ chồng cô Mai đón con trở lại Sài Gòn. Hồi đó gia đình cô sống ở tận tầng 5 cũng là tầng thượng của căn nhà tập thể cũ kỹ ở quận 3, không có thang máy, chồng lại trong cơn bạo bệnh khiến cô phải trở thành trụ cột chính vừa chăm lo chu toàn mọi việc trong nhà vừa trở thành đôi chân của con. Ngày nào cũng như ngày nào, hình ảnh người mẹ cõng con lên xuống 4 lần, chở con đến lớp bằng xe gắn máy và ôm con vào tận bàn học đều lặp đi lặp lại chưa bao giờ ngưng nghỉ.
Đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0
Đã hơn 15 năm nay, Hải không thể đi lại chỉ ngồi một chỗ, mọi việc sinh hoạt cá nhân đều nhờ bàn tay của mẹ. Ở trường, Hải được nhà trường tạo điều kiện được nằm trên bàn để nghe giảng. Đối với Hải, ngoài thời gian đến trường thì cuộc sống gần như thu nhỏ trên chiếc giường. Còn cô Mai trở thành đôi chân, đôi tay của con, như hình với bóng chưa hề rời. Ngồi bên con, đôi mắt người mẹ ánh lên niềm hạnh phúc: “Mất cái này nhưng bù lại được cái khác, Hải không đi lại được nhưng bù lại rất ngoan, hiếu thảo và nghị lực không chịu đầu hàng số phận”. Cô Mai kể thêm: Từ khi còn nhỏ, Hải đã ý thức được việc tự học. Cũng vì không có thời gian, cô không thể chở con đến các trung tâm học thêm. Sợ mẹ vất vả khó nhọc Hải cũng chưa bao giờ đòi hỏi điều đó. Tuy nhiên, suốt 10 năm liền Hải đều vươn lên học giỏi đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện. Ở lớp, Hải còn giảng lại bài cho bạn ngồi cạnh khi bạn không hiểu.
|
Hải bên dự án thiết bị robot vừa được Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM trao giải thưởng về Sáng tạo trẻ |
Ngoài học văn hóa, từ những năm tiểu học Hải đã tham gia những cuộc thi cờ vua và đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Năm học lớp 8, thấy mẹ vừa cõng mình trên lưng vừa phải khó nhọc mở khóa cửa, Hải trăn trở chế tạo “hệ thống cửa khóa trong tự động mở khi có số điện thoại cho phép gọi đến”, dự án đạt giải 2 cấp TP và giải khuyến khích cấp quốc gia trong kỳ thi Sáng tạo KHCN ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Hải kể, năm học lớp 9 mẹ phải phẫu thuật và điều trị bệnh sỏi mật ở bệnh viện suốt hơn nửa tháng trời. Khoảng thời gian đó bệnh tình của Hải cũng liên tục bị tái phát theo chiều hướng ngày càng trở nặng. Nghĩ đến việc một ngày nào đó mình bị liệt hoàn toàn, Hải không muốn mẹ vất vả thêm nên ấp ủ ý tưởng cho dự án “Robot hỗ trợ đa ngành nghề cho người bại liệt”. Tháng 1-2017, tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố, thiết bị “Robot hỗ trợ đa ngành nghề cho người bại liệt” có khả năng điều khiển bằng nháy mắt của Hải xuất sắc đoạt giải nhất, tháng 3-2017 dự án tiếp tục đoạt giải 3 cấp quốc gia. Ngày 25-12-2017, một lần nữa Hải được Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM trao giải khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo trẻ.
Hải chia sẻ, xuất phát điểm của Hải không được học về công nghệ thông tin. Từ những buổi học nghề điện cấp THCS, Hải nảy ra ý tưởng và tự mình mày mò tìm tòi trên mạng từ phương pháp lập trình, viết code… Trong quá trình lên ý tưởng, thiết kế, Hải viết tên dụng cụ cần mua vào giấy, còn cô Mai sẽ chạy ra tận chợ tỉ mẩn lựa từng con ốc, thiết bị để mang về cho con. Mỗi một dự án, cô Mai đều trở thành người cộng sự đặc biệt. Nhiều đêm cô thức cùng con đến sáng để mày mò chế tạo…
|
Hơn 16 năm nay, cô Mai vừa là mẹ vừa là cộng sự như hình với bóng với Hải |
“Nhiều lần thất bại nhưng em quyết tâm làm lại. Em thiết kế con robot đó trước hết là giúp đỡ bản thân em, giúp được nhiều người không may bị bại liệt khác, đồng thời em muốn trả ơn những thầy cô và bạn bè đã giúp đỡ hỗ trợ em rất nhiều”, Hải tâm sự. Nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán chỉ vài năm tới sẽ thay đổi mạnh mẽ đời sống xã hội. Những tưởng điều gì đó hẳn còn xa xôi ngoài tầm với, nhưng đối với Hải: “Sau mỗi một cuộc thi, em đều nghiên cứu nâng cấp cải tiến thiết bị robot hơn trước. Với những thiết kế lập trình như kết nối được với điện thoại thông minh, nhập tên công việc và điều khiển bằng nháy mắt, khả năng ghi nhớ công việc… Với những tiện ích trên và tiếp tục được cải tiến trong thời gian tới, hy vọng rằng chúng sẽ trở thành cánh tay, đôi mắt của người khuyết tật. Giúp người khuyết tật có thể hòa nhập được với thời đại công nghệ, giảm bớt gánh nặng cho người thân và xã hội” – cậu HS lớp 10 Trường THPT Marie Curie Trần Phan Thanh Hải thổ lộ
Thương thương
Tin liên quan
Với Nguyễn Trần Thảo Nhi, sinh viên lớp 20CNH02, Khoa NN&VH Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng,...
Đuối nước từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em mỗi năm,...
Lớp học số được TP.HCM thí điểm không chỉ giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học cho các...
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn thể dục trước đây được gọi là môn giáo dục thể chất. Môn...
Bình luận (0)