Khoa học - Công nghệ

Hai cụm thiên hà chứa hàng trăm tỷ ngôi sao sắp va chạm

Tạp Chí Giáo Dục

Việc quan sát các cụm thiên hà va chạm và sáp nhập giúp giới khoa học hiểu thêm về quá trình hình thành các vật thể trong vũ trụ.

Minh họa vùng khí nóng (màu xanh) được tạo ra khi hai cụm thiên hà va chạm. Ảnh: IFL Science.

Các nhà khoa học sử dụng hình ảnh từ kính viễn vọng tia X và đài thiên văn vô tuyến để quan sát luồng chấn động phát ra khi hai cụm thiên hà 1E 2216.0-0401 và 1E 2215.7-0404 bắt đầu hợp nhất, IFL Science hôm 25/6 đưa tin.

Cụm thiên hà chứa rất nhiều khí giữa các thiên hà. Lượng khí này trải rộng hàng triệu năm ánh sáng và thường rất nóng. Khi các cụm thiên hà đâm nhau, khí từ mỗi cụm sẽ bị nén và nung nóng tới nhiệt độ cực cao.

Giới khoa học từng quan sát được các luồng chấn động sáp nhập nhưng không giống lần này. Những luồng chấn động di chuyển vuông góc với trục, hướng ra ngoài theo mặt phẳng xích đạo của vụ sáp nhập. "Hai cụm thiên hà cho thấy bằng chứng rõ nét đầu tiên về kiểu chấn động sáp nhập này", Liyi Gu, tác giả chính của cuộc nghiên cứu, chuyên gia từ Viện Khoa học Quốc gia RIKEN (Nhật Bản), cho biết.

"Chấn động tạo ra một vành đai khí nóng 100 triệu độ giữa hai cụm thiên hà, có thể lan rộng đến biên giới của chúng, thậm chí xa hơn. Do đó, chấn động quan sát được có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của các cụm thiên hà cũng như các cấu trúc lớn trong vũ trụ", Liyi Gu giải thích.

Các vụ va chạm cụm thiên hà có thể mất hàng tỷ năm mới hoàn thiện. Vì vậy, để nắm được bức tranh tổng quát, các nhà khoa học phải quan sát hình ảnh của nhiều vụ va chạm khác nhau. Đây cũng là lý do rất khó quan sát được giai đoạn đầu của một vụ sáp nhập.

"eROSITA, dự án khảo sát bầu trời bằng kính viễn vọng tia X dự kiến khởi động trong năm nay, sẽ giúp phát hiện thêm nhiều vụ sáp nhập tương tự. Hai dự án khác là XRISM và Athena, cũng cho phép chúng ta hiểu thêm vai trò của những luồng chấn động sáp nhập trong lịch sử hình thành các vật thể ngoài không gian", Hiroki Akamatsu, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Cụm thiên hà là vật thể được liên kết bằng lực hấp dẫn lớn nhất vũ trụ, mỗi cụm có thể chứa hàng trăm tỷ ngôi sao. Chúng rất quan trọng trong việc tìm hiểu quá trình thiên hà thay đổi và tiến hóa hay cách vật chất phân bố trong vũ trụ.

Theo Thu Thảo (Theo IFL Science)/Vnexpress

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)