Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hai cuốn sách cẩm nang về di sản văn hóa Huế

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân kỷ niệm 30 năm (1993 – 2023) Quần thể di tích cố đô Huế và 20 năm (2003 – 2023) Nhã nhạc – âm nhạc cung đình VN được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, hai cuốn sách dày dặn về di sản văn hóa Huế của TS Phan Thanh Hải vừa được xuất bản, ra mắt bạn đọc.

Tác giả cho biết Tản mạn về Huế từ góc nhìn di sản văn hóa tập hợp chủ yếu các bài viết ngắn về lịch sử, văn hóa, di sản chủ yếu của vùng đất Huế; cuốn Huế còn lại với di sản gồm những bài viết dài hơn, chuyên sâu – có thể gọi là "chuyên đề" – tập trung vào chủ đề di sản văn hóa Huế. Là người công tác tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế 27 năm (1992 – 2019), từ một cán bộ nghiệp vụ, tiếp bước các đàn anh như Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng… trở thành Giám đốc trung tâm, TS Phan Thanh Hải có điều kiện đi sâu nghiên cứu di sản văn hóa Huế đến tận mọi ngõ ngách và cả ở tầm "vĩ mô". Với lượng thông tin phong phú, hai cuốn sách của TS Hải giúp ích cho nhiều bạn đọc muốn nghiên cứu, tìm hiểu về di sản Huế.

Cụ thể, Tản mạn về Huế từ góc nhìn di sản văn hóa có 3 phần: Lịch sử và văn hóa; Di tích – cổ vật; Bảo tồn – phát huy. Trong phần Lịch sử và văn hóa, tác giả đưa người đọc về thời Nguyễn Hoàng mở cõi; tiếp đến là mối quan hệ Việt – Nhật thời kỳ các chúa Nguyễn, rồi hình ảnh thị trấn Thanh Hoa qua Hoàng Việt nhất thống dư địa chí… Bạn đọc có thể tìm hiểu từ Lễ dựng nêu, Lễ hội Điện Hòn Chén… đến nghệ thuật rồng – phượng, thú chơi kiểng, nghệ thuật ẩm thực Huế… và nhiều nét văn hóa Huế đặc sắc khác.

Một đề tài ít nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu là Quy hoạch nhà phố trong Kinh thành Huế có từ bao giờ? cũng được đề cập trong cuốn sách này. Bài viết với những tư liệu tưởng "khô khan" – những bản dịch văn bản hành chính xác nhận quyền sở hữu nhà đất ra đời năm Khải Định thứ 5 (1920) tức cách đây hơn một thế kỷ – nhưng khá thú vị vì gợi cho người đọc hình dung lại cả một thế kỷ hình thành đường phố dân cư trong Thành Nội…

Trong phần Di tích – cổ vật, cuốn sách giới thiệu hầu hết những di sản quý giá của Huế như điện Long An, cung An Định, cung Diên Thọ…, các chùa Huế, nhà rường Huế, bình phong và non bộ; rồi cửu đỉnh, kim bảo, ngọc tỷ của triều Nguyễn… Tác giả còn giới thiệu cả "bàn ủi" thời Nguyễn và cập nhật về sự trở về của hai cổ vật triều Nguyễn ("mũ đại quan" và "áo nhật bình") vừa diễn ra tại Tây Ban Nha tháng 10.2021…

Cuốn Huế còn lại với di sản có nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu giúp bạn đọc hiểu quá trình hình thành và công phu tôn tạo, quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế. Với gần 100 di sản văn hóa Huế được giới thiệu, khảo cứu với nhiều cấp độ bổ sung cho nhau, hai cuốn sách mới của TS Phan Thanh Hải như một "cẩm nang" khá toàn diện, hữu ích về di sản văn hóa Huế.

Theo Nguyễn Khắc Phê/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)