Cụ Huỳnh Văn Tiểng và Cụ Võ An Ninh (phải) – Ảnh: gia đình cung cấp |
Cùng trong một ngày 4.6, hai đại thụ của văn hóa, nghệ thuật nước nhà đã lìa xa chúng ta. Lúc 9 giờ, nhà văn hóa – nhà cách mạng lão thành Huỳnh Văn Tiểng đã qua đời, thượng thọ 90 tuổi. Lúc 19 giờ, biểu tượng của nhiếp ảnh Việt Nam, cụ Võ An Ninh cũng ra đi, thượng thọ 103 tuổi…
Huyền thoại nhiếp ảnh Việt Nam
Chúng tôi được may mắn gặp gỡ, trò chuyện cùng cụ nhiều lần, khi thì ở tư gia của cụ, khi thì ở các cuộc triển lãm và cả khi cụ được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu. Đêm ấy, cụ kể về vật bất ly thân của mình: chiếc máy ảnh hiệu Zeiss Ikon của Đức, mua từ năm 1927 bằng cách nhịn quà sáng, với giá 32 đồng 5 hào, mà đến lúc ấy cụ vẫn sử dụng. Người dẫn chương trình hỏi: "Thời buổi khoa học kỹ thuật phát triển mà sao cụ cứ giữ cái máy cổ lỗ sĩ thế kia?". Cụ cười: "Máy nào cũng thế thôi! Người chụp chứ không phải máy chụp. Trước khi chụp phải tư duy và chụp bằng trái tim. Nếu chụp bừa để khoe máy đẹp thì tôi… xin hàng !".
Cách đây 10 năm, đã 93 tuổi, cụ còn chống gậy đến dự lễ ra mắt CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi TP.HCM mà cụ là cố vấn danh dự. Chúng tôi mừng thấy cụ vẫn giữ được vẻ tráng kiện, đầu óc minh mẫn và giọng nói sang sảng, hóm hỉnh… Cụ nhắn nhủ thế hệ con cháu, nhất là các nhiếp ảnh gia trẻ: "Các bạn trẻ bây giờ có điều kiện tốt hơn nhưng cần phải đi nhiều, nhiều hơn nữa, và phải có lòng kiên trì, hết sức kiên trì mới đạt được mục đích". Để chụp thành công bức Đôi nét thủy mặc Sapa, cụ Võ đã "rình" tới 28 năm (1933-1961), chụp cảnh chùa Hương, cụ phải lên đó 50 lần, trong đó có 2 lần đi xe đạp với một chân giả sau một tai nạn.
Trong triển lãm của CLB Người cao tuổi TP.HCM, một loạt ảnh tư liệu lịch sử của cụ đã được công bố về nạn đói năm Ất Dậu 1945. Với chiếc máy ảnh Zeiss Ikon và chiếc xe đạp, cụ Võ đã có mặt khắp miền Bắc: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng… Xác người chết đói và sắp chết đói la liệt trên đường phố; người thiếu phụ đẻ non – con sinh ra chết ngay; nét "xuân thì" của cô thiếu nữ 17 tuổi chỉ còn da bọc xương và một mảnh giẻ che thân; cảnh quân Nhật đàn áp những người đói đang cướp xe gạo do chúng áp tải… Rồi cảnh nhân dân Hải Phòng hân hoan đón Bác Hồ về nước, nhân dân thủ đô đón Bác ở ga Hàng Cỏ…
Linh cữu Cụ Huỳnh Văn Tiểng quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ viếng bắt đầu lúc 13 giờ ngày 5.6.2009. Lễ truy điệu lúc 5 giờ ngày 7.6.2009, sau đó an táng tại Nghĩa trang TP.HCM. |
Cụ Võ An Ninh từ trần lúc 19 giờ ngày 4.6.2009 tại tư gia (164 Ngô Gia Tự, P.9, Q.10, TP.HCM). Lễ nhập quan lúc 15 giờ ngày 5.6.2009. Linh cữu quàn tại tư gia. Lễ viếng bắt đầu lúc 8 giờ ngày 6.6.2009. Vì còn chờ thân nhân ở xa nên chưa thống nhất giờ động quan, sau đó an táng tại nghĩa trang gia tộc ở Long Thành (Đồng Nai).
Trong kho tư liệu của cụ còn có ảnh của nhiều nhân vật lịch sử, những bức ảnh vô giá chụp nhà thơ Tản Đà, vua Thành Thái, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Đại tướng võ Nguyên Giáp… Tính tư liệu lịch sử còn được cụ Võ thể hiện trong mảng ảnh di tích – kiến trúc. Từ các đường nét, hoa văn trong ảnh, người ta có thể phục chế nguyên trạng những di tích, đền đài, chùa miếu, lăng tẩm đã hư hỏng, xuống cấp, người ta có thể so sánh chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (TP.HCM), bến Ninh Kiều (Cần Thơ)… cách đây ngót thế kỷ và hiện nay. Từ mảng ảnh chân dung của cụ cũng có thể tìm hiểu cách ăn mặc, phục sức của thiếu nữ Huế vào thập niên 1930, hoặc ông đồ Bắc khác ông đồ Nam thế nào khi viết câu đối Tết…
Cụ Võ An Ninh tên thật là Võ An Tuyết, sinh ngày 18.6.1907 tại Hà Nội (gốc Hải Dương). Từng học trường Bưởi với họa sĩ Tô Ngọc Vân nên cũng có ý định thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng chính Tô Ngọc Vân đã khuyên cụ nên đi theo nhiếp ảnh sau khi xem những bức ảnh đầu tay của bạn. Năm 1935, Võ An Ninh có cuộc triển lãm đầu tiên ở… ngôi trường mình định thi vào: Trường Mỹ thuật Đông Dương, và được Hội Mỹ thuật Kỹ nghệ Việt Nam trao giải Ngoại hạng cho tác phẩm Buổi sớm trên đê sông Hồng. Thế giới biết đến Võ An Ninh rất sớm: năm 1938, bức Đẩy thuyền ra khơi đoạt giải Ngoại hạng tại Triển lãm Paris (Pháp), cũng năm này tác phẩm Chợ bán nồi đất được bằng khen ở Triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc tế Bồ Đào Nha; HCĐ Triển lãm ảnh Quốc tế tại Liên Xô với tác phẩm Nước ròng bãi Trà Cổ (1960); bằng khen Triển lãm ảnh Quốc tế BIFOTA với bức Đôi nét thủy mặc Sapa (1965)…
Gần 80 năm cầm máy (với chiếc máy ảnh duy nhất) cụ đã đồng hành với đất nước, con người và lịch sử Việt Nam. Chính sức lao động bền bỉ, lòng yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc nồng nàn của cụ Võ đã tạo nên một tên tuổi thật đáng ngưỡng vọng và tự hào cho nền nhiếp ảnh Việt Nam.
Người cuối cùng của Hoàng – Mai – Lưu
Nói đến Huỳnh Văn Tiểng là người ta nhớ đến bộ ba Hoàng (Huỳnh Văn Tiểng) – Mai (Mai Văn Bộ) – Lưu (Lưu Hữu Phước). Đó là ba chàng sinh viên quê Nam Bộ ra Hà Nội trọ học. Từ những đồng cảm về ý thức hệ, họ đã nhanh chóng trở thành đồng chí, đồng đội, luôn sát cánh bên nhau suốt nửa thế kỷ trên mặt trận văn hóa (diễn thuyết, làm thơ viết báo, viết ca khúc, kịch…) kêu gọi toàn dân tham gia chống Pháp, chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mà phần ca từ do Huỳnh Văn Tiểng viết như: Tiếng gọi thanh niên, Xếp bút nghiên, Lên đàng, Giải phóng miền Nam (dưới tên Huỳnh Minh Siêng)… chắc chắn mãi còn âm vọng đến các thế hệ mai sau.
Cụ Huỳnh Văn Tiểng từng được coi là "người anh lớn" của ngành phát thanh và truyền hình Việt Nam. Từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, ông đã được giao phụ trách đài phát thanh. Tập kết ra Bắc, ông giữ chức Phó tổng biên tập Đài tiếng nói Việt Nam (1954), rồi giám đốc đầu tiên của Đài truyền hình Giải phóng (5.1975), tiền thân của Đài truyền hình TP.HCM sau này…
Cách đây khoảng mười năm, có một giải thưởng văn hóa mang tên Hoàng Mai Lưu ra đời và cụ luôn là người đại diện cho nhóm Hoàng Mai Lưu để trao giải cho người xuất sắc nhất, khi các đồng chí thân thiết của cụ đều đã khuất núi… Và hôm nay, người còn lại của nhóm Hoàng Mai Lưu đã vĩnh biệt chúng ta.
Hà Đình Nguyên (Theo TNO)
Bình luận (0)