Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hai “dấu ấn” của điện ảnh Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Lý Huỳnh. Ảnh: H.K

Lần đầu tiên sau 57 năm, điện ảnh Việt Nam mới có ngày hội riêng của mình vào ngày 15-3 hàng năm. Đây là sự kiện lớn mà giới điện ảnh rất háo hức, vui mừng. Nhân dịp này, Giáo Dục TP.HCM có buổi gặp gỡ hai gương mặt điện ảnh đã khẳng định tên tuổi của mình không chỉ trong nước mà cả trên phim trường quốc tế.
“Ông Hai Lúa” Lý Huỳnh
“Ông Hai Lúa” là nhân vật điển hình cho người nông dân Nam bộ do NSƯT Lý Huỳnh đảm nhận trong bộ phim Vùng gió xoáy (cố đạo diễn Hồng Sến) cách đây 26 năm. NSƯT Lý Huỳnh nhớ lại: “Một ngày nọ, trời mới hừng sáng, đạo diễn Hồng Sến đã gõ cửa nhà tôi, đưa kịch bản bắt tôi nhận liền. Tôi tưởng anh cho tôi đóng vai sĩ quan chế độ cũ nữa, vì tôi có 13 vai sĩ quan rồi, đã trở thành sở trường. Nhưng không phải, lần này là một vai nông dân. Tôi giãy nảy lên. Vì tính cách nông dân hoàn toàn khác hẳn, tôi lo mình không quen. Hồng Sến bảo tôi cứ đọc thử kịch bản. Thế là đêm đó tôi đọc, và mê mẩn đến 2 giờ sáng. Trời còn tờ mờ, anh Hồng Sến đã chạy ào tới, hỏi liền. Tôi xin đi thực tế 3 tháng. Và tôi khăn gói về Thủ Thừa, Long An làm một “ông Hai Lúa” thứ thiệt trước khi bước lên màn ảnh”. Rõ ràng đạo diễn Hồng Sến đã chọn đúng người. Bởi nhân vật Hai Lúa là giai cấp trung nông, phải mập mạp như Lý Huỳnh chứ nếu ốm nhách thì thành bần nông rồi. Và tính cách lì lợm, ngang tàng ấy rất xứng với hàm râu quai nón rậm rì của anh. Lý Huỳnh năm đó 38 tuổi, là võ sư nổi tiếng, đào tạo rất nhiều học trò. Vậy mà về Long An, anh lột xác hoàn toàn thành ông già 60 tuổi, mặc áo bà ba đen, quấn khăn rằn, hút thuốc rê, nhậu rượu đế, ca vọng cổ, rồi tập cày, tập đánh xe ngựa, tập cưỡi trâu… Anh sống với dân, hòa nhập vào từng sinh hoạt nhỏ nhặt nhất, đến cả tướng đi của người đồng ruộng, cả cách ngồi nước lụt rút chân lên ghế, cách nói năng chất phác, thẳng thừng. Anh nghiên cứu kỹ lưỡng những nguyên mẫu nông dân ngoài đời để thành một Hai Lúa tuyệt vời. Anh không chỉ diễn hay, mà còn can đảm nhận luôn những pha nguy hiểm. Bộ phim quay đúng một năm đồng nghĩa với việc suốt một năm trời Lý Huỳnh ăn ngủ cùng sông nước miền Tây. Khi bộ phim này mang sang Liên Xô dự Festival năm 1983, có hơn 120 nước tham gia, khán giả cứ kéo đến chúc mừng “ông Hai Lúa”. Vai diễn này cũng đã giúp Lý Huỳnh đoạt giải “diễn viên nam xuất sắc” trong Liên hoan phim toàn quốc năm 1983. Dịp lễ 30-4 tới, khán giả sẽ gặp lại anh trong vai trò diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất của bộ phim lịch sử hoành tráng Tây Sơn hào kiệt.
NSƯT Thùy Liên: “Sáu Linh” ngày ấy…

Nghệ sĩ ưu tú Thùy Liên thời trẻ (ảnh do nhân vật cung cấp)

“Sáu Linh” là vai diễn lừng lẫy của NSƯT Thùy Liên trong bộ phim Mùa gió chướng của cố đạo diễn Hồng Sến những năm 1980. Sinh ra trong một gia đình trung nông ở Quảng Nam, không ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng từ nhỏ, Thùy Liên đã rất đam mê văn nghệ. 14 tuổi vào Sài Gòn, cô nữ sinh Trường Trần Hưng Đạo lúc này được khá nhiều người để ý vì là một “cây” kịch của trường, sau đó bước vào phim trường với phim Bão tình năm 18 tuổi, rồi tiếp tục với Ngàn dặm biệt anh, Chàng ngốc gặp hên… Khá thành công với những vai “ăn chơi nhảy múa” của dòng phim thị trường trước giải phóng, nhưng phải đến những vai diễn trong phim cách mạng sau này, Thùy Liên mới đạt được những dấu ấn trong lòng khán giả.
 Có thể nói, Sáu Linh trong Mùa gió chướng là vai chính đầu tiên khi chị trở lại phim trường sau ngày giải phóng, một hình ảnh hoàn toàn khác trước. Đây cũng là phim đầu tay sau giải phóng của đạo diễn Hồng Sến và là kịch bản phim đầu tay của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Dường như tất cả được dồn nén, chờ đợi để gửi gắm vào bộ phim này. Sáu Linh – nữ C trưởng mà Thùy Liên đảm nhận là một nhân vật còn sống ở Bến Tre, với chị lúc đó là một áp lực. Vì là phim đầu tay nên những cảnh bom đạn, xe tăng, máy bay trong phim đều được sử dụng thật. “Bộ phim quay gần năm tháng, cả đoàn phải “ăn dầm nằm dề” ở Đồng Tháp Mười ngay mùa nước nổi để quay. Trong khi đó, điều tôi sợ nhất lại là đỉa. Đàn ông sao cũng được nhưng phụ nữ mỗi lần đi vệ sinh phải lặn xuống nước, quả là một cực hình…” – Chị nhớ lại! Song song với Mùa gió chướng, Thùy Liên cũng nhận lời đóng Tình đất Củ Chi, nhân vật trong phim cũng là một nữ cán bộ cách mạng. Không ngờ năm đó, chị đạt đến hai giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam, một Bông sen vàng cho vai chính trong Mùa gió chướng, và một giải xuất sắc cho vai phụ trong Tình đất Củ Chi. Sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh, mới đây chị đã tái xuất trong một số bộ phim truyền hình dài tập. Bất ngờ hơn, chị còn xuất hiện trên sân khấu kịch 5B với vai Bà Tạo trong vở Những khúc hát cuộc đời của đạo diễn Hữu Nghĩa – vai diễn với nhiều bi kịch gia đình được chị khắc họa khá thành công.
HOÀNG KIM – LỮ ĐẮC LONG

Bình luận (0)