Đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cũng như các nghệ sĩ đều công nhận đây là hai đêm diễn “huyền thoại”. Bởi vì khó có thể lặp lại những đêm diễn với đầy đủ những nghệ sĩ gạo cội lừng danh như vậy…
NSND Lệ Thủy và cố NS Minh Phụng trong “Đêm lạnh chùa hoang”
Đêm Lệ Thủy – Hơn nửa nghệ sĩ tài danh đã đi xa…!
Đêm diễn “huyền thoại” đầu tiên phải kể đến đó là live show của NSND Lệ Thủy “45 năm nghiệp cầm ca” diễn ra tại Nhà hát TP vào năm 2007.
Đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu nhớ lại: “Khi đó, vé được bán sạch từ khi chương trình còn trên sàn tập. Lệ Thủy là một trong số ít nghệ sĩ được khán giả ái mộ đến mức… kỳ lạ, cho nên chương trình này được đón nhận tưng bừng là lẽ đương nhiên”.
NSND Lệ Thủy vào nghề năm 14 tuổi, từ gánh hát Trâm Vàng, sau đó về đại bang Kim Chung và những năm sau giải phóng gắn bó với những đoàn Văn công TP, Nhà hát Trần Hữu Trang, 28-4… Theo NSND Lệ Thủy, các sân khấu đã mang lại cho bản thân nghệ sĩ nhiều cơ hội thể hiện sự đa dạng trong diễn xuất.
NSND Lệ Thủy được mệnh danh là “Cô đào ngoại hạng”, khi thực hiện live show này, nữ nghệ sĩ bước vào tuổi 60 nhưng vẫn còn giữ vai cô đào chính trên sân khấu cải lương. Trong đêm live show, nhân vật mà Lệ Thủy tái diễn đều có tuổi đời rất trẻ so với nữ nghệ sĩ.
“Đúng là các vai diễn lúc đó không thể phù hợp về hình thức tuổi tác nhưng tinh thần của nhân vật vẫn còn cháy bỏng trong tôi, bởi những số phận phụ nữ bất hạnh trong đời sống hôn nhân nhưng bản lĩnh và giàu nghị lực vẫn còn được công chúng yêu thích. Nghệ sĩ chúng tôi không có tuổi, vẫn sống với tâm hồn thanh xuân trong sáng tạo. Chính những tràng pháo tay của khán giả sẽ xóa đi lằn ranh tuổi tác giữa nghệ sĩ và nhân vật…” – NSND Lệ Thủy cho biết!
NSND Lệ Thủy và cố NS Thanh Sang trong “Bên cầu dệt lụa”
Đó quả là một đêm diễn “huyền thoại” bởi vì đêm diễn đã quy tụ một dàn nghệ sĩ hùng hậu chưa từng có, cùng với những trích đoạn cải lương kinh điển: Áo cưới trước cổng chùa, Bên cầu dệt lụa, Đêm lạnh chùa hoang, Tây Thi, Chung Vô Diệm…
Ngoài nhân vật chính – NSND Lệ Thủy còn có sự tham gia của các nghệ sĩ vang danh: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Thanh Sang, NSND Trọng Hữu, NSND Thanh Tuấn, NSƯT Minh Phụng, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Tô Kim Hồng, NSƯT Vũ Linh, NS Lương Tuấn, danh hài Hồng Tơ…
Nhà hát không còn chỗ trống, khán giả vỗ tay từng chập, từng chập mỗi khi nghệ sĩ xuất hiện và biểu diễn. 16 năm trôi qua, hôm nay nhìn lại hình, ai cũng rưng rưng nước mắt vì các nghệ sĩ như Út Bạch Lan, Thanh Sang, Minh Phụng, Lương Tuấn, Thanh Kim Huệ, Vũ Linh đã thành người thiên cổ!
“Đêm Minh Cảnh” – Trọn tình yêu thương của khán giả!
Trước đêm diễn “Tằm tơ nhả ngọc” tối 5-8 tại Nhà hát Bến Thành – TP.HCM, danh ca Minh Cảnh bất ngờ bị cảm sốt, thêm bệnh tim làm ông mệt đừ. Đã vậy trong lúc tập không may bị trật chân khiến ông đi phải có người dìu đỡ… Trong hậu trường, ông ngồi một chỗ sau cánh gà sân khấu thở dốc, những anh chị phục trang, hóa trang phải đến tận chỗ giúp ông thay trang phục và họa mặt cho ông sau mỗi tiết mục. Có những lúc, ông ho sù sụ, ho không kìm lại được, từ ông bầu Gia Bảo cho đến tất cả các nghệ sĩ khách mời tham gia nhìn ông mà thương đến rơi nước mắt…!
Vậy đó, mà khi được dìu ra sân khấu, dưới ánh đèn màu cùng dàn đờn cổ nhạc trỗi lên, danh ca Minh Cảnh như quên hết mọi bệnh tật trong người… Một Cao Nguyên Bình trong “Đêm lạnh chùa hoang” dù chỉ ngồi một chỗ, cất tiếng hát “Mây trắng bay lá rụng đầy sân vàng, thương nhớ về đâu nghe lòng vương sầu thương thiết tha, trăng đã lặn chốn xa thương thương nhớ nhớ một người, bên nhau đã bao lâu sao vẫn một mình thương nhớ ai…”. Rồi ông lên câu vọng cổ… “Vâng, đó là nỗi thầm lặng xót xa mà tôi không bao giờ hờn trách, vậy thì Lý Hồng Miên đừng vội trách tôi là một kẻ vô… tình”… Danh ca Minh Cảnh phải lấy đến 3 hơi mới xuống được câu vọng cổ quen thuộc đã tạo nên tên tuổi huyền thoại của ông. Nhưng khán giả vẫn vỗ tay vang dội. Đêm đó, họ đến với Minh Cảnh là để hoài niệm, là để thương một tài danh 86 tuổi mà vẫn còn sức bước lên sân khấu ca diễn chứ không phải để đòi hỏi một danh ca Minh Cảnh phải ca hay diễn giỏi như xưa…
Rồi một ông giáo “Kaki vàng ba túi” trong “Tấm lòng của biển” chỉ xuất hiện một lớp rất ngắn cùng nghệ sĩ Thanh Hằng nhưng cả hai nghệ sĩ đã lấy rất nhiều nước mắt của khán giả… Hay Bách kiếm Dương Hồ Vũ trong “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn” chỉ ngồi một chỗ hát và nhất là phải “chết ngồi” chứ không chết đứng như nguyên bản… Hay một Trần Tự Tâm trong trích đoạn “Máu nhuộm sân chùa” chỉ xuất hiện một lớp ngắn lúc cuối, còn phần đầu nghệ sĩ Linh Tâm phải hóa thân chia vai. Nhưng dù ông xuất hiện nhiều hay ngắn, ca diễn ra sao khán giả vẫn vỗ tay rần rần. Khán giả chỉ cần nhìn thấy Minh Cảnh là đủ!
Danh ca Minh Cảnh và Minh Vương trong ca khúc “Tình nước”
Đến những bài tân cổ “huyền thoại”: Tu là cội phúc (hát với NSƯT Vũ Luân), Tình nước (hát với NSND Minh Vương), Sầu vương ý nhạc (hát với NSND Thanh Tuấn), Quán nửa khuya (hát với NSND Trọng Hữu)… Trong đó, có những bài ông hát live nhưng cũng có bài ông phải thu sẵn do sức khỏe yếu. Khán giả trẻ nghe là biết ông hát nhép. Nhưng họ bỏ qua hết, chấp nhận hết… Những tiếng vỗ tay vẫn vang dài. Khán giả mà đã thương rồi thì thương hoài, thương mãi…!
Đúng 12 giờ 30 phút sáng 6-8, NSND Lệ Thủy mới xuất hiện trên sân khấu với vai Bạch Thiên Nga trong “Máu nhuộm sân chùa” nhưng không một khán giả nào bỏ ra về… Những tràng vỗ tay vang dội khi NSND Lệ Thủy cất tiếng hát bao chót chương trình. Vậy đó, khán giả đã thương thì họ mới chờ đợi, bất chấp giờ giấc miễn được nhìn thấy thần tượng của mình!
Đêm diễn còn có sự tham gia của NSND Thanh Điền, NSƯT Phượng Hằng, NS Thanh Hằng, NS Linh Tâm, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Phượng Loan, NS Bích Hạnh, NSƯT Tú Sương, Hồng Loan, Võ Minh Lâm, Bình Tinh, ca sĩ Quốc Đại, Gia Bảo, các truyền nhân Nhật Anh Dương, Đinh Sơn Tùng, Nguyễn Quang… Các nghệ sĩ đã cùng khóc cười với người anh lớn, người chú, người ông trong nghề của mình là danh ca Minh Cảnh…!
Đây có thể xem là đêm diễn “huyền thoại” thứ 2. Bởi vì khó có thể lặp lại những đêm diễn với đầy đủ những nghệ sĩ gạo cội lừng danh như vậy nữa.
Thế mới biết, làm nghệ sĩ, nếu chỉ được Tổ nghiệp thương cho nghề vẫn chưa đủ mà còn phải được khán giả yêu thương thì cuộc đời người nghệ sĩ mới thật sự trọn vẹn…!
Anh Khôi
Bình luận (0)