Sáng 9.6, Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Anh công bố Bảng xếp hạng QS World 2022 cho 1.300 trường ĐH hàng đầu của 93 quốc gia. Trong đó, 2 ĐH quốc gia của Việt Nam được xếp nhóm 801-1.000.
Hai ĐH quốc gia Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng QS World năm 2022. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Bảng xếp hạng của QS có 4 đơn vị ĐH của Việt Nam. Trong đó, hai ĐH quốc gia (ĐHQG) là ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội cùng thuộc top 801-1.000.
Kết quả xếp hạng qua các năm của QS cho thấy vị thế của ĐHQG TP.HCM liên tục được cải thiện, từ top 69% năm 2019 vươn lên top 62% các đại học xuất sắc của thế giới.
Trong những tiêu chí xếp hạng năm nay, uy tín học thuật của ĐHQG TP.HCM là tiêu chí có điểm số cao nhất và vượt trội hơn so với các trường của Việt Nam khi tham gia xếp hạng.
Cụ thể, tiêu chí về danh tiếng với đồng cấp học thuật của ĐHQG TP.HCM đứng vị trí 398 toàn cầu, tăng 3 bậc so với năm 2021. Về tiêu chí danh tiếng với nhà tuyển dụng, ĐHQG TP.HCM cũng được xếp với vị trí 501+ thế giới.
Bảng xếp hạng QS World 2022 được thực hiện với quy mô dữ liệu lớn so với những năm trước. Số lượng trường ĐH, viện đào tạo tốt nhất của 93 quốc gia được QS chọn xếp hạng tăng gần 300 cơ sở so với năm 2021 và dữ liệu khảo sát về đồng cấp học thuật và doanh nghiệp cũng tăng mạnh.
Cụ thể, để công bố bảng xếp hạng, QS đã khảo sát 2 triệu đồng cấp học thuật (năm 2021 là 1,6 triệu), 450.000 doanh nghiệp (2021 là 310.000), phân tích xếp hạng cho gần 1.700 trường ĐH. Từ đó, QS World xác định các trường ĐH tốt nhất về chuyên môn, học thuật và các trường ĐH tốt nhất về chất lượng đào tạo, sinh viên tốt nghiệp cung ứng cho thị trường lao động.
Lý giải về tiêu chí đồng cấp học thuật, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đáng giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM, cho biết đây là kết quả được tổ chức xếp hạng khảo sát, lấy ý kiến bầu chọn đại diện từ nhiều trường ĐH và viện nghiên cứu khác trên thế giới.
Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xếp vị trí 1.201+ trong Bảng xếp hạng QS World 2022.
QS World xếp hạng các trường ĐH theo 6 tiêu chí gồm: Danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), và sinh viên quốc tế (5%).
Trước đó, năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam có hai ĐH nằm trong top 1.000 thế giới. Ở thời điểm này, ĐHQG TP.HCM nằm trong nhóm 701-750 và ĐHQG Hà Nội thuộc nhóm 801-1.000.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)