Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hai đứa con hiếu thảo

Tạp Chí Giáo Dục

Hai chị em Hồng và Tuấn

Một căn gác khoảng 20m2 vừa chật chội vừa nóng bức là nơi để Nhữ Thị Ngọc Hồng và Nhữ Đình Tuấn miệt mài học tập, thắp sáng những ước mơ của mình. Cả hai là con của vợ chồng anh Nhữ Đình Hậu – một gia đình hiếu học ở Q.Phú Nhuận. 
Ba lần chuyển nhà
Năm 1991, vợ chồng anh Nhữ Đình Hậu cùng hai đứa con nhỏ từ giã Bình Giang (Hải Hưng) vào vùng kinh tế mới ở tận Long An với hy vọng cuộc sống sẽ bớt cơ cực. Thế nhưng chuyện cơm áo không chiều ý họ, cái nghèo vẫn cứ bám lấy gia đình anh. “Đói thì đầu gối phải bò”, một lần nữa anh quyết định đưa vợ con đi tìm vùng đất mới – Madagui (Lâm Đồng). Tuy vậy công việc làm thuê, đan lát mây tre không giúp họ có một cuộc sống ổn định…
Năm 1999, anh chị bán hết tài sản được 50 triệu đồng rồi khăn gói xuống TP.HCM sinh sống. Với số tiền ít ỏi, anh mua được một căn nhà rộng chừng 24m2 trong hẻm 120 đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận. Sắm chiếc xe máy cà tàng, anh Hậu ra đường Nguyễn Kiệm hành nghề xe ôm, chị Thúy (vợ anh) ôm mớ quần áo si-da ra lề đường bán. Tuy vậy kiếm được đồng tiền không hề đơn giản chút nào, nhiều hôm ế ẩm, thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ có vài chục ngàn đồng. Song cái ăn cái mặc không phải là vấn đề quan trọng, vì nghèo thì ăn, mặc kiểu nghèo. Khó khăn lớn nhất của anh chị bây giờ là xin học cho các con, tất cả cũng chỉ tại cái hộ khẩu. Chị Thúy nhớ lại: “Cháu Hồng năm đó học lớp 8 do chỉ có giấy tạm trú nên không được vào học trường công lập mà phải học ở Trường THCS bán công Châu Văn Liêm. Tiền ăn hàng ngày cho cả nhà chưa đủ, vợ chồng còn phải lo học phí cho cháu. Thấy khó khăn quá tôi đánh liều lên Phòng Giáo dục quận trình bày hoàn cảnh. Lúc đầu không ai giải quyết cả nhưng khi cầm học bạ thấy cháu là học sinh giỏi nhiều năm liền nên họ đã yêu cầu tôi viết cam kết rồi sau đó đã chiếu cố giải quyết”. Anh Hậu cũng vui vẻ kể lại: “Cũng nhờ học giỏi mà năm đó cháu Tuấn được vào học Trường Tiểu học Cao Bá Quát gần nhà”.
Thành tích học tập của con là sự trả ơn lớn nhất   
Nghèo khó, cực nhọc nhưng bù lại anh chị lại có niềm vui lớn từ thành tích học tập của hai đứa con. “Vợ chồng tôi xuất thân từ gia đình nông dân, rồi chiến tranh loạn lạc nên việc học bị gián đoạn. Vì thế ngay từ khi các cháu được sinh ra chúng tôi đã định hướng cho con phải cố gắng học”, anh Hậu tâm sự.
Thấu hiểu tâm tư của cha mẹ, các con của anh chị học rất giỏi, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Sau khi Nhữ Thị Ngọc Hồng vào học Trường Đại học Mở TP, Nhữ Đình Tuấn cũng trúng tuyển vào Trường ĐH KHTN TP.HCM. Với 28,5 điểm: Nhữ Đình Tuấn đã được chọn vào lớp cử nhân tài năng và trở thành “vốn quý” của nhà trường. Trong 3 năm học tại Trường THPT Võ Thị Sáu, Tuấn đã đem về nhiều thành tích cho trường như: giải thưởng cuộc thi Trần Đại Nghĩa do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức; giải nhất thi học sinh giỏi môn hóa cấp TP. Vì vậy mà Trường Võ Thị Sáu đã tặng em chiếc xe đạp martin. Hiện tại, mỗi ngày Tuấn đều đến trường (ngoài Thủ Đức) trên chiếc xe này.
Nhìn các con học hành đến nơi đến chốn, dẫu rằng hoàn cảnh gia đình vẫn còn bộn bề khó khăn nhưng vợ chồng anh Hậu cũng thấy mát lòng. Với anh chị, thành tích học tập của chị em Hồng – Tuấn là sự trả ơn lớn nhất cho những tháng ngày gian khổ của họ.
Dẫn tôi lên căn gác tạm, anh Hậu khoe: “Năm 2005 nhờ Hội cựu chiến binh phường giúp cho 2 triệu, vợ chồng tôi cất thêm căn gác gỗ này. Tuy có thêm chỗ cho các cháu học nhưng ở đây nóng lắm”. Đúng như anh Hậu nói, dù lúc đó đã gần 4 giờ chiều nhưng hơi nóng vẫn còn hầm hập. Thế nhưng cũng từ căn phòng này, chị em Hồng và Tuấn đã học hành nên người…
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)