Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hai giáo viên đạt giải Võ Trường Toản năm 2013

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Lê Diệu Hằng và các thành viên trong đội tuyển HSG môn hóa của trường
Cô Trần Thiên Kim (giáo viên Trường Mầm non 10, Q.11, TP.HCM): Yêu nghề mến trẻ
29 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, cô Trần Thiên Kim có biết bao kỷ niệm vui buồn với nghề: Từ những bé mới bắt đầu học lớp Mầm, hay khóc nhè vì nhớ mẹ, nhớ nhà đến các bé học lớp Lá luôn vui tươi trong những giờ múa hát…
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là những nỗi trăn trở: Làm sao để ngày càng nuôi dạy trẻ tốt hơn nữa và để trẻ “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Đó chính là động lực để cô Thiên Kim luôn hoàn thành xuất sắc mọi công việc, từ việc gia đình tới việc trường.
Gần hai giờ trong buổi sáng tiếp xúc và quan sát cô Thiên Kim dạy, sinh hoạt với trẻ, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được thế nào là công việc của những người “nuôi dạy trẻ”. Các cháu liên tục nũng nịu: “Cô ơi, con muốn chụp hình”; “Cô ơi, con muốn đứng gần cô”… “Tất nhiên rồi, Minh đứng gần cô nhé, cười tươi nghe con”, cô Kim thủ thỉ. “Con không chịu đâu, con phải đứng gần cô cơ”, bé Thảo mếu máo. Ôi những câu nói nghe sao mà đáng yêu đến thế, vui và hạnh phúc đến vậy. Bất chợt, tôi thấy mắt cô ngấn lệ. Thấy chúng tôi bối rối, cô Thiên Kim lau vội nước mắt rồi nở nụ cười thật vui. Cô cho biết: “Bước chân vào nghề này người giáo viên phải có cái tâm trong sáng, đặc biệt phải yêu nghề, mến trẻ. Bên cạnh đó, tính kiên nhẫn không thể thiếu đối với người làm công tác này, vì tính kiên nhẫn giúp cho mỗi giáo viên mầm non có sức chịu đựng áp lực công việc”…
Chúng tôi kể với cô Thiên Kim câu chuyện hôm trước ngồi “chém gió” cùng một cô bạn. Cô bạn bức xúc: “Con mình đang học lớp lá tại một trường mầm non trên địa bàn quận Tân Bình. Trước khi đi học bé tăng cân vù vù, nhưng đi học rồi bé không tăng cân nữa mà về nhà chỉ thấy “hạch hỏi” ba mẹ: Sao ba mẹ ăn cơm lại để rơi xuống bàn? Sao ba mẹ trước khi đi ngủ không chịu đánh răng…”. “Ủa, cháu không tăng cân nhưng có ý thức hẳn ra, sao bạn không mừng?, tôi hỏi lại. Ấp úng, bạn tôi buột miệng nói: “Mừng chứ sao không, nhưng thấy con không tăng cân, chắc là cô giáo không chăm cháu kỹ”. Sau khi nghe câu chuyện chúng tôi kể, cô Thiên Kim nói: “Bạn anh áy náy như vậy là đúng. Anh thấy đó, với những trường đã có “thương hiệu” như Trường Mầm non 10 chẳng hạn, áp lực của phụ huynh với chúng tôi là không kể xiết. Nhưng tôi cũng như các đồng nghiệp trong trường không buồn mà lại rất vui. Vui bởi phụ huynh có thực sự quan tâm tới con em mình thì mới thắc mắc như vậy. Còn đôi khi chạnh lòng là bởi: Bình quân một lớp mầm non có sĩ số từ 45-48 bé, trong khi đó chỉ có 2 giáo viên và 1 cấp dưỡng. Lo cho các bé từ bữa ăn, giấc ngủ đến làm quen với con chữ… là chuyện không phải dễ”.
Cười thật hiền, cô Thiên Kim nói tiếp: “Nhưng rồi mọi việc đâu cũng vào đó anh ạ, rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã đạt danh hiệu “Giỏi việc nước – đảm việc nhà”, là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo. Bản thân tôi sau những năm cống hiến cho nghề, năm 2013 vinh dự được trao giải Võ Trường Toản, tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc. Niềm vinh dự này không chỉ của riêng tôi mà của cả tập thể Trường Mầm non 10 – đây là “ngôi nhà thứ hai” của chúng tôi”.
Cô Thiên Kim tâm sự: “Tôi thấy mình thật may mắn khi được công tác tại ngôi trường này, một tập thể Hội đồng sư phạm đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau và quan trọng là chúng tôi có được một Ban giám hiệu “dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Cô Lê Diệu Hằng (giáo viên Trường THCS Lữ Gia, Q.11): Yêu nghề phải sáng tạo – sáng tạo là yêu nghề

Cô Trần Thiên Kim  và các “thiên thần nhỏ” của mình

Những năm học trước, ngành GD-ĐT Q.11 gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nên chất lượng các đội tuyển học sinh giỏi (HSG) của quận tại các cuộc thi không cao. Mọi chuyện đã thay đổi khi lãnh đạo Q.11 tập trung toàn lực cho ngành GD-ĐT, từ đó thành tích các đội tuyển HSG của quận luôn nằm trong tốp đầu các quận/huyện của TP.
Một trong những người góp công sức vào thành tích chung đó là cô Lê Diệu Hằng – giáo viên Trường THCS Lữ Gia – thành viên Hội đồng bộ môn hóa cấp quận.
Năm 1982, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cô Diệu Hằng về công tác tại Trường THCS Lữ Gia. Đến nay cô đã có 31 năm tuổi nghề, đạt được rất nhiều thành tích trong công tác: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở liên tục từ năm 1992 đến 2013; chiến sĩ thi đua cấp TP năm 1996, 1997 và năm 2000, 2011; được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ vì hòa bình” trong đợt thi đua hướng về Đại hội Đảng lần thứ VI – 1986; danh hiệu “Giỏi việc nước – đảm việc nhà”… Đặc biệt, trong công tác bồi dưỡng HSG cấp quận và TP, liên tục từ năm 1998 đến nay có nhiều em HS đạt giải I, II, III cấp TP.
Vinh dự và tự hào khi năm 2013, cô Diệu Hằng được trao giải thưởng Võ Trường Toản. Cô tâm sự: “Khi mới về trường công tác, tôi đã được Ban giám hiệu tin tưởng giao cho trọng trách: Phụ trách lớp chuyên toán, đây vừa là vinh dự nhưng cũng là áp lực đối với một giáo viên trẻ mới chập chững bước vào nghề. Bằng sự nỗ lực của bản thân, đặc biệt là được Ban giám hiệu hết mình hỗ trợ, đồng nghiệp tin yêu, tôi cũng vượt qua. Kỷ niệm ấn tượng nhất mà tôi không bao giờ quên, đó là trong một giờ chuẩn bị cho tiết dạy thao giảng, cô Hiệu trưởng cũ của trường đã tự tay trải thảm trên bục giảng để tôi và các em HS thuận lợi hơn trong tiết dạy. Đây là biểu tượng của tình đồng nghiệp, sau tiết dạy thành công, tôi chỉ biết nắm chặt tay cô Hiệu trưởng mà không nói nên lời. Vì vậy, sau này khi đã được nhiều đồng nghiệp biết tới và có rất nhiều lời mời hấp dẫn qua trường khác công tác, tôi dứt khoát từ chối. Tuy còn một số khó khăn nhất định nhưng tình nghĩa đồng nghiệp, cô trò thì nhiều trường bạn không thể có được như ở Trường THCS Lữ Gia”.
Nói về thành công của mình trong công việc bồi dưỡng HSG cấp quận và TP, cô Diệu Hằng chia sẻ: “Bồi dưỡng HSG các môn toán, văn, Anh văn thuận lợi hơn rất nhiều so với môn hóa. Do đó, việc động viên, lựa chọn được HS yêu thích môn hóa rồi đưa vào đội tuyển HSG thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên, nút thắt nào cũng có cách tháo gỡ, điều này phụ thuộc rất lớn vào bản thân người giáo viên. Trong những tiết dạy hóa, giáo cụ trực quan phong phú, đa dạng và ẩn chứa nhiều bất ngờ rất cần thiết để kích thích HS tập trung vào môn học. Bên cạnh đó, các bạn giáo viên trẻ hãy luôn có những suy nghĩ tích cực về nghề, về HS – hết lòng thương yêu HS và đặc biệt, ngoài việc truyền thụ kiến thức cho các em, phải có sự liên hệ thực tế với từng tiết học, kết hợp công tác hướng nghiệp cho các em. Đây là việc rất quan trọng, vì chỉ có truyền thụ kiến thức không thì chưa đủ mà phải định hướng cho HS lựa chọn nghề nghiệp tương lai”. Cô Diệu Hằng cho biết thêm: “Yêu nghề phải sáng tạo – sáng tạo là yêu nghề. Đây chính là câu châm ngôn của riêng tôi, nó là động lực để mỗi giờ dạy của tôi luôn phong phú về nội dung, kết hợp được việc giúp các em lựa chọn con đường bước vào đời một cách chắc chắn. Nhiều em thi đậu vào các trường chuyên của TP, khi gặp lại tôi đều chia sẻ: Con vào học chuyên hóa, các thầy cô dạy ở những lớp chuyên này đều hỏi: “Em có phải là HS của cô Hằng – Lữ Gia không? Chúng em tự hào về cô lắm!”. Đây chính là quả ngọt mà tôi và các đồng nghiệp luôn hướng đến”.
An Khánh

Bình luận (0)