Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Hai gương mặt thủ khoa xứ Quảng

Tạp Chí Giáo Dục

Khác nhau về hoàn cảnh gia đình, khác cả về sự lựa chọn hướng đi cho tương lai nhưng cả hai đều giống nhau ở chỗ là đến từ những miền quê nghèo của xứ Quảng nắng gió khắc nghiệt và đỗ thủ khoa vào hai trường ĐH danh tiếng ở TP.HCM…
Cô thủ khoa mê Harry Potter

Thảo Nhi và mẹ

Bên cạnh thành tích đỗ thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM với 28 điểm vào ngành kinh tế đối ngoại, ít ai biết cô tân sinh viên Lê Phương Thảo Nhi (quê ở Cam Lộ, Quảng Trị) còn mê đọc truyện Harry Potter đến “quên ăn, mất ngủ”… Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Thảo Nhi cho biết: “Điều cốt yếu nhất quyết định đến kết quả học tập đó chính là phương pháp học. Khác với khối C, các môn học khối A có công thức rõ ràng. Tuy nhiên để làm bài được điểm cao và nhớ lâu thì việc biết áp dụng các công thức, lý thuyết một cách linh hoạt là điều quan trọng. Em thường ghi nhớ các công thức sau đó tự tìm ra cách học cho riêng mình. Học trên lớp một phần, phần còn lại tranh thủ thời gian ở nhà em thường luyện bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập… Từ phương pháp học đó em nắm vững được kiến thức mà ít khi quên”. Ngay từ nhỏ, cô bé có thân hình mảnh khảnh đã có năng khiếu về các môn tự nhiên, đặc biệt là em rất thích môn toán. “Còn nhớ năm lớp 9 khi được tuyển vào đội học sinh giỏi môn lý, Nhi một mực xin cô giáo bộ môn chuyển sang đội tuyển toán với lý do muốn thử sức với môn học mình đam mê. Nhìn hiền nhưng nó bướng lắm, cháu bảo nếu không được thi toán nhất định không chịu thi môn gì khác”, bà Tuyến (mẹ Thảo Nhi) cười hiền cho biết.
Niềm đam mê môn toán đã ngấm vào máu thịt của em ngay từ những ngày vào cấp 1. “Điều này một phần em ngưỡng mộ ba em – giáo viên dạy toán – một người cha mẫu mực. Phần khác, em thấy mình có năng khiếu học toán, đam mê nó”, Nhi cho biết. Ngoài thời gian học ở trường, về nhà thời gian của em chủ yếu dành cho khối A, trong đó môn toán chiếm thì giờ nhiều nhất. Các môn khác em tranh thủ thời gian học trên lớp, trao đổi kiến thức với bạn bè trong giờ ra chơi. Tuy đam mê và dành nhiều thời gian cho môn toán nhưng em không hề xao nhãng các môn khác. Đặc biệt, ngoài khối A thế mạnh, Thảo Nhi còn dự thi khối A1 (toán, văn, Anh văn) vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổng điểm là 22,5.
Phương pháp đạt điểm cao của Thảo Nhi trong kì thi ĐH rất đơn giản. Vài năm trở lại đây, ngoài toán là môn thi tự luận, các môn hóa, lý đều thi trắc nghiệm, vì vậy em thường lấy đề trên mạng về tập giải. Bên cạnh việc giải đúng, chính xác em còn chú ý làm sao có thể làm trong thời gian nhanh nhất có thể. Làm nhiều thành quen nên khi bước vào thi với cái đề dài đến 50 câu em không bị bỡ ngỡ, lúng túng.
Nhận xét về cô học trò của mình, cô Trương Thị Bé, giáo viên chủ nhiệm ba năm THPT của em, nói: “Nhi là cô học trò chăm chỉ, em rất chịu khó học hỏi. Đặc biệt ở em thể hiện năng khiếu về các môn tự nhiên rất tốt. Em có phương pháp học, làm bài tập rất chuẩn. Điều đó đã làm nên một Thảo Nhi thủ khoa của một ngôi trường danh tiếng ngày hôm nay”.
Ngoài bảng thành tích 12 năm liền đạt học sinh giỏi, giải nhất môn vật lý lớp 9; giải nhì môn toán cấp tỉnh năm lớp 11 và 12; giải nhất Cuộc thi máy tính cầm tay toàn quốc năm lớp 12… Thảo Nhi còn được bạn bè biết đến là một thủ lĩnh với  chức vụ lớp phó học tập gương mẫu. Ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đa phần học sinh từ các miền quê khác nhau trên toàn tỉnh. Dĩ nhiên không phải ai trong số đó cũng có cuộc sống khá giả. Phần nhiều là con em nông dân nghèo. Cũng đến từ một huyện nghèo của tỉnh, Thảo Nhi luôn tận tình giúp đỡ, trao đổi bài với các bạn cùng lớp để tìm ra cách học tốt nhất, giúp đỡ nhau tiến bộ, chia sẻ với các bạn nỗi buồn xa nhà.
Một điều bất ngờ nhất khi tiếp xúc với cô học trò có gương mặt dễ thương và khá khiêm tốn này, chúng tôi mới biết Thảo Nhi là một con mọt sách. Có điều em không phải là mọt sách trong học tập mà là niềm đam mê truyện đến “quên ăn, mất ngủ”. “Từ lúc học cấp 2, em đã thích đọc sách. Nhà gần thư viện huyện nên ngày nào em cũng đến mượn sách về đọc. Loại sách em hay đọc chủ yếu là truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam. Nhưng đặc biệt là em rất mê truyện Harry Potter. Em thích truyện này vì ở đó thể hiện sự thông minh, nhanh nhạy và là nơi thể hiện sức mạnh của tình yêu thương tuyệt vời nhất”, Thảo Nhi bộc bạch. Khi được hỏi về ước mơ sau này, Thảo Nhi bảo sau khi nhập học em sẽ cố gắng kiếm một suất học bổng du học, trở thành chuyên gia kinh tế giỏi để trở về góp sức giúp bà con quê mình thoát khỏi cảnh nghèo khó, tiến kịp với các nước phát triển.
Cậu học trò bán bánh tráng nướng

Tiên tranh thủ nướng bánh tráng kiếm tiền theo học ĐH

Nghe tin cậu học trò Trường THPT chuyên Lê Khiết Phạm Văn Tiên đỗ thủ khoa khối C Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, bà con xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) ai cũng tranh thủ dành thời gian đến chia vui cùng em. Tiên mồ côi mẹ từ ngày còn đỏ hỏn, ba lập gia đình mới. Thương cháu, dì của Tiên là bà Nguyễn Thị Hơn mang em về nuôi. Bà Hơn là giáo viên dạy mầm non nên kinh tế cũng không khá giả gì, cuộc sống luôn phải thắt lưng buộc bụng. Thương cháu, bà Hơn quyết định ở vậy nuôi cháu nên người. “Mẹ cháu mất khi vừa mới sinh con, ba năm sau ba nó cũng theo hạnh phúc mới. Thương cháu bơ vơ nên tui không lập gia đình. Dù gì giọt máu đào cũng hơn ao nước lã, cháu cũng như con, mình thương nó sau này nó thương mình”, bà Hơn tâm sự.
Cuộc sống khó khăn nên ngoài giờ lên lớp, Tiên thường phải tranh thủ cùng dì nướng bánh tráng đi bán để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nộp học phí. Cực khổ là thế nhưng 12 năm đến lớp Tiên đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 10, Tiên giành huy chương vàng Olympic môn lịch sử khu vực phía Nam. Lớp 11 và 12, cậu học trò nhà nghèo này đều đạt giải nhất môn lịch sử kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; năm lớp 12 đạt giải khuyến khích môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Không những thế, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Tiên đã xuất sắc đoạt ngôi vị quán quân với tổng điểm thi 57 điểm.
Nhận được tin thi đỗ ĐH, những ngày này cả hai dì cháu vừa mừng vừa lo. Mừng vì qua bao nhiêu cực khổ, con đường tương lai đã mở ra trước mắt. Sự mất mát, thiếu thốn của Tiên nay mai sẽ được bù đắp bởi một tương lai xán lạn. Lo vì tin cháu đỗ một trường mãi tận TP.HCM, chỉ mới nghĩ đến khoản tiền lộ phí tàu xe vào nhập học đã là gánh nặng quá sức với cả hai dì cháu. Đó là chưa kể bao nhiêu thứ khác: Nhà trọ, học phí, tiền ăn hàng tháng, sách vở mới… cần phải lo. “Tội cháu nó, mấy hôm nay có tin vui mà đâu dám vui, nó vẫn phải cặm cụi nướng bánh tráng kiếm tiền phụ thêm để đi học. Tui cũng đang định cầm cuốn sổ lương vay cho cháu vào trường nhưng không biết có được không”, bà Hơn bày tỏ.
Tiễn chúng tôi ra ngõ, nụ cười của chàng thủ khoa không trọn vẹn bởi nỗi lo âu tràn lấp. “Em định sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống ở trường ĐH. Nghĩ thế nhưng thành phố lớn lạ lẫm, em lại chưa xa nhà lần nào không biết có xin được việc làm không”. Ngừng lại giây lát, giọng Tiên rắn rỏi: “Khó khăn nào cũng đi qua chỉ cần mình có niềm tin chị nhỉ”. Tôi tin, nghị lực của cậu học trò mồ côi ấy sẽ giúp em vượt qua mọi khó khăn để trở thành sinh viên giỏi, giúp dì có cuộc sống tốt hơn như em từng ước mơ trước ngày vác ba lô vào TP.HCM dự thi ĐH!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 

Bình luận (0)