Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hai “gương mặt vàng” thăng hoa…

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Thị Phóng biểu diễn ca khúc Tiếng đàn trong mưa. Ảnh: M.T.Lê

Đoạt hai giải vàng trong hai cuộc thi lớn diễn ra tại TP.HCM vừa qua, Trần Hạnh Phúc và Nguyễn Thị Phóng đã thật sự thăng hoa bằng chính tài năng của mình cũng như sự hâm mộ của đông đảo khán giả.

Tiếng hát “trong đêm”
Tại Nhạc hội đờn ca tài tử 2011 do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.HCM tổ chức, Nguyễn Thị Phóng (sinh viên năm cuối Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh) là thí sinh nữ khiếm thị duy nhất đã giành được chiếc huy chương vàng với bài vọng cổ do chính mình sáng tác mang tên Tiếng đàn trong mưa. Bất cứ ai trò chuyện với Phóng, cũng đều bị thuyết phục bởi sự chân tình, nụ cười lạc quan, yêu đời. Nghị lực của Phóng đã tác động ngược trở lại với cả những người lành lặn.Sinh ra tại huyện Trà Ôn – tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình làm nghề nông rất nghèo. Ngay khi còn là một đứa trẻ bốn tuổi hồn nhiên, Phóng đã bị căn bệnh ban đỏ quái ác cướp đi đôi mắt và từ đó hoàn toàn sống trong bóng tối. Năm 14 tuổi, ngoài học chữ, Phóng còn sinh hoạt vào nhóm đờn ca tài tử. Nhờ có năng khiếu bẩm sinh, Phóng hát hay và học đàn rất nhanh. Phóng tự dàn dựng chương trình đờn ca tài tử gồm các bài Bắc – Nam – Oán và ca ra bộ đoạt giải nhất trong Liên hoan đờn ca tài tử của huyện. Khi lớp học đờn ca tài tử của tỉnh Vĩnh Long mở, Phóng là ứng cử viên đầu tiên được đưa vào danh sách đào tạo. Học ở Khoa Kịch hát dân tộc, Phóng nổi bật ở bộ môn đàn tranh bởi cô đặt cả trái tim mình vào tiếng đàn. Thần tượng của Phóng cũng chính là nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng Hải Phượng. Hiện, Phóng đã sáng tác một số bài bản vọng cổ cũng như viết lời mới cho các điệu lý với dự tính khi có điều kiện sẽ thực hiện một album riêng cho mình.Ước mơ của Phóng là sau khi tốt nghiệp sẽ quay về Trường Khuyết tật Vĩnh Long dạy nhạc cho các em, giúp các em khuyết tật, khiếm thị có niềm tin, không còn mặc cảm nữa. Phóng hồ hởi cho biết: “Đờn ca tài tử đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa của người dân đồng bằng giữa nhịp sống văn minh đang rộn rịp. Riêng ở Vĩnh Long quê mình, có hàng trăm đội, nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử vẫn đang cần mẫn tập luyện, trình diễn cho những người tri kỷ, tri ân cùng bè bạn gần xa thưởng thức. Đây vừa là món ăn tinh thần của người dân Vĩnh Long, vừa là đặc sản mà địa phương thết đãi du khách có dịp viếng thăm…”.
“Hoạt động xã hội là vốn sống quý nhất”

Trần Hạnh Phúc với danh hiệu Én vàng.
Ảnh: Đ.N
Đó là lời khẳng định của chàng trai 23 tuổi quê ở Hà Nội Trần Hạnh Phúc (nhân viên ngành quan hệ công chúng), người đoạt giải Én vàng trong cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình 2011 do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức.Phúc cũng là thí sinh giành được phiếu bình chọn cao nhất của khán giả ở đêm bán kết 3, chung kết 1. Với bất kì bộ môn nghệ thuật nào, xuất phát điểm cũng bắt đầu từ năng khiếu. Chính vì cảm nhận được mình cũng có chút năng khiếu với vai trò MC mà Phúc quyết định tìm lấy cơ hội bằng việc tham gia cuộc thi này. “Tôi bước vào cuộc thi thật nhẹ nhàng, không đặt nặng tâm lý thắng thua. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng hết sức để không hối tiếc những gì mình đã làm” – Phúc cho biết như thế. Đêm chung kết xếp hạng, Phúc đã chứng minh được bản lĩnh, khả năng ứng đáp lưu loát với hai vị chủ khảo NSND Hoàng Dũng và NSƯT Lan Hương về quan điểm hạnh phúc qua câu thơ: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta lại thêm ngày nữa để yêu thương”. Khi được hỏi: “Theo Phúc, người chiến thắng đã là người thành công chưa?”. Phúc thẳng thắn trả lời: “Người chiến thắng chỉ được thừa nhận thành công tạm thời. Bản thân tôi ý thức rất rõ điều này nên tự nhắc nhở mình “không ngủ quên trong chiến thắng” hôm nay, vì tương lai là cả một chặng đường phấn đấu phía trước”. Với Phúc, việc tự lập từ nhỏ, làm thêm nhiều công việc và tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội là cách tích lũy vốn sống quý nhất để làm hành trang trên con đường MC. 12 năm liền là học sinh xuất sắc, Phúc thi đậu vào ngành điện – Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm rất cao. Được đứng chân vào Ban chấp hành Đoàn khoa, Phúc luôn hết mình với những sân chơi dành cho các bạn sinh viên cũng như luôn có mặt tại những “điểm nóng” của chiến dịch tình nguyện. Phúc tâm sự: “Hiện tại, tôi nhận được khá nhiều lời mời làm MC, nhưng nếu chương trình nào không phù hợp thì tôi thẳng thừng từ chối. Tôi quan niệm không nên mặc chiếc áo không thật vừa vặn với mình, để rồi trở nên ngổ ngáo trước mắt người khác. Ước mơ của tôi là được tự tay biên tập và dẫn một chương trình do chính mình viết, đặc biệt là một chương trình mang tính nhân văn và cộng đồng cao”. MC Quỳnh Hoa nhận xét: “Phúc có ngoại hình sáng sân khấu, giọng nói truyền cảm, nhiều kinh nghiệm trên sân khấu. Phúc biết cách tương tác, hoạt náo với khán giả cũng như biết đưa cảm xúc của mình vào phần dẫn. Điều này cho thấy Phúc sẽ bật sáng trong tương lai”.
Đại Nghĩa – Khôi Nguyên

Bình luận (0)