Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7-2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: Gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU, Hoa Kỳ…
Quang cảnh hội nghị tổ chức sáng 4-8 tại TP.Cần Thơ
Tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhưng đến giữa tháng 7-2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu/ diễn biến phức tạp như: Lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực. Tình hình địa chính trị diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển đen)… điều này đã tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023. Hiện nay giá lúa, gạo tăng từng ngày, thậm chí tăng từng giờ, khiến doanh nhân rất khó khăn trong thu mua gạo để xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đảm bảo đủ lúa gạo cho xuất khẩu và an ninh lương thực
Trước tình hình đó, để thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo: Tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa đảm bảo lợi ích của người trồng lúa. Cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định. Đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả; đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3-7-2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, ngày 4-8-2023, tại TP.Cần Thơ, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo”. Ông Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đồng chủ trì hội nghị (HN).
Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, trình bày thuận lợi, khó khăn trong công tác xuất khẩu gạo tại Cần Thơ
Tham dự HN có gần 200 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Sở Công thương và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và khu vực phía Nam.
Tại HN, các đại biểu đã trao đổi, rà soát, đánh giá yếu tố bất lợi do khí hậu El Nino tác động đến tình hình sản xuất, sản lượng thóc, gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm cũng như nhận định nhu cầu thị trường, tín hiệu về động thái chính sách, thông tin từ các thị trường xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, những khó khăn trong kinh doanh xuất khẩu gạo, đặc biệt trong vụ hè thu, chia sẻ nhận định dự báo tình hình thương mại gạo thế giới trong thời gian tới; những cơ hội và thách thức đặt ra cho thương nhân trong những tháng cuối năm 2023; đề xuất những giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương nhân thu mua lúa, gạo, tổ chức sản xuất, chủ động phương án đàm phán giao dịch nâng cao hiệu quả xuất khẩu; để từ đó các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nắm bắt và trao đổi, giải đáp hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trong đó ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đề xuất Bộ Công thương cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu, đặc biệt là vấn đề kho chứa, mở rộng máy móc, thiết bị; tạo điều kiện cho các các doanh nghiệp phối hợp với Bộ NN-PTNT tạo giống mới,…
Các doanh nghiệp đề xuất kiến nghị với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan
Về phía các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo xuất khẩu đều mong nhận được cơ chế chính sách về vay vốn lưu động để thu mua lúa gạo; xây dựng kho chứa và thực hiện dây chuyền sản xuất, đặc biệt là kéo dài thời gian giải ngân.
Xác định là vựa lúa lớn của ĐBSCL, tỉnh Kiên Giang cho rằng tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo không phải là vấn đề mới, cho nên Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT nên có kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nguồn nước sông Mekong nhằm bảo đảm cho sản xuất, nhu cầu cho người dân và nghĩa vụ quốc tế.
Trong phát biểu chỉ đạo, để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-
TTg ngày 26-5-2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh các nhiệm vụ chính cần các bộ, ngành, các địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công thương cùng triển khai để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo; đảm bảo việc tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho nông dân nhưng hài hòa lợi ích giữa người sản xuất lúa và doanh nhân kinh doanh lúa gạo; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.
Đan Phượng
Bình luận (0)