Tòa soạnThư đi – tin lại

Hãi hùng “công nghệ” làm sương sa

Tạp Chí Giáo Dục

Một hộ dân đang làm sương sa trên nền đất bẩn tại khu vực đường An Dương Vương, Q.5

Khi thời tiết oi bức, người ta thường tìm mua các loại nước mát lạnh để giải khát. Các loại nước giải khát đóng chai ngày càng hút hàng, bên cạnh đó, loại thức uống vừa ngon, rẻ, lại vừa mát như sương sa được nhiều người chuộng. Nhưng nếu tận mắt chứng kiến “công nghệ” làm ra chúng thì chắc chắn sẽ chẳng ai đủ can đảm để dùng nữa.
Có thể xem khu vực đường An Dương Vương, Q.5 là “thiên đường” của sương sa bởi chúng ta dễ dàng bắt gặp “người người làm sương sa, nhà nhà làm sương sa” với thực tế từ kinh sợ đến… hãi hùng.
Buổi trưa, dọc các con hẻm này, người dân thường đổ lá (dùng để chế biến sương sa) ra phơi dưới mặt đường, mặc cho cát bụi lẫn vào, người đi đường vô tình giẫm đạp. Tầm khoảng 3 đến 5 giờ chiều, người dân ở đây bắt đầu công đoạn chế biến sương sa.
Thủ công rất… “điêu luyện”
Những chiếc lá phơi héo lúc trưa được bỏ vào một thau nhựa lớn chứa đầy nước, xung quanh là nhiều chiếc thau lớn nhỏ khác. Nhiều mảng bám đen đúa trên thau cho thấy chúng không hề được rửa sạch sau mỗi lần sử dụng. Những người phụ nữ quần áo lôi thôi, ống cao ống thấp; còn đàn ông thì ở trần, mặc quần đùi; trẻ con mặt mày lấm lem xúm xít quanh thau lá, ra sức vò nát những chiếc lá bằng đôi tay mà trước đó không biết đã làm gì. Vò bằng tay không xuể, có khi họ cho nguyên chân đứng vô thau đạp cho nhanh, trông thật kinh khủng. Xung quanh, các chú gà thỉnh thoảng lại đập cánh, chạy nhảy trên nền đất đầy nước bẩn, làm nước văng tung tóe, văng cả vào thau.
Sau khi lá đã nát hoàn toàn thành một thứ nước màu xanh thẫm, nhơn nhớt, người ta sẽ lược bỏ xác lá và chỉ lấy phần nước bằng cách đổ tất cả vào một cái bọc vải lớn và bóp cho đến khi nước chảy xuống hết. Tiếp đó, họ cho thêm nước vào để vò lần hai. Một phần nước sương sa sẽ được đổ vào trong những cái ca nhựa đen đúa, cáu bẩn xếp trên những chiếc xe ba gác cũ kỹ, đầy bụi bặm, số còn lại sẽ được cột thành từng bịch nhỏ. Những đôi tay thoăn thoắt không ngần ngại vọc thẳng vào thau nước lớn để hứng đầy bịch sương sa, sau đó cột lại rồi xếp chúng dưới nền đất bẩn đầy nước và rác. Tất cả chuẩn bị ngày mai lên đường bỏ mối đến các chợ.
Mầm bệnh chực chờ
Dạo một vòng quanh các chợ, hầu hết chợ nào cũng đều bán món thức uống này, cả trong các quán nước cũng có. Sương sa để sau một khoảng thời gian sẽ đông lại, khi ăn chỉ cần xắn thành miếng nhỏ, thêm nước đường, nước cốt dừa, vài hạt lựu làm từ bột mì là được. Với những người chưa hề thấy qua giai đoạn chế biến sương sa thì chắc chắn sẽ bị hấp dẫn bởi vị giòn của sương sa, vị béo của nước cốt dừa, vị dai dai của hạt lựu… nhưng nếu ai đã từng biết đến hay vô tình nhìn thấy thì… chắc chắn sẽ vẫy tay chào nhau!
Bạn H.G nhà ở gần chỗ làm sương sa (Q.5) chia sẻ: “Lúc đầu mình không biết nên chạy sang mua về ăn cho mát. Nhưng khi qua thấy người ta làm ghê quá, lỡ mua rồi mà về không dám ăn nên bỏ luôn”. Còn bạn K.C kể: “Một lần tình cờ đi ngang qua đó, mình thấy người ta cho hai chân vô thau đạp, sợ quá nên từ đó mình không dám ăn nữa mặc dù trước giờ mình rất thích món này”.
Trời nắng nóng, sương sa bán rất đắt. Cô T, chủ một quán chè trên đường H.T.K, Q.10 cho biết: “Một ngày cô bán đến 4-5 thau như vầy nè, thứ này ăn mát lắm!”, vừa nói cô vừa chỉ vào chiếc thau đựng sương sa có đường kính khoảng 30cm.
Bài, ảnh: Mẫn Chi
Tiết trời oi bức như hiện nay là điều kiện để vi khuẩn phát sinh, dịch bệnh cũng theo đó mà sinh sôi, nhất là bệnh dịch tả đang có chiều hướng lan rộng. Vì vậy, việc chọn thức ăn, thức uống trong mùa nóng phải hết sức cẩn thận, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe chúng ta.
 

Bình luận (0)