Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hãi hùng dầu bẩn, hành phi: Đường đi của dầu bẩn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Các trinh sát thuộc Phòng 7, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an tại TP.HCM đã điều tra, bóc trần đường đi của dầu bẩn đến các cơ sở hành phi, bánh ướt, phở.
Xe tải lấy dầu cũ tái chế từ cơ sở bà Mầu
Xe tải lấy dầu cũ tái chế từ cơ sở bà Mầu
Dùng xong dầu tái chế, đem bán lại… cho cơ sở tái chế
Khoảng 11 giờ 57 ngày 19.7, trinh sát theo dõi một người đàn ông chạy xe máy (không biển số) chở 5 can nhựa chứa dầu cũ tái chế, từ trong hẻm của cơ sở mua bán dầu thực vật, mỡ qua sử dụng do ông Nguyễn Minh Hiếu (ấp Nhị Tân 1, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn) làm chủ, ra đường lộ, rồi tăng tốc.
Tổ trinh sát bám theo, phát hiện người đàn ông này chở dầu ăn đến một cơ sở sản xuất bánh ướt, bánh phở. “Cơ sở này mua dầu cũ tái chế về bôi lên dụng cụ, máy móc sử dụng sản xuất bánh ướt, bánh phở để chống dính…”, một trinh sát cho biết.
Xe chở dầu đi cung cấp cho một cơ sở chế biến hành phi
Xe chở dầu đi cung cấp cho một cơ sở chế biến hành phi
Vào các ngày 18 và 19.7, trinh sát cũng ghi nhận xe tải chở dầu ăn tái chế từ cơ sở mua bán dầu thực vật, mỡ qua sử dụng của bà Nguyễn Thị Hoa (59 tuổi, tại ấp Thống Nhất 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn); bà Nguyễn Thị Mầu (56 tuổi, ở ấp Thống Nhất 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, em bà Hoa) cung cấp cho hai cơ sở chế biến hành phi của bà Đặng Thị Hoàng Nga, nằm trên đường Lê Thị Siêng, ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM và của ông Lê Văn Trọng ở ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, TP.HCM.
Xe chở dầu cũ tái chế cho một cơ sở chế biến hành phi ở H.Củ Chi
Xe chở dầu cũ tái chế cho một cơ sở chế biến hành phi ở H.Củ Chi
“Mới đầu, các cơ sở chế biến hành phi này chối phăng, không thừa nhận mua dầu cũ tái chế của bà Hoa, bà Mầu nhưng với chứng cứ nói trên, chủ cơ sở buộc phải thừa nhận. Đáng chú ý, dầu cũ tái chế được bán cho cơ sở chế biến hành phi với giá 21.000 đồng/kg để sử dụng chiên hành làm hành phi. Qua nhiều lần sử dụng, cơ sở chế biến hành phi bán lại cho cơ sở dầu cũ tái chế với giá 13.000 đồng/kg. Cơ sở bán dầu cũ tái chế phải mua để giữ khách hàng!”, một trinh sát tiết lộ.
Nói về “nghề” kinh doanh dầu bẩn này, ông D. (người từng mua bán dầu thực vật, mỡ qua sử dụng, hiện đã nghỉ) cho biết các cơ sở dầu cũ tái chế trên địa bàn thành phố đa số tập trung ở H.Hóc Môn. Trong đó, cơ sở của ông Hiếu là một trong những cơ sở có quy mô lớn nhất, sau đó mới đến bà Hoa, bà Mầu, bà Thu, bà Hương, bà Hồng…
Thu giữ hàng chục tấn
Theo đoàn kiểm tra, cơ sở chế biến hành, tỏi phi trên đường Lê Thị Siêng, ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, do bà Đặng Thị Hoàng Nga làm chủ và ông Nguyễn Văn Thi (chồng bà Nga) quản lý. Ông Thi thừa nhận đã dùng dầu ăn đã qua sử dụng làm hành, tỏi, củ cải phi. Số dầu này mua của bà Hoa và bà Thu ở xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, dầu có màu đen, màu vàng đục, đựng đầy trong can nhựa loại 25 kg/can, không nhãn mác, không hóa đơn chứng từ. Tỏi thì có xuất xứ từ Trung Quốc cũng không có hóa đơn chứng từ. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra lập biên bản tạm giữ 2.765 kg nguyên liệu để chế biến và 9.890 kg thành phẩm hành, tỏi, củ cải phi.

Hãi hùng dầu bẩn, hành phi: Đường đi của dầu bẩn - ảnh 4

Người đàn ông đi xe máy chở dầu cũ tái chế từ hẻm của cơ sở ông Hiếu chạy ra…

... sau đó giao cho một cơ sở chế biến bánh ướt, bánh phở ở H.Hóc Môn ẢNH: công an cung cấp
ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Tại cơ sở hành phi ở ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn của ông Lê Văn Trọng, đoàn kiểm tra phát hiện giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do UBND H.Hóc Môn cấp đã hết hạn (từ ngày 9.7.2015 có giá trị đến hết ngày 9.7.2018); cơ sở chế biến hành phi sử dụng dầu đã qua sử dụng mua trôi nổi; đồng thời thu giữ 125 can (loại 25 kg/can); 1.898 kg hành phi thành phẩm. Trong số 125 can dầu ăn đã qua sử dụng, có 20 can mua của cơ sở của bà Hoa.
Về 3 cơ sở mua bán dầu thực vật, mỡ qua sử dụng của bà Hoa, bà Mầu và ông Hiếu, đoàn kiểm tra thu giữ khoảng 45 tấn dầu ăn phế phẩm, không có hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ. Số dầu này được đưa về kho tang vật của Chi cục Quản lý thị trường để làm rõ. “Sẽ đề xuất tiêu hủy hoàn toàn hành, tỏi, củ cải phi, kể cả dầu phế phẩm thu giữ”, trung tá Võ Văn Khứ, Phó trưởng phòng 7 (C05), cho biết.
Lãnh đạo huyện bận họp, chỉ xuống xã!
Liên quan đến bài viết Hãi hùng dầu bẩn, hành phi mà Báo đăng tải vào ngày 5.10, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội (H.Củ Chi, TP.HCM), cho biết sau khi lực lượng chức năng phát hiện cơ sở của bà Đặng Thị Hoàng Nga dùng dầu bẩn chế biến hành phi, xã đã mời bà Nga lên làm việc. Bà Nga có trình giấy phép đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và hứa sẽ bổ sung những giấy tờ liên quan các loại thực phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ.
Theo ông Phong, do mới chuyển về địa phương khoảng 1 tháng nay nên ông chưa nắm rõ tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn. Ông Phong nói: “Sau sự việc này, xã sẽ quản lý chặt chẽ hơn, rà soát, kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm”.
Chiều cùng ngày, PV đến UBND H.Hóc Môn để làm rõ những vấn đề liên quan trách nhiệm của địa phương. Sau khi kiểm tra giấy giới thiệu, đại diện Phòng Tiếp dân của UBND H.Hóc Môn cho biết tất cả lãnh đạo UBND huyện đang họp, rồi yêu cầu PV ghi lại câu hỏi và số điện thoại để trả lời bằng văn bản sau. Người này cũng hướng dẫn PV xuống cấp xã sẽ nắm thông tin rõ hơn. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tiếp tục đến UBND xã Tân Thới Nhì (H.Hóc Môn), nơi có 3 cơ sở dầu ăn “bẩn” và 1 cơ sở hành phi “bẩn” bị lực lượng chức năng kiểm tra, thì cũng được các cán bộ ở đây nói “lãnh đạo ủy ban đang họp”.
Đàm Huy – Đức Tiến – Trần Tiến/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)