Theo một khảo sát mới đây của Bộ GD và ĐT tại 14 tỉnh, thành phố thì có tới 3.000 trường không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo chất lượng, chiếm gần 30% trong tổng số hơn 11.000 trường. Dẫn đầu là khối mầm non, với gần 1.200 trường rơi vào tình trạng này (32%) tiếp đến là bậc THCS với gần 1000 trường, tiểu học gần 900 trường và ít nhất là bậc THPT, gần 100 trường. Như vậy cứ 3 trường thì có 1 trường không có NVS hoặc NVS không đảm bảo chất lượng. Câu chuyện nhà vệ sinh trong trường học tưởng là nhỏ nhưng lại không nhỏ chút nào…
Học sinh nhịn đi vệ sinh – chuyện thường ngày ở trường
Hôm nào cũng vậy, vừa về đến nhà là bé H, học sinh một trường tiểu học tại Hà Nội chạy một mạch vào toilet để “trút bầu tâm sự”. Bố mẹ H thắc mắc thì em hồn nhiên trả lời là phải “nhịn tè” bởi nhà vệ sinh (NVS) quá hôi và bẩn. Hậu quả là sau 3 năm “nhịn tè”, H đã phải nhập viện vì giãn bể thận.
Không riêng gì H, chuyện cố nhịn cái nhu cầu mà không ai có thể nhịn nổi đã khá phổ biến tại rất nhiều trường học cả nông thôn và thành thị. Bé Nguyễn Thị T, học sinh trường tiểu học HD, Hà Nội cũng luôn phải nhịn như vậy. Biết là không tốt, và nếu kéo dài có thể hỏng thận của con nhưng mẹ bé cũng không còn cách nào khác. Giải pháp mà bé T chọn là mỗi sáng dành một giờ trong toilet và cả ngày không uống nước để đỡ buồn tiểu. Cũng vì chuyện “đầu ra” mà buổi trưa rất nhiều phụ huynh đội nắng mưa đón các cháu về để các cháu “giải quyết nỗi buồn”, sau đó lại đưa con em quay lại lớp học. Lý do là vì nhà vệ sinh của trường quá bẩn.
Câu chuyện các cháu trường Mầm non Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội phải đi vệ sinh vào túi nilông vì cả trường gần 700 cô và trò chỉ có một NVS dùng cho tiểu tiện đã khiến cho dư luận giật mình và vô cùng bức xúc. Điều đáng nói là ngôi trường đó ở ngay địa bàn Hà Nội và đáng nói hơn là nó lại thuộc xã Hữu Bằng là một xã giàu có nhờ chế biến gỗ và có nhiều xe tải nhất của Thạch Thất. Xã giàu mà như vậy mà đến cái nhà vệ sinh cũng không làm nổi sao?
Không riêng gì Thạch Thất, tại tỉnh Hậu Giang, có một câu chuyện hài hước mà mỗi khi nhắc đến “chuyện nhà vệ sinh” thì giáo viên nào cũng biết. Ở một trường THPT trong tỉnh, do nhà vệ sinh ít lại không sạch sẽ nên nữ giáo viên mỗi khi có nhu cầu lại phải chạy xe về nhà giải quyết. Mỗi lần chạy như thế lại trễ giờ dạy nên bị lãnh đạo nhà trường nhắc nhở mà không dám thanh minh vì… ngượng.
Qua những ví dụ trên có thế thấy rõ ràng các trường học không quan tâm đúng mức đến nhu cầu vệ sinh của học sinh, thậm chí là cả của giáo viên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do nhà trường thiếu kinh phí, phần khác là nhiều trường học không mấy coi trọng câu chuyện vệ sinh của các em vì cho rằng thành tích học tập mới là quan trọng, còn chuyện vệ sinh là chuyện “sau cánh gà” không cần quan tâm. Và chuyện học sinh nhịn đi vệ sinh là chuyện bình thường.
Tiền xây phòng học còn không có, đừng nói xây nhà vệ sinh
Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội, có một số trường nhà vệ sinh có chất lượng cao như Trường Tiểu học Dịch Vọng B, năm học vừa qua đã sửa chữa nâng cấp cải tạo 7 nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả các phòng đều có xà phòng, bồn rửa tay, nhà vệ sinh sạch sẽ được thiết kế những bệ vệ sinh nhỏ phù hợp với lứa tuổi tiểu học khiến cho các em không có cảm giác sợ hãi mỗi khi đi vệ sinh.
Tuy nhiên, không phải trường nào nhà vệ sinh cũng được đảm bảo. Hầu hết nhà vệ sinh các trường học ở Hà Nội đều là tự hoại, song rất nhiều nhà vệ sinh không đảm bảo chất lượng, nhiều nhà vệ sinh quá cũ nát, bốc mùi hôi thối mà bất kỳ ai bước vào cũng phải sởn da gà. Còn chuyện nhà vệ sinh thiếu giấy, thiếu xà phòng, thiếu nước, cửa hỏng, đường ống thoát nước hỏng… diễn ra khá phổ biến.
Ở một trường tiểu học danh giá của quận Ba Đình, các vị phụ huynh lại lo lắng trước chuyện nhà vệ sinh không có giấy. Trường tiểu học NTC có 2.900 HS nhưng khu vệ sinh chỉ có 20m2. Trường Tiểu học KL có hơn 3000 HS chung 3 nhà vệ sinh. Có trường mỗi tầng có một nhà vệ sinh nhưng nhiều năm nay bị khóa trái cửa khiến tất cả học sinh phải đi chung nhà vệ sinh tầng 1. Nhà vệ sinh thiếu nước, thiếu giấy thiếu lavabo rửa tay, thiếu diện tích và đặc biệt là thiếu sự lau dọn, cọ rửa hàng ngày nên luôn có mùi đặc trưng, ẩm ướt bẩn thỉu và nhếch nhác. Điều này dẫn đến việc các cháu học sinh cũng phải “tự rèn luyện” cho mình thói quen “đi vệ sinh ở nhà”.
Từ năm 2009, sau một năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, theo cách tính của Sở GD-ĐT Hà Nội, cứ 100 học sinh (HS) có 1 nhà tiêu, 50 HS có 1 nhà tiểu và 60 HS có một vòi nước, vào thời điểm đó toàn thành phố có gần 1.000 trường thiếu các công trình này. Trong danh sách các trường thiếu nhà vệ sinh đến mức báo động có Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đan Phượng. Tại các địa phương này, có một số trường học “trắng” nhà vệ sinh trong nhiều năm nay. Giải thích về chuyện này, một lãnh đạo địa phương cho biết: Phòng học đang còn thiếu trầm trọng, nên chuyện lo cho con em có đủ chỗ học hành đã là rất tốt rồi, nói gì chuyện lo chỗ xây nhà vệ sinh?
Theo các bác sỹ nếu trẻ phải nhịn đại tiểu tiện kéo dài sẽ rất dễ mắc các bệnh táo bón, đường ruột… Một thống kê mới đây, chỉ riêng tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm đơn vị này đã phải tiếp nhận khoảng 1500 trẻ bị mắc các bệnh liên quan đến đường tiểu và thận. Mà nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh này ở trẻ là do việc trẻ nín nhịn quá lâu, không chịu đi vệ sinh do nhà vệ sinh trong trường quá bẩn.
Câu chuyện nhà vệ sinh tưởng là nhỏ nhưng lại không hề nhỏ. Việc trẻ nhịn đi vệ sinh không thể trách các em, mà lỗi là do người lớn. Cụ thể và trực tiếp nhất là lãnh đạo các trường học, tiếp theo đó cấp cơ quan quản lý. Đã đến lúc cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về việc xây dựng và cải tạo lại nhà vệ sinh tại các trường học. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra đột xuất các trường học và xử lý nghiêm đối với những trường nhà vệ sinh không đảm bảo vệ sinh môi trường. Bởi xét cho cùng một môi trường giáo dục sạch sẽ và thân
Bình luận (0)