Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Hai lúa”… du học

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ đây, nông dân Việt Nam không còn “hiền” như xưa khi suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Không ít người đã chịu đầu tư đi đây đi đó để tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở những chân trời mới và trở về làm giàu trên chính quê hương mình. Nhờ những bác “Hai lúa” tiến bộ này mà tinh hoa của các nền nông nghiệp phát triển như Trung Quốc, Thái Lan… được “nhập khẩu” về nước ta ngày càng nhiều.
Anh Nguyễn Ngọc Long, chủ vườn cây cảnh Ngọc Long (huyện Hóc Môn): Tay không dựng nên cơ nghiệp

Đang làm trong nghề xây dựng có đủ cơm ăn áo mặc, bỗng dưng anh Long chuyển hướng 180 độ sang trồng cây cảnh vì… thích. Đầu năm 2001, anh bắt đầu kinh doanh cây cảnh nhưng do ít vốn, lại chẳng có lắm đất như người ta nên chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ, trồng được cây nào là bán liền lấy tiền mua giống mới. Trồng cây cảnh không “dễ ăn” như trồng lúa, trồng khoai. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng nguồn hàng của mình, anh Long đã không ngại đi khắp nơi, từ các nhà vườn ở huyện Củ Chi, Bình Chánh đến Đồng Tháp hay xuống tận Tiền Giang… để học hỏi kinh nghiệm của những chủ nhà vườn đi trước. Chưa thỏa mãn, anh quyết định đăng ký học các lớp về cây cảnh tại Trường Trung cấp Nghề Thanh Tâm và Trung tâm Sinh vật cảnh Gò Vấp. Có điều kiện, anh lại đến Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM dự thính nhiều tiết học liên quan đến lĩnh vực mà mình đang đầu tư.
Khi đã khá vững kiến thức nền, anh quyết tâm thuê đất mở rộng vườn cây cảnh. Hồi đó, đất vườn còn rẻ nên giá thuê 1ha đất chỉ khoảng 1 triệu đồng/ năm. Thấy đã hội đủ những điều kiện cần, anh bắt tay vào thực hiện kế hoạch của mình. Anh hì hục làm việc suốt cả ngày, có hôm đến tận 1-2 giờ sáng mới chịu đi ngủ. Chợp mắt được một chút đã phải bật dậy xuống Tây Ninh mua phân bón. Một thân một mình khổ cực trăm bề nhưng vì niềm đam mê cây cảnh, anh không quản khó khăn.
Nhờ sự đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách của ông chủ ham học hỏi, tiếng thơm của vườn cây cảnh Ngọc Long ngày một bay xa. Nhiều người tìm đến mua cây, đặt hàng. Khi đã có được lòng tin của khách hàng trong vùng cũng như nhiều tỉnh lân cận, anh bắt đầu đưa sản phẩm của mình thâm nhập vào thị trường miền Bắc và các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan… “Trong những dịp sang Trung Quốc, Thái Lan, ngoài việc buôn bán, tôi thường ghé thăm các trang trại, vườn cây xem họ trồng trọt ra sao. Khi thấy những cây bị chết, tôi liền trích mẫu đem về xem xét, nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân và rút kinh nghiệm cho việc trồng cây của mình”, Giám đốc Công ty Ngọc Long chia sẻ. Khi làm việc cùng các nhà vườn, anh thường đi cùng phiên dịch viên để tìm hiểu rõ hơn cách thức người ta trồng cây cảnh. Thấy những chi tiết hay, anh vội lấy sổ ghi chép cẩn thận. Về nhà, anh trồng thí điểm một vài cây trong vườn. Nếu có kết quả anh sẽ nhân rộng ra.
Bên cạnh việc tự bỏ tiền ra nước ngoài để nâng cao tay nghề, anh còn được Hội Nông dân TP.HCM cử đi tập huấn, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt ở nhiều nước. Mỗi chuyến đi như vậy tuy chỉ kéo dài từ vài tuần đến ba bốn tháng nhưng cũng đủ để một “lão nông” đam mê cây cảnh như anh “nhét túi” thêm nhiều “chiêu” quý báu.
Dù khá bận rộn nhưng anh luôn chủ động sắp xếp thời gian tham gia nhiều lớp kỹ năng ở Nhà Văn hóa Phụ nữ và Nhà Văn hóa Thanh niên để giao tiếp, kinh doanh giỏi bởi anh luôn tâm niệm: “Nông dân không chỉ trồng cây giỏi mà còn phải biết nói chuyện, biết tính toán, biết kinh doanh thì mới thành công”. Cũng nhờ sự chịu khó, ham học hỏi này mà chỉ sau 10 năm lập nghiệp, anh đã nắm trong tay gia tài lên đến hàng chục tỷ với năm cơ sở trồng nhiều giống cây cảnh chất lượng.
Ông Huỳnh Văn Hùng, chủ vườn lan Dendrobium (huyện Nhà Bè): Làm giàu từ  kinh nghiệm nước bạn

Xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè thuộc diện vùng sâu vùng xa của TP.HCM. Bà con nông dân mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa bởi vùng này có sáu tháng nước mặn và sáu tháng nước ngọt. Thấy hiệu quả trồng lúa không cao, ông Huỳnh Văn Hùng quyết định chuyển sang trồng cây cảnh.
Đầu năm 2006, sau khi lận lưng chút kinh nghiệm quý báu học hỏi được từ nông dân các vùng lân cận như Bình Chánh, Hóc Môn… ông tiến hành trồng thí điểm 1.500 cây lan. Trong thời gian này, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn dài ngày do Sở Nông nghiệp TP.HCM phối hợp với các trường cao đẳng và đại học tổ chức. May mắn là không lâu sau, cùng với một số nông dân khác, ông được Hội Nông dân TP.HCM tạo điều kiện cho ra nước ngoài tiếp xúc với các nền nông nghiệp tiên tiến. Ông Hùng kể: “Mấy năm trước, tôi thường được cử đi Trung Quốc, Thái Lan… để học hỏi kinh nghiệm trồng cây cảnh của bà con nông dân nước bạn. Ra ngoài tôi mới biết người ta làm nông nghiệp hiện đại lắm. Chẳng hạn như ở Thái Lan, người ta thường kết hợp vườn cây cảnh của nhiều người lại thành khu vườn lớn với tổng diện tích khoảng 50ha. Trong khu vườn chung, mỗi chủ vườn vẫn cấy mô, nhân giống… trên đất riêng của mình. Do đó, khi người ta đưa giống vào trồng đại trà sẽ cho ra đời các loại cây giống nhau về kích cỡ lẫn màu sắc. Nhờ thế mà khâu vận chuyển cũng rất thuận lợi bởi họ có thể sắp xếp cây thành 4-5 lớp trong khi mình không làm vậy được vì độ dài của cây thường chênh lệch nhau”. Qua nước bạn, ông luôn hỏi kỹ và ghi lại những cái hay trong cách trồng của người ta để về áp dụng thí điểm tại mô hình nhỏ ở quê nhà. Sau khoảng thời gian trồng thử nghiệm, thấy mô hình nào thuận lợi với đất đai và khí hậu Việt Nam, ông liền tiến hành nhân rộng quy mô nhằm đa dạng hóa chủng loại cây cảnh. Từ vốn ban đầu gồm 1.500 cây cảnh, nay ông đã có cả chục ngàn cây với nhiều loại như lan, lộc vừng, mai… Nhờ vựa cây cảnh này mà mỗi năm, thu nhập của gia đình ông tăng thêm khoảng 300-400 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong xã.
Ông Đặng Văn Lợi, chủ vườn cây cảnh Song Long (huyện Hóc Môn): Tuổi già ham học hỏi

Cũng là một người “yêu” cây cảnh, sau khi xuất ngũ, ông Đặng Văn Lợi (60 tuổi) không về sống trong căn nhà ngay tại Q.10 do quân đội cấp mà về tận Hóc Môn để trồng cây cảnh.
Ông Lợi chia sẻ: “Cây cảnh, đồng ruộng đã làm bạn với tôi từ thuở bé nên sau khi nghỉ hưu, tôi quyết định về vườn trồng cây”. Tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp (Hà Nội) đã hơn 30 năm, nhưng đến khi về hưu ông mới có cơ hội vận dụng những kiến thức đúng chuyên ngành của mình vào công việc trồng trọt. Sợ những gì trường lớp đào tạo mai một dần theo năm tháng nên mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn tiếp tục đăng ký đi học… trồng cây. Đã vậy ông còn huy động cả con cháu đi học để cả nhà cùng nhau lập nghiệp. Năm 2003, ông quyết định liều một phen, vay 500 triệu đồng của Ngân hàng Phát triển nông thôn lập vườn mai. Khi được hỏi vì sao lại chọn mai làm loại cây chủ lực cho vườn kiểng của mình, ông Lợi vui vẻ đáp: “Đây là loại cây truyền thống của người dân Việt vào dịp Tết cổ truyền. Vì vậy mình kinh doanh loại cây này thì đầu ra khá an toàn”.
Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm của các “đàn anh” trong việc trồng cây, cộng với những cái hay tích góp được từ trường lớp và các chuyến tập huấn ở nước ngoài, đến nay ông Lợi đã tự tin phát triển quy mô làm ăn của mình lên tới 3,5ha. “Mảnh đất vàng” này mỗi năm “gặt” về cho ông khoảng 400-500 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, ông còn tạo thêm công ăn việc làm cho rất nhiều bà con nông dân. Cụ thể, cứ mỗi mùa vụ ông thuê hàng trăm công nhân vặt lá mai, khuân vác, vận chuyển hàng. Với những gì đã làm, năm 2011, ông vinh dự được trao tặng danh hiệu Nông dân tiêu biểu của thành phố.
Bài, ảnh: Dương Bình

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)