Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hai năm thực hiện tín dụng cho HS, SV: Ngân hàng – nhà trường – địa phương phối hợp thiếu đồng bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị – Ảnh Ngọc Trác (NDĐT)

Ngày 16-6, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tín dụng cho học sinh, sinh viên (HS, SV) đã diễn ra trực tuyến tại 4 điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Không có HS, SV bỏ học vì không có tiền
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, tính đến 30-4-2009, doanh số cho vay đạt trên 13.000 tỷ đồng, trong đó, năm học 2008-2009 tăng 68% so với năm học 2007-2008. Đã có hơn 1,3 triệu HS, SV được vay vốn đến từ hơn 1.200 hộ gia đình. Theo ông Lý, số hộ gia đình nghèo được vay vốn của chương trình là 438.000 hộ, chiếm tỷ trọng 35,4% tổng số hộ vay vốn của chương trình. Như vậy hiện tại trong tổng số hơn 2.000 hộ nghèo của cả nước có 19% hộ được vay vốn. Tỷ lệ này đang thấp nhưng phản ánh đúng thực trạng. Trong khi đó, số hộ cận nghèo được vay vốn của chương trình chiếm tỷ trọng 50%. Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất chiếm 14,4% và đối tượng là HS, SV mồ côi chiếm 0,4%. Số SV đang học ĐH được vay vốn chiếm tỷ lệ lớn nhất với 42,6%. Số HS học nghề dưới 1 năm đang chiếm tỷ lệ thấp nhất, chỉ đạt 0,5%.
Đánh giá về kết quả của chương trình tín dụng này, ông Nguyễn Văn Lý cho rằng đây là một chính sách lớn và đúng đắn. Sau hai năm triển khai, không có một HS, SV nào phải bỏ học vì không có tiền đi học.
Cho vay không đúng đối tượng
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian thực hiện chương trình tín dụng cho HS, SV cũng gặp một số khó khăn. Trong đó, đặc biệt vẫn còn hiện tượng số hộ vay không đúng đối tượng. Ông Nguyễn Văn Lý cho biết số hộ gia đình không đúng đối tượng đã vay vốn chương trình được phát hiện là 913 hộ với số tiền là 5,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã giảm so với năm 2007-2008. Số dư nợ cho vay sai đối tượng tính đến 31-12-2008 là 10 tỷ đồng. Những sai sót trên, theo ông Lý là do một số tổ tiết kiệm bình xét chưa đúng đối tượng được vay vốn; do UBND cấp xã một phần nể nang, cảm tình, một phần do nhận thức chưa đúng chính sách đã xác nhận chưa đúng đối tượng được hưởng thụ. Những hộ gia đình này đã dừng cho vay và thu hồi nợ. Ngân hàng Chính sách cũng đã kiểm điểm đối với 455 cán bộ tổ chức chính trị – xã hội và 130 cán bộ UBND cấp xã đã bình xét và xác nhận chưa đúng đối tượng.
Còn thiếu cái “bắt tay”
Sau hai năm triển khai chương trình tín dụng cho HS, SV đến nay, các trường đều nhận thấy, sự phối hợp thực hiện giữa ngân hàng – nhà trường – địa phương còn thiếu đồng bộ. Chưa có sự chủ động liên kết giữa 3 đơn vị đối với nguồn vốn cho vay. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, một số trường đã thống kê được số lượng HS, SV xác nhận nhưng chưa thống kê được chính xác số HS, SV được vay vốn do chưa có thông tin từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội. Đại diện ĐH Đà Nẵng cũng cho biết ngân hàng và nhà trường chưa có sự kết hợp đồng bộ, chưa thiết lập mối quan hệ thông tin qua lại lẫn nhau, chưa quy định chế độ báo cáo nên gặp khó khăn trong việc theo dõi HS, SV sử dụng vốn vay cũng như thu hồi nợ. Đây cũng là ý kiến phản hồi của rất nhiều trường ĐH, CĐ đang có SV được vay vốn.
Về công tác thu hồi nợ, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng hiện chưa có quy định cụ thể về việc quản lý cam kết trả nợ của HS, SV. Một bộ phận HS, SV có thu nhập thấp khi ra trường (nhất là TCCN, dạy nghề thường dưới 1 triệu đồng/tháng) thì việc trả nợ 800.000đ + lãi hàng tháng là khó khả thi. Nhất là những gia đình đã khó khăn về kinh tế, không có nguồn kinh phí khác hỗ trợ thì càng không có điều kiện trả nợ đúng hạn (diện đặc biệt khó khăn, mồ côi), do đó nhiều trường đề xuất không tính lãi trong thời gian học tại trường, giảm lãi, gia hạn trả nợ. Ngoài ra, ĐH Lao động – Xã hội còn đề nghị nâng mức vốn vay lên cao hơn (từ 1.000.000đ – 1.200.000đ/tháng và gia hạn hoàn trả vốn vay cho HS, SV sau khi tốt nghiệp ra trường dài hơn (có thể là từ 18 tháng đến 24 tháng).
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chương trình đã tiến hành được 2 năm nên đã có SV ra trường, cần phối hợp rà soát để chuẩn bị thu hồi vốn. Đối với các SV thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể cho phép lùi thời hạn trả nợ hoặc không tính lãi trong thời gian này. Các cơ quan cùng bàn bạc xử lý trượt giá. Trong năm học mới 2009-2010, sau khi cho vay học kỳ I xong, Phó thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra, rà soát luôn để xử lý ngay những trường hợp vi phạm.
Thiên Lam

 

Bình luận (0)