Nằm giữa những tầng mây trên đỉnh núi linh thiêng là hai ngôi chùa Phật giáo cổ. Để tới được đây, du khách phải leo bộ 8.888 bậc đá.
Trên đỉnh núi Phạm Tịnh (Fanjingshan) nơi cao nhất của dãy núi Vũ Lăng ở tây nam Trung Quốc là hai ngôi chùa Phật giáo cổ. Đây là một danh thắng rất khác biệt với hai ngôi chùa nhỏ xây trên đỉnh một chóp đá chẻ, nối với nhau bằng cây cầu hình vòm, nhìn hướng tới cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ.
Hai ngôi chùa Phật giáo cổ trên đỉnh núi linh thiêng
Với lịch sử hơn 500 năm được xây từng thời nhà Minh, làm thế nào để các Phật tử cách đây hàng trăm năm xoay xở vận chuyển những vật liệu cần thiết lên xây chùa, đến nay vẫn còn là câu hỏi bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Còn hai ngôi chùa chúng ta thấy ngày nay, gồm chùa Phật và chùa Di Lặc, được dựng lại theo đúng hình mẫu ban đầu, nhưng dùng vật liệu thay thế cứng hơn như ngói sắt để chống lại sức gió mạnh trên núi cao vào môi trường khắc nghiệt.
Chùa nằm ở độ cao hơn 2.330m như nằm lơ lửng giữa mây trời
Nằm ở độ cao khoảng 2.330 m so với mực nước biển, chùa Phật và chùa Di Lặc bị ngăn cách nhau bởi hẻm núi. Nhưng du khách có thể đi theo cầu đá để từ chùa này sang chùa bên kia.
Nhưng trước hết, để tới được chốn thiên đường này, du khách phải leo 8.888 bậc thang đá mất chừng 4 tiếng đi bộ mới đến chùa Phật nằm ở khu quần thể phía nam. Sau đó mới tiếp tục qua cầu tới chùa Di Lặc nằm ở phía bắc.
Để lên tới đỉnh cao nhất, du khách phải leo 8.888 bậc thang, mất chừng 4 tiếng
Suốt quá trình leo hàng nghìn bậc thang dọc theo vách đá, du khách có thể chiêm ngưỡng những dòng chữ khắc cổ từ triều đại nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1911). Qua đó, thể hiện sự tôn kính của người dân từ nhiều thế kỷ trước với ngọn núi linh thiêng này.
Cầu đá nối giữa chùa Phật nằm ở phía nam với chùa Di Lặc nằm ở phía bắc
Toàn bộ đỉnh Phạm Tịnh thuộc núi Vũ Lăng là ngọn núi thiêng trong Phật giáo. Các tài liệu lịch sử để lại cho thấy, đỉnh Phạm Tịnh xưa kia có rất nhiều ngôi chùa Phật giáo thời cổ đại, nhưng hầu hết những công trình này đã bị phá hủy trong thế kỷ 16. Ngày nay, ngọn núi này vẫn là nơi tọa lạc của khoảng 50 ngôi chùa Phật giáo khác nhau.
Kể từ năm 2018, UNESCO đã công nhận nơi này là Di sản Thế giới, với hai ngôi chùa có tầm quan trọng lớn trong Phật giáo, là nơi giác ngộ của Phật Di Lặc.
Do nằm ở độ cao bị cô lập trong nhiều năm nên đỉnh Phạm Tịnh sở hữu hệ sinh thái động thực vật rất phong phú. Thậm chí, một số loài có niên đại từ thời kỳ Đệ tam từ nhiều triệu năm trước.
Quốc Việt (theo dantri)
Bình luận (0)