Trong khi những người thân của bị cáo vội chạy đến vành móng ngựa để ôm đứa con tội lỗi thì người mẹ của bị hại ôm chặt tấm di ảnh của con bằng đôi bàn tay run rẩy mà khóc chẳng thành lời…
“Hành vi mà bị cáo Nguyễn Trọng Thọ đã gây ra cho cháu bé là không còn tính người. Đó không chỉ là nỗi đau tột cùng cho gia đình nạn nhân mà còn là nỗi đau cho cả cộng đồng. Xét thấy cần phải loại bỏ bị cáo khỏi đời sống xã hội để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, trả lại sự công bằng cho nạn nhân, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo mức án tử hình về tội giết người”.
Ngay khi vị Chủ tọa dứt lời, người mẹ của bị hại dường như ngất lịm trong phòng xử án. Chị đã tìm được công lý cho con nhưng chị cũng hiểu rằng, lúc này đây, người mẹ của bị cáo lại rơi vào trạng thái đau đớn tột cùng như chị nửa năm về trước khi biết tin con trai mình bị sát hại.
Trong khi những người thân của bị cáo vội chạy đến vành móng ngựa để ôm đứa con tội lỗi thì người mẹ của bị hại ôm chặt tấm di ảnh của con bằng đôi bàn tay run rẩy mà khóc chẳng thành lời. Nhìn lực lượng Cảnh sát áp giải bị cáo ra xe chở phạm, đôi mắt người mẹ ấy nhòa đi vì những giọt nước mắt đắng cay cho cả mình và cho cả người mẹ đau khổ của bị cáo.
Hai người mẹ – một nỗi niềm đau khổ
Phiên tòa xét xử vụ án giết người, cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản do bị cáo Nguyễn Trọng Thọ, 29 tuổi, trú tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra tại Tòa án thành phố Hà Nội vào một ngày cuối tháng 7 rất đông người tham dự.
Họ là người thân của bị cáo, người thân của bị hại và nhân dân đến để theo dõi vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng này.
Người mẹ của bị hại ngồi ngay ở hàng ghế đầu tiên trong phòng xét xử, nhưng vì thể trạng lúc này quá yếu nên chị phải dựa hoàn toàn vào những người thân ngồi kế bên. Vụ án xảy ra đã nửa năm nhưng với chị thì nỗi đau này sẽ chẳng bao giờ có thể nguôi ngoai. Đôi mắt đỏ hoe, chị ôm chặt di ảnh con vào lòng mà chẳng thể ngăn được những giọt nước mắt chảy hoài trên mặt.
Ngay trước mắt là kẻ tội đồ đã gây ra biết bao đau thương cho gia đình chị. Và có lẽ đến giờ chị vẫn không muốn tin vào sự thật rằng, người thanh niên đang đứng trước vành móng ngựa kia lại có thể hành xử tàn ác đến thế. Nhìn dáng chị ngồi không vững phải dựa vào người khác làm điểm tựa, tôi hiểu, phải gắng lắm chị mới đến dự được phiên tòa đòi công lý cho con trai mình.
Cháu Trần Thành Công là con thứ hai và cũng là con trai duy nhất của vợ chồng chị. Cháu hiền lành, học hành chăm chỉ và năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Hàng ngày, Công đi đến nơi về đến chốn, không xê dịch giờ giấc nên bố mẹ cháu rất yên tâm. Buổi chiều định mệnh xảy đến với bé trai 13 tuổi vào hôm thứ 6.
Thấy đã quá giờ mà con trai không về, bố mẹ cháu chạy khắp nơi tìm. Rồi bố mẹ cháu như ngồi trên đống lửa khi biết tin, Công được một thanh niên chở đi bằng chính xe đạp của cháu. Linh tính con trai gặp chuyện chẳng lành…
Khi người mẹ của nạn nhân đang rất đau đớn vì nghe kẻ sát nhân kể lại rành rọt đến mức ghê rợn về hành vi sát hại cháu bé để cướp tài sản và tống tiền gia đình mình thì ở phía bên kia, người mẹ của bị cáo cũng đang gắng để kiềm chế mọi cảm xúc trong lòng.
Chỉ đến khi nghe vị Chủ tọa tuyên án, mọi sự chịu đựng của chị mới vỡ òa trong đau đớn. Cái đau của chị không chỉ là việc đứa con trai tội lỗi của mình phải nhận bản án tử hình, mà là cái đau của người mẹ có đứa con phạm vào tội ác tày trời.
Kể từ khi Thọ sát hại cháu Công, gia đình chị đã phải đối diện với bao nhiêu đau khổ. Hàng xóm hỏi thăm, bạn bè chia sẻ, động viên nhưng là người mẹ nên chị hiểu tất cả những điều ấy chỉ là sự xoa dịu nỗi đau cho gia đình chị chứ không thể che giấu được một sự thật phũ phàng – chị là mẹ của kẻ giết người.
Mà nạn nhân là ai chứ? Một đứa trẻ học giỏi, hết mực ngoan ngoãn. Cháu đâu có lỗi gì và cả bao người thân yêu trong gia đình cháu cũng có lỗi gì với con trai chị. Vậy thì nguyên cớ làm sao mà con chị lại dùng thủ đoạn thâm độc đến thế để sát hại một đứa trẻ vô tội – niềm tin và sự kỳ vọng của cả gia đình.
Ban ngày cặm cụi đi làm, tối về chị chẳng muốn đi đâu và nói chuyện với ai. Mọi người thì có thể thông cảm cho chị. Nhưng chị lại cũng không đủ tự tin để nói chuyện với mọi người.
Cùng là những người phụ nữ đã từng trải qua thời kỳ mang nặng đẻ đau, bị hại và bị cáo đều là trụ cột của gia đình họ, nhưng một cháu đã chết, một đang phải đối diện với bản án có khung hình phạt cao nhất của tội giết người. Hai người mẹ có thể hiểu và chia sẻ với nhau, nhưng hiện giờ họ lại đang ở 2 phía đối diện. Kẻ gây ra tội ác sẽ phải đền tội. Nhưng “sự ra đi” của đứa con bất hiếu, bất nghĩa cũng chẳng thể giúp cho người mẹ đau khổ ấy và cả gia đình của chị tìm lại cảm giác bình yên như những năm nào. Nước mắt người mẹ của nạn nhân chảy tràn ra ngoài.
Còn nước mắt của người mẹ bị cáo lại chảy ngược vào trong, nước mắt khóc đứa con hư hỏng càng làm cho trái tim người mẹ đau buốt. Nỗi đau về thể xác còn nhanh lành chứ nỗi đau về tinh thần có lẽ còn theo chị mãi mãi.
Khi bị cáo tự đánh mất tuổi thơ
Nguyễn Trọng Thọ là con cả trong gia đình có ba anh em. Bố mẹ Thọ là những người nông dân lam lũ cả đời chỉ biết làm việc vì con cái. Thực ra thì trước khi gây ra tội ác tày trời cho cháu Trần Thành Công, 13 tuổi, ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội), Thọ cũng có nhiều tính tốt.
Dù được bố mẹ cho theo học bằng chúng bạn, nhưng hiểu rõ sự khó khăn trong cuộc sống gia đình nên chỉ theo học hết lớp 7, Thọ xin nghỉ học để đi làm thợ xây kiếm tiền phụ giúp các em và cha mẹ. Và rất có thể, do còn quá trẻ lại thiếu sự chăm sóc thường xuyên của gia đình, sống trong môi trường có nhiều cám dỗ nên Thọ không thể kiểm soát hết được hành vi của mình.
Vốn là dân lao động tự do nên chỗ nào thuê việc gì thì Thọ làm việc ấy nhưng Thọ lại nghiện chơi game. Công việc không ổn định, Thọ nợ nần tiền trọ triền miên. Sau khi lăn lộn với cuộc sống để kiếm tiền, vào một ngày cuối năm 2006, Thọ đến làm thuê tại xưởng cơ khí của gia đình anh Trần Văn Tám (cháu Công gọi bằng chú), nhưng chỉ làm việc được một thời gian ngắn thì Thọ xin nghỉ.
Muốn vào miền Nam chơi nhưng không có tiền nên Thọ đã nảy sinh ý định bắt cóc con ông chủ để tống tiền. Nhưng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, biết gia đình cháu Công có kinh tế khá hơn nên Thọ chuyển mục tiêu sang bắt cóc cháu Công.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Thọ đi xe buýt tới thị trấn Yên Viên, quanh quẩn ở trường học của cháu Công. Tan học, nhìn thấy cháu dắt xe đạp ra cổng, Thọ tới xin đi nhờ ra đê cầu Đuống.
Thấy người quen, cháu Công không chút nghi ngờ nên giao xe đạp cho Thọ chở. Thọ đưa cháu ra bãi ngô dưới chân cầu. Và khi trời xẩm tối, Thọ khống chế cháu Công rồi tấn công liên tiếp cho đến khi cháu bất tỉnh.
Nghĩ cháu đã chết nên Thọ lấy điện thoại di động của cháu Công với ý đồ đem bán lấy tiền. Trước khi rời khỏi hiện trường, Thọ đã vứt xác cháu Công xuống sông. Dù biết chắc chắn cháu Công đã chết nhưng sau đó, Thọ vẫn gọi điện thoại cho mẹ cháu đe dọa tống tiền với lý do “nếu muốn con chị sống thì phải đưa 350 triệu đồng”. Thọ yêu cầu gia đình cháu đem tiền đến điểm hẹn để đổi con.
3h sáng 10/1, nhìn thấy túi tiền của gia đình bị hại treo ở tường rào Công viên Ngọc Lâm đúng như cam kết, Thọ tiếp tục đánh lừa gia đình này khi bảo họ ra cầu Chui đón con về. Khi bàn tay của Thọ vừa chạm vào túi tiền thì bị lực lượng Công an bất ngờ bắt giữ. 10h sáng 10/1, xác của cháu Công đã được tìm thấy trên dòng sông…
Lúc này, có thể hai người mẹ đau khổ ấy chưa thể tâm sự và sẻ chia với nhau về nỗi đau chung. Nhưng chắc hẳn rằng trong sâu thẳm lòng mình, hai người mẹ cùng một nỗi niềm đau khổ sẽ động viên nhau gắng vượt qua mất mát để sống, để làm việc với cái tâm luôn hướng thiện.
Theo Nguyễn Phương Anh
Công an nhân dân
Bình luận (0)