Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

“Hai nhà” phải ngồi lại với nhau

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đại biểu tham dự buổi hội thảo bàn về vấn đề hợp tác đào tạo và sử dụng nhân lực trình độ cao, sáng 29-10 tại TPHCM. Ảnh: D.QUỐCSáng 29-10, Trung tâm Giáo dục và Hội nghị quốc tế FideS phối hợp với Báo Người Lao Động, NTrường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo bàn về vấn đề hợp tác đào tạo và sử dụng nhân lực trình độ cao. Những tồn tại, hạn chế của đào tạo nhân lực bậc ĐH trước nay, được “xới” trở lại ở hội thảo này.

May đo chứ không may sẵn

Trần Thị Hạnh, tốt nghiệp ĐH ngành kế toán – kiểm toán, ứng viên vừa đăng ký tìm việc tại Báo Người Lao Động, được ban tổ chức mời tham dự hội thảo này. Hạnh cho biết trong vòng 3 tháng kể từ lúc nhận bằng ĐH, đã gửi 10 hồ sơ tìm việc đến các doanh nghiệp (DN), nhưng đến đâu phỏng vấn cũng đều bị từ chối. Lý do: Thiếu kỹ năng thực hành chuyên môn. Hạnh phát biểu: “Dù rất ý thức đầu tư cho nghề nghiệp, phải tranh thủ làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, giao tiếp nhưng sinh viên chúng tôi không được tạo điều kiện để thực hành kỹ năng. Trong 4 năm học ĐH, chúng tôi chỉ được học lý thuyết và duy nhất có một buổi sinh hoạt ngoại khóa tại DN. Tiếng là sinh hoạt ngoại khóa nhưng đến đó cũng chỉ để nghe nhân viên DN giới thiệu về công ty mình”…

Phát biểu của cô sinh viên này ngay lập tức nhận được “phản hồi” của nhà đào tạo. PGS-TS Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội, “xin nhận khuyết điểm” và thừa nhận đào tạo bậc ĐH hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại. TS Lê Thị Thúy Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Loan Lê, đưa ra hàng loạt yếu kém phổ biến ở bậc đào tạo này, như chỉ chú trọng dạy kiến thức chứ không tăng cường dạy thực hành; phòng thí nghiệm, thư viện… không đáp ứng được yêu cầu học tập của sinh viên. Ngoài ra, thiếu hẳn hoạt động ngoại khóa, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành. Thế nên, một người học kế toán, báo cáo thuế nhưng vào DN không biết làm sổ sách; kỹ sư công nghệ thông tin lóng ngóng khi tiếp cận với những vấn đề kỹ thuật,…

Các đại biểu cho rằng giữa đào tạo và sử dụng nhân lực bậc ĐH hiện nay vẫn còn một khoảng cách quá lớn. Ông Đỗ Hoàng Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Fideco, cho rằng càng phát triển càng bế tắc về nhân sự. Theo TS Lê Thị Thúy Loan, nhà trường không thể đào tạo cái mình đang có, phải dạy theo kiểu may đo chứ không may sẵn. Hay nói cách khác, không chỉ cung cấp cho sinh viên manh vải đẹp cắt sẵn, mà phải cho kim, chỉ thì mới giúp họ may thành cái áo.

Nên trường hóa DN

Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh, đồng Giám đốc Trung tâm FideS (giữa), ký thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao với đại diện hai trường Westfield State College và Trinity College của Mỹ tại hội thảo. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng phải nhận ra những cái chưa chuẩn trong đào tạo, sử dụng lao động để thay đổi cho phù hợp. Việc liên kết bằng các dự án hợp tác giữa “hai nhà” đào tạo và DN là rất cần thiết. Trên thực tế, đã và đang có nhiều DN chủ động hơn trong việc tìm đến các trường ĐH và ngược lại, bằng nhiều hình thức hợp tác khác nhau. Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhìn nhận các hoạt động liên kết đào tạo nhân lực bậc ĐH tại VN vẫn chủ yếu là liên kết phần ngọn, mang tính ngắn hạn, nhỏ lẻ. Bản thân các trường và DN chưa “thân thiện”, chưa thấy được lợi ích của sự hợp tác và rất lúng túng trong việc xác định nội dung và cơ chế hợp tác.

Theo GS Augustine Hà Tôn Vinh, Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục và Đào tạo Stellar Management, VN nên học hỏi, chọn lọc các mô hình hợp tác liên kết đào tạo từ các quốc gia có nền giáo dục ĐH tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ireland… Các trường ĐH ở những nước này đều hợp tác rất tích cực với DN trong việc chuyển giao công nghệ, cơ sở vật chất, triển khai các dự án hợp tác chuyên ngành, thành lập các trung tâm nghiên cứu để tạo điều kiện cho sinh viên vào học tập, nghiên cứu và phát huy sáng tạo, sáng kiến. Sinh viên hoặc nghiên cứu sinh sau khi mãn khóa đều đáp ứng yêu cầu hoặc trở thành những nhà quản lý, chuyên gia giỏi.

Mô hình “trường hóa DN” thông qua các dự án hợp tác của Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội giới thiệu tại hội thảo lần này được xem như giải pháp tốt để tham khảo. Mới đây, trường ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Vinasin xây dựng mô hình hợp tác mẫu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội DN TP Hà Nội thành lập công ty cổ phần tư vấn và đào tạo lãnh đạo DN và trung tâm nghiên cứu kinh tế phát triển. 12 tập đoàn, DN lớn đang hợp tác với trường này để đẩy mạnh hợp tác như thế.

Ông Đỗ Hoàng Hải cho rằng không thể ngồi yên mà có nguồn nhân lực cho mình. Việc Fideco hợp tác với Tổ hợp Giáo dục và Đào tạo Stellar Management thành lập Trung tâm Giáo dục FideS cũng vì sự sống còn của mình.

NGUYỄN DUY (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)