Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Hai nữ sinh dành bảy tháng vẽ truyện tranh lịch sử về Gạc Ma

Tạp Chí Giáo Dục

Bằng tình yêu lịch sử, hai nữ sinh ở Quảng Trị đã dành 7 tháng để hoàn thành bộ truyện tranh lịch sử “Gạc Ma và những người anh hùng”.

Những bức vẽ đầy cảm xúc, những câu chuyện chiến đấu sinh tử, tình đồng đội, đồng chí và cả những cảm xúc của người lính xung quanh trận hải chiến Gạc Ma – Ảnh: DOÃN HÒA

Tác giả bộ truyện tranh lịch sử đặc biệt "Gạc Ma và những người anh hùng" là Nguyễn Diệu Huyền và Mai Ngọc Như – học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Đông Hà (Quảng Trị).

Vẽ truyện tranh về Gạc Ma

Hai nữ sinh dành bảy tháng vẽ truyện tranh lịch sử về Gạc Ma - Ảnh 2.

Hai bạn Diệu Huyền, Ngọc Như và cô giáo Ước bên bộ truyện tranh lịch sử "Gạc ma và những người anh hùng" – Ảnh: DOÃN HÒA

Dù chỉ có 31 trang, cuốn truyện tranh này đã truyền tải chân thực, sinh động về cuộc chiến giữ đảo của những người con ưu tú, quả cảm của Việt Nam trong sự kiện hải chiến Gạc Ma 30 năm trước.

Nói về ý tưởng vẽ cuốn truyện tranh này, Diệu Huyền cho biết: "Lâu nay, nhiều học sinh ngán môn Lịch sử vì những sự kiện và con số khô khan trong sách vở. Chúng em muốn làm những cuốn sách lịch sử bằng truyện tranh để học sinh tiếp cận lịch sử dễ dàng, giảm bớt sự nặng nề, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào với lịch sử dân tộc".

"Chúng em được biết trận hải chiến Gạc Ma vào ngày 14-3-1988 có 64 người con đất Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ đảo, khi tuổi đời còn rất trẻ. Đây là sự kiện bi hùng trong lịch sử dân tộc không thể lãng quên, nhất là các bạn trẻ. Vì vậy, em quyết định chuyển thể câu chuyện bi tráng giữ đảo của những chiến sĩ Gạc Ma năm xưa thành truyện tranh", Diệu Huyền tâm sự.

Ý tưởng này của Huyền được bạn Ngọc Như và cô Trần Thị Thanh Ước ủng hộ nhiệt tình. Để thực hiện dự án này, ngoài việc thu thập tư liệu từ sách báo, Internet, hai bạn còn tìm gặp nhiều nhân chứng "sống" tham gia trận chiến Gạc Ma ở thành phố Đông Hà, trong đó có cựu chiến binh Trần Thiên Phụng.

Hai nữ sinh dành bảy tháng vẽ truyện tranh lịch sử về Gạc Ma - Ảnh 3.

Dự án giáo dục tình yêu biển đảo qua truyện tranh được hai bạn Diệu Huyền, Ngọc Như thể hiện bằng truyện tranh – Ảnh: DOÃN HÒA

"Biết chúng em thực hiện đề tài về trận hải chiến Gạc Ma, bác Phụng mừng lắm, điện thoại cho các đồng đội Gạc Ma của mình ở TP Đông Hà, Quảng Trị, và mời các bác ấy đến nhà để cung cấp thêm cho chúng em tư liệu. Được trực tiếp nghe các bác kể về thời khắc bi tráng đó, chúng em rất xúc động và tự hào", bạn Ngọc Như nhớ lại.

Khi "kho" tư liệu đã được sưu tầm, thẩm định, hai nữ sinh bắt tay vào chuyển thể thành truyện tranh, trong đó Huyền phụ trách về việc lên ý tưởng, sắp đặt kết cấu câu chuyện, còn Như đảm nhận việc vẽ tranh.

"Em chưa từng ra đến Trường Sa, chưa từng đặt chân đến đảo Gạc Ma nên phải tìm các tư liệu hình ảnh về sự kiện này và tưởng tượng ra bối cảnh để vẽ. Em lựa chọn phong cách truyện tranh manga – một thể loại truyện tranh khá quen thuộc với học sinh để thể hiện, phong cách hiện đại và màu sắc tươi sáng", Ngọc Như chia sẻ.

Từ khi lên ý tưởng, nội dung, vẽ phác thảo, tô màu, hai nữ sinh mất 7 tháng mới hoàn thành dự án truyện tranh hóa sự kiện lịch sử này.

"Tượng đài" giáo dục lòng yêu nước

31 trang truyện được tái hiện hết sức chân thật, gần gũi và sinh động là những bức vẽ đầy cảm xúc, những câu chuyện chiến đấu sinh tử, tình đồng đội, đồng chí và cả những cảm xúc của người lính xung quanh trận hải chiếndiễn ra vào 30 năm trước.

Giáo viên hướng dẫn hai bạn làm truyện tranh cô Trần Thị Thanh Ước không phải là cô giáo dạy Lịch sử hay Ngữ văn, mà cô giáo môn Sinh học.

"Dù không thuộc lĩnh vực mà tôi giảng dạy,  bản thân tôi cũng là người yêu thích, đam mê lịch sử. Ý tưởng của 2 em khiến tôi rất hứng thú nên tôi nhận nhiệm vụ hỗ trợ hai em thực hiện dự án này. Cuốn sách nhận được sự quan tâm và hưởng ứng với đông đảo học sinh trong trường", cô Ước nói.

Trong thư của cựu chiến binh Trần Thiên Phụng gửi hai nữ sinh có đoạn: "Các cháu đã làm được những điều thật quý báu. Bấy lâu, chúng ta chỉ nghe kể hoặc đọc những thông tin trên báo đài. Bác cũng lo, không biết thế hệ trẻ sau này có biết về trận chiến Gạc Ma năm 1988 không.

Nhưng bác tin, nếu tập truyện rất sinh động này  đến với các bạn nhỏ, tuổi trẻ như các cháu sẽ biết nhiều hơn, rõ hơn về sự hi sinh, mất mát của cha ông trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung. Vậy là 30 năm trôi qua, những người đồng chí, đồng đội của bác đã được các cháu xây một tượng đài rất đẹp".

Dự án Giáo dục tình yêu biển đảo qua việc sáng tạo ra truyện tranh "Gạc Ma và những người anh hùng" của hai nữ sinh Quảng Trị vượt qua nhiều dự án của học sinh 34 tỉnh thành ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc xuất sắc đoạt giải nhì.

"Nếu có cơ hội phát hành rộng rãi cuốn truyện này, chúng em sẽ tiếp tục điều chỉnh để hấp dẫn hơn. Em hi vọng, với cách thể hiện này, các bạn nhỏ sẽ đón nhận để hiểu hơn về sự kiện hải chiến Gạc Ma, để thấy rõ hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", Diệu Huyền chia sẻ.

Hai nữ sinh dành bảy tháng vẽ truyện tranh lịch sử về Gạc Ma - Ảnh 4.

Bức tranh miêu tả lại cảnh sự hi sinh anh dũng của binh nhất Nguyễn Văn Lanh khi bảo vệ đảo Gạc Ma – Ảnh: DOÃN HÒA

Hai nữ sinh dành bảy tháng vẽ truyện tranh lịch sử về Gạc Ma - Ảnh 5.

Các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc – Ảnh: DOÃN HÒA

Hai nữ sinh dành bảy tháng vẽ truyện tranh lịch sử về Gạc Ma - Ảnh 6.

Bức tranh cuối cùng trong cuốn truyện tranh lịch sử "Gạc ma và những người anh hùng" – Ảnh: DOÃN HÒA

Hai nữ sinh dành bảy tháng vẽ truyện tranh lịch sử về Gạc Ma - Ảnh 7.

Chia sẻ của cựu chiến binh Trần Thiên Phụng – nhân chứng về trận hải chiến Gạc Ma về cuốn truyện tranh của hai nữ sinh – Ảnh: DOÃN HÒA

DOÃN HÒA/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)