Với mong muốn giúp các bạn học sinh rèn luyện được kỹ năng sống, mạnh dạn hơn trong giao tiếp để góp phần giới thiệu nét đẹp, văn hóa, du lịch của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, hai nữ sinh Lê Ngọc Thảo Nguyên và Nguyễn Gia Nhi (lớp 9A4, Trường THCS Chu Văn An, Q.1) đã cùng nhau thực hiện dự án “Mỗi học sinh là một đại sứ du lịch”.
Nhi, Nguyên (hàng đầu, từ phải sang) cùng các bạn trong lớp chụp hình lưu niệm với các nhân viên Bưu điện TP.HCM trong một chuyến đến thăm nơi này
Cần tự tin, bản lĩnh
Cùng trang lứa nhưng một số bạn lại rất tự tin, bản lĩnh, mạnh dạn trong giao tiếp trong khi đó một số bạn lại rụt rè, sợ sệt, ngại giao tiếp. Thậm chí các bạn diễn đạt còn ngập ngừng, không trôi chảy cho dù chỉ là đang nói chuyện với bạn bè trong lớp. “TP.HCM của mình có nhiều địa điểm thu hút khách du lịch như: phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Bùi Viện, Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà… nhưng nếu các bạn đều thiếu tự tin, ngại giao tiếp như vậy thì làm sao chúng ta có thể tự khẳng định mình? Làm sao để giới thiệu những vẻ đẹp của địa phương mình đến với khách du lịch? Làm sao để những tiềm năng của đất nước mình bay cao, bay xa hơn nữa để sánh vai với các cường quốc năm châu?” – Nguyên và Nhi trăn trở.
Biến trăn trở thành hành động, cuối năm 2019, Nguyên và Nhi đã bắt tay thực hiện dự án “Mỗi học sinh là một đại sứ du lịch” nhằm giúp chính bản thân mình cũng như các bạn học sinh cùng trang lứa tự tin, mạnh mẽ hơn để khẳng định chính mình. Để đưa ra những giải pháp khả thi, mang lại hiệu quả cao, Nguyên và Nhi đã mất một khoảng thời gian để đi tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số bạn e dè, sợ sệt, ngại giao tiếp với người lạ. Cuối cùng hai cô gái nhận thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các bạn học sinh chưa biết áp dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, việc trang bị kỹ năng cho bản thân còn chưa tốt. Và đặc biệt các bạn không xác định được mình đã có những kỹ năng nào, lúng túng và bỏ qua câu hỏi xác định kỹ năng của bản thân. Việc này không chỉ khiến các bạn dễ sa vào lối sống buông thả, hư hỏng; ứng xử thiếu văn hóa; ảnh hưởng đến tương lai mà còn không giúp ích được gì cho đất nước, nhất là trong thời kỳ đất nước đang tiến gần với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi chúng ta cần có kỹ năng. “Để khắc phục tình trạng này, mình phải tạo điều kiện cho các bạn có cơ hội dấn thân vào thực tế, được trải nghiệm thực tế, thấy được những thú vị của nghề du lịch. Để sau này dù không làm việc trong ngành này nhưng ít nhiều thì bản thân các bạn cũng có thể tự tin giới thiệu với bạn bè hoặc những người xung quanh biết về quê hương, xứ sở của mình” – Nguyên phân trần.
Đóng góp phát triển du lịch
Dự án “Mỗi học sinh là một đại sứ du lịch” của Nguyên và Nhi được đầu tư công phu, kỹ lưỡng. Ở đó các bạn được thoát ra khỏi lớp học để bước vào một môi trường mới với công việc làm du lịch. Tham gia dự án này, các bạn chia thành từng nhóm, sau đó những địa điểm du lịch đặc trưng về văn hóa, lịch sử mà mình thích tại TP.HCM để giới thiệu cho các nhóm khác nghe. Mỗi thành viên trong nhóm được phân một nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. “Ở lứa tuổi THCS bất kỳ bạn học sinh nào cũng muốn bản thân trở nên đặc biệt, cũng muốn được mọi người lắng nghe… nên khi trở thành “đại sứ du lịch” dù chỉ là cấp lớp, cấp trường cũng đủ khiến các bạn tự tin hơn, và yêu thích hơn việc rèn luyện thêm kỹ năng sống. Để từ đó các bạn có thể giới thiệu rộng rãi hơn nữa đến với du khách” – Nguyên nói thêm.
Hai nữ sinh cho rằng, để ngành du lịch phát triển, ngoài cơ quan chức năng, người dân thì học sinh cũng là một thành phần không kém phần quan trọng. Khi đi ngoài đường, có một ai đó hỏi tên đường hoặc nhớ chỉ vào một quán ăn ngon có đặc sản của địa phương mình hay nhờ giới thiệu đến một địa điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Nếu chúng ta có kỹ năng và tự tin để giới thiệu cho họ thì chúng ta cũng đã góp phần phát triển du lịch TP. Tuy nhiên để làm được việc này thì ngoài việc học, các bạn cũng cần có thời gian để trải nghiệm, tìm hiểu địa phương mà mình sinh sống xem có gì nổi bật. Đó có thể là phong tục, tập quán đã lưu truyền qua nhiều thế hệ, là địa điểm du lịch nổi tiếng hay là những đặc sản đang có ở nơi ta sống… “Chúng ta hãy nghĩ cá nhân mình cũng có thể là một hướng dẫn viên du lịch hay “đại sứ” du lịch và có thể quảng bá đến bất cứ đâu” – Nhi khuyên các bạn.
Cô Trần Lê Ngọc Trang (giáo viên hướng dẫn dự án) cho biết, dự án của các em là một dự án nhỏ, tự tổ chức giữa các thành viên trong lớp. Nhưng cũng từ dự án này, nhiều học sinh đã rèn luyện được kỹ năng hơn trong quá trình thực hiện dự án. Các thành viên gắn kết với nhau hơn, chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau. “Tuy chưa có nhiều thời gian đầu tư nhưng cơ bản các em đã thay đổi được thói quen, rèn được thêm cho chính những người bạn của các em những kỹ năng cần thiết. Hy vọng rằng Nguyên và Nhi sẽ có cơ hội để phát triển dự án để hỗ trợ các bạn vừa học vừa rèn kỹ năng hơn nữa” – cô Trang kỳ vọng.
Thúy Kiều
Bình luận (0)