Hai nước thành viên NATO là Hy Lạp và Đức giải thích lý do không cung cấp thêm vũ khí cho Ukraina.
Binh sĩ Hy Lạp.
Hy Lạp ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraina
Hy Lạp tuyên bố sẽ không gửi thêm bất kỳ vũ khí nào đến Ukraina vì Athens không còn vũ khí dự phòng và cũng không thể làm suy yếu hệ thống phòng thủ của mình. Hy Lạp là một trong số các quốc gia đã trang bị vũ khí cho Kiev sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công Ukraina hồi tháng 2.
“Các thiết bị quốc phòng mà chúng ta gửi cho Ukraina là lấy từ kho dự trữ của chúng ta. Chúng ta sẽ không cung cấp thêm nữa" – RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nikolaos Panagiotopoulos phát biểu trước Quốc hội Hy Lạp hôm 13.4. “Chúng ta không thể làm suy yếu bất kỳ bộ phận phòng thủ nào của quốc gia, đặc biệt là trên các hòn đảo, bằng cách lấy một phần vũ khí và gửi cho Ukraina. Tôi muốn làm rõ điều này” – ông Panagiotopoulos nói thêm.
Hy Lạp đã cung cấp cho Ukraina bệ phóng tên lửa di động, súng trường Kalashnikov và đạn dược. Tuy nhiên, Athens từ chối yêu cầu của Washington về việc chuyển giao các vũ khí nặng hơn do Liên Xô sản xuất, như hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 và Osa-AK, truyền thông địa phương đưa tin.
Các nước phương Tây ngày càng cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraina, từ xe tăng, xe thiết giáp chở quân cho đến hệ thống tên lửa. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên NATO đều đồng ý vũ trang cho Kiev. Hungary từ chối gửi bất kỳ vũ khí nào, cho rằng việc bị lôi kéo vào cuộc xung đột Nga-Ukraina không có lợi cho đất nước.
Đức không gửi thêm vũ khí cho Ukraina
Trong khi đó, Đức ban đầu hỗ trợ vũ khí cho Ukraina, nhưng gần đây đã dừng nguồn cung này. Đức làm “mọi thứ” để hỗ trợ Ukraina nhưng điều đó không có nghĩa là cung cấp bất kỳ vũ khí nào mà đất nước này có trong kho dự trữ tới Kiev – bà Eva Hoegl, thành viên ủy ban quân vụ Quốc hội Đức nói với tờ Handelsblatt hôm 13.4.
Bà Hoegl tin rằng Berlin đã làm “nhiều hơn những gì được đề xuất trong cuộc tranh luận công khai” khi nói đến viện trợ quân sự cho Ukraina. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Berlin nên tự do cho đi bất cứ thứ gì mình có vì điều đó sẽ vô nghĩa, bà Hoegl lập luận.
Xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức.
Để đưa ra các quyết định “có trách nhiệm”, các nhà chức trách Đức trước tiên phải xem xét những gì Ukraina có thể sử dụng một cách hiệu quả. “Chúng ta không thể chỉ giao mọi thứ mà một công ty Đức có ở sân sau của mình như những chiếc xe chiến đấu bộ binh Marder 50 năm tuổi” – bà Hoegl giải thích và nói thêm rằng bà tin chính phủ và Hội đồng An ninh Liên bang sẽ tìm hiểu tất cả các phương án hợp lý có thể.
Khi được hỏi liệu các thành viên NATO có nên cung cấp cho Ukraina các thiết bị hạng nặng hiện đại của phương Tây thay vì các khí tài quân sự từ thời Liên Xô có nguy cơ cạn kiệt phụ tùng thay thế hay không, bà Hoegl trả lời rằng việc đó không phụ thuộc vào Berlin. “Tôi không tin vào những nỗ lực đơn lẻ của các quốc gia. NATO và EU chắc chắn phải suy nghĩ về điều đó” – bà Hoegl nói.
Trước đó, hôm 13.4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với đài phát thanh RBB rằng Berlin đã làm đủ để hỗ trợ Kiev, nhưng Đức sẽ không gửi thêm bất kỳ vũ khí nào đến Ukraina nữa.
Trong khi đó, bà Hoegl thừa nhận rằng Lực lượng Vũ trang Đức – Bundeswehr – đã không giải quyết được các vấn đề thiếu hụt thiết bị quân sự và vật tư. “Tôi tin rằng thật tai tiếng khi 184.000 binh sĩ Đức không có mọi thứ họ cần về trang thiết bị cá nhân. Giờ đây mọi người đã rõ rằng Bundeswehr chưa hoạt động đầy đủ và cần trang thiết bị quân sự, nhân sự và cơ sở hạ tầng” – bà Hoegl nói với tờ Handelsblatt.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht (giữa) đứng cạnh xe chiến đấu bộ binh Puma, ở Munster, Đức, ngày 7.2.2022.
Theo bà Hoegl, những người lính làm nhiệm vụ ở Mali và Afghanistan trong vài năm qua thậm chí đôi khi bị thiếu áo bảo hộ. Các đơn vị khác nhau cũng phải chia sẻ một số thiết bị để có thể đào tạo. Không nên để xảy ra tình huống “các đơn vị phải dừng hoạt động của họ để cung cấp thiết bị cho đơn vị khác. Điều này cần phải thay đổi” – bà nói.
Theo bà Hoegl, chỉ có 77% thiết bị quân sự hạng nặng của Lực lượng vũ trang Đức ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, và do đó mức độ sẵn sàng chiến đấu thấp hơn đáng kể.
Bà Hoegl hoan nghênh quyết định của Berlin trong việc tăng cường ngân sách quốc phòng thông qua quỹ đặc biệt một lần trị giá 100 tỉ euro (108 tỉ USD) sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina. Bà tin rằng chỉ phân bổ tiền là không đủ và các thủ tục mua sắm quân sự cũng phải thay đổi.
Lực lượng vũ trang Đức đã phải vật lộn với tình trạng thiếu trang thiết bị trong nhiều năm nay. Năm 2020, có thông tin cho rằng quân đội thiếu xe chiến đấu bộ binh đến mức một số binh sĩ phải sử dụng ô tô trong các cuộc tập trận. Vào năm 2019, Tham mưu trưởng quân đội Đức Eberhard Zorn thừa nhận rằng quân đội sẽ không được trang bị đầy đủ cho chiến đấu cho đến khoảng năm 2031.
NN (theo laodong)
Bình luận (0)