Ai chưa xem Boyhood (Thời niên thiếu) có thể hoài nghi, xem rồi thì chắc mẩm không thoát đi đâu giải Quả cầu vàng. Phim The grand budapest hotel (Khách sạn đế vương) không ngoại lệ. Một phim chân thực sống động, một phim giàu tưởng tượng, đều khoe được sức sáng tạo kinh ngạc.
Poster giản dị của “Thời niên thiếu”.
Boyhood – thật như đời
Câu chuyện của Boyhood không làm khó khán giả, đơn giản là hành trình dậy thì, trưởng thành từ một cậu bé Mason 6 tuổi, cùng bà mẹ ly hôn cô độc Olivia. Sự độc đáo lại thuộc về cách làm phim của Richard Linklater. Trong vòng 12 năm, mỗi năm anh chỉ quay trong vài ngày. Cậu bé vừa chành chọe với cô chị Samantha, thoắt cái đã thấy cậu nhóc tuổi teen biết để ý bạn gái. Vừa thấy một Mason tóc dài, rồi bị bố dượng lôi ra húi trọc, xấu hổ đòi nghỉ học, lại thấy một cậu bé dậy thì hiện rõ trên gương mặt nhiều trứng cá, giọng nói ồm ồm. Sự chuyển cảnh lạ thay không bị khớp, cứ nhịp nhàng là
cuộc sống.
cuộc sống.
Ở nhiều cuộc giao lưu với các đạo diễn, hầu như khán giả nào cũng đòi hãy chỉ ra thông điệp. Thì đây, Boyhood mang đến cho người xem ngồn ngộn bài học, những giá trị không hề làm ra vẻ. Hôn nhân đổ vỡ trong cuộc sống hiện đại chẳng lạ, nhưng cách các nhân vật đứng lên để tiếp tục cuộc sống mới đáng kể. Ngoài bài học lớn, những bài học nho nhỏ trong phim mang lại cảm giác dễ chịu. Hãy nhìn ông bố do Ethan Hawke thủ diễn, rất nghiêm túc và hài hước dạy con về tình dục an toàn.
Ban đầu, hai đứa trẻ Ellar Coltrane, Lorelei Linklater còn ngượng ngập, sau trở lại đúng bản chất hồn nhiên, khiến phim đi đúng mạch dung dị. Thêm một yếu tố, phim quay bằng phim nhựa 35mm càng tăng thêm chất tài liệu, chân thực. 12 năm cô đặc trong bộ phim gần ba tiếng, cho khán giả thấy sự thay đổi về văn hóa, xã hội nước Mỹ, từ thời điện thoại cầm tay cục gạch tới thế hệ thông minh, từ trò chơi điện tử cũ sang Xbox, cả không khí sôi sục vận động tranh cử giữa McCain và Obama, thậm chí cả hậu quả của thời khủng hoảng, thất nghiệp.
Patricia Arquette nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho sự nhập vai bà mẹ ly hôn, quyết chuyển nhà để học nốt đại học, đạt ước mơ có công việc hòng dễ dàng nuôi hai đứa con nhỏ. Trải thêm hai cuộc hôn nhân với hai ông chồng lộ rõ bản chất vũ phu, say xỉn, cuối cùng người mẹ trở về cô đơn sau ba lần chuyển nhà, con cái cuối cùng đủ sức bay nhảy. Hình ảnh bà mẹ bật khóc đầy bất lực khi ngoảnh lại, cả cuộc đời nỗ lực chỉ nhận lại cô đơn-một trong những khoảnh khắc thực sự cảm động.
Thế giới đầy màu sắc, kịch tính của Wes Anderson
The grand Budapest hotel (Khách sạn đế vương) vượt phim được đánh giá cao Birdman, lên ngôi ở hạng mục phim hài/âm nhạc xuất sắc. Chất hài hước đạo diễn Wes Anderson thể hiện qua thế giới tưởng tượng về quốc gia cũng không có thực nốt- cộng hòa Zubrowka ở biên giới cực đông của châu Âu. Nơi đây có một khách sạn lộng lẫy tên Grand Budapest, nơi lui tới của những con người giàu có, tầng lớp thượng lưu, một người quản lý tên Gustave H, rồi cậu chạy việc ngoài sảnh khách sạn nhập cư Zero Moustafa. Ông Gustave H. có những mối quan hệ bí ẩn với những người phụ nữ giàu có lớn tuổi, sau trở thành người thừa kế bức tranh nổi tiếng Cậu bé và quả táo do quý bà D để lại. Từ đây, ông ta rơi vào cái bẫy trở thành kẻ sát nhân mà gia đình bà D giăng ra, trải qua những tình huống hồi hộp, bên cạnh câu chuyện tình đẹp của Zero với cô thợ làm bánh Agatha.
Ít phút đầu tưởng là phim tâm lý, lập tức chuyển mạch sang hài hước. Chất hài hước thuần túy, không khoa trương, tự toát lên qua bối cảnh, con người với những lời thoại, hành động lập dị có mức độ. Khung hình rực rỡ sắc màu khiến thế giới tưởng tượng của đạo diễn thực phong phú. Không đơn thuần như Vương quốc trăng lên, Khách sạn đế vương lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Stefan Zweig, mang nhiều tầng ý nghĩa hơn. Thế giới tưởng tượng được vẽ lên lớp lang qua sự hoán đổi giọng kể chuyện, là nhà văn già kể lại khi còn là nhà văn trẻ có dịp đặt chân đến Grand Budapest, góc nhìn của nhà văn trẻ và giọng kể chuyện của Zero Moustafa về quá khứ vàng son của Grand Budapest.
Đằng sau thế giới tưởng tượng về cộng hòa Zubrowka, chính là thế giới châu Âu xưa kia, ít nhiều tan biến sau khi bị kẹt trong hai cuộc thế chiến, với sự chiếm đóng của quân phát xít. Sau những sáng tạo tưởng tượng là những sự kiện lịch sử có thật, được miêu tả có chút phóng đại, tưng tửng qua những thăng trầm của khách sạn lừng danh, đẹp như tranh Grand Budapest.
Nhiều nhà phê bình coi Grand Budapest hotel là kiệt tác của Wes Anderson, không chỉ thể hiện đặc trưng trong phong cách làm phim, màu sắc táo bạo, mà còn về những ẩn ý nằm trong mỗi câu chuyện, lời thoại. Phần cuối phim ngả theo không khí u ám, hệt như sự vắng tanh, xuống cấp của khách sạn tráng lệ. Rõ ràng đạo diễn tiếc nuối thế giới đã mất gửi gắm cả vào nhân vật Gustave H-cố gắng níu giữ thế giới mơ mộng, mà như lời Zero Moustafa cho rằng có lẽ thế giới ấy “biến mất trước khi ông ấy bước vào”.
Theo TPO
Bình luận (0)