Một nguồn tin từ Công an TP Hải Phòng cũng cho biết, chỉ riêng tại xã An Hòa, huyện An Dương, TP Hải Phòng cũng có tới 300 doanh nghiệp có dấu hiệu “ma”.
Viết đơn từ chức sau 10 ngày làm giám đốc
“Kính gửi giám đốc – Đồng kính gửi các phòng ban thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hải Phòng. Tên tôi là Nguyễn Văn Th SN 9/6/1958. H.khẩu thường trú tại An Tiến, An Lão, Hải Phòng. Nghề nghiệp: làm xe ôm tại thị trấn An Lão…”.
Đây là nguyên văn mở đầu lá thư “đề nghị thôi làm giám đốc” một công ty “ma” mà Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) Hải Phòng còn lưu giữ.
Theo tường trình của ông Th, ngày 7/4/2008, ông nhận được lời đề nghị hấp dẫn sau một cuốc xe với một phụ nữ khoảng 51 tuổi: Chỉ cần cho mượn chứng minh thư và sổ hộ khẩu vài ngày, sau đó sẽ làm giám đốc một công ty, được hưởng lương mỗi tháng một triệu đồng.
Ông Th gật đầu. 4 ngày sau, ông theo người phụ nữ nọ lên Sở KHĐT đưa các giấy tờ đã giao kèo cho người phụ nữ đồng thời ký tên vào nhiều văn bản. Ông chính thức trở thành giám đốc một doanh nghiệp và chỉ 10 ngày sau có lá đơn từ chức được ông Th.
Đây chỉ một trong rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt được chúng tôi ghi nhận trong chuyến thực tế tại TP Hải Phòng. Không khó để nhận ra, địa điểm “đắc địa” mà các doanh nghiệp ma thường chọn là những quận huyện ngoại thành.
Những người đứng ra làm giám đốc “ma” chỉ là những nông dân chân chất và có phần …hám lợi. Các doanh nghiệp đăng ký một nơi nhưng kinh doanh một nẻo, một số được lập ra với mục đích mua bán hóa đơn giá trị gia tăng và́ tuổi thọ chỉ kéo dài vài tháng, thậm chí vài tuần rồi biến mất.
Thế nên mới có chuyện, ngay tại phòng đăng ký kinh doanh của Sở KHĐT có trường hợp, giám đốc ký tên tới 4 lần mà không chữ kỹ nào giống nhau. Cũng không hiếm những trường hợp lâm trọng bệnh, dù sự sống như “chỉ mành treo chuông” nhưng vẫn được dựng dậy để làm thủ tục lập doanh nghiệp!
Xã An Hoà, huyện An Dương, TP Hải Phòng thời gian gần đây bỗng trở nên nổi tiếng bởi số lượng giám đốc “nông dân” cứ tăng theo cấp số nhân. Khá vất vả, chúng tôi mới tìm được đến nhà giám đốc Lê Văn Vẩy.
Mới vào đến ngõ, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình trước cơ ngơi của giám đốc một công ty có vốn điều lệ hàng chục tỷ đồng chỉ là căn nhà hai gian khá ọp ẹp, rộng chừng 10m2, phòng khách cũng đồng thời là phòng ngủ.
Theo từng tiếng nhát gừng, mệt mỏi của anh Vẩy, chúng tôi được biết anh Vẩy chỉ làm nghề nuôi chim cảnh tại nhà để sinh sống. Một buổi chiều cách đây chừng hơn một năm, một nhóm người tìm đến nhà anh hỏi mua chim, thấy tình cảnh của Vẩy, họ chỉ dẫn cách làm ăn.
“Ban đầu, họ hứa sẽ giúp tôi một khoản tiền để làm giám đốc doanh nghiệp. Họ hỏi chứng minh thư, hộ khẩu, tôi nói có. Họ mượn mang đi đâu một tháng rồi trả lại, trả luôn cả tiền lương…”, anh Vẩy cho biết.
Cũng theo lời anh Vẩy, thời điểm đó cả làng của anh đã có rất nhiều người làm giám đốc theo kiểu “từ trên trời rơi xuống” như anh. Chỉ cần có chứng minh thư và hộ khẩu trong tay, họ đều đặn nhận được từ 1 đến 2 triệu đồng mỗi tháng tiền công làm “giám đốc”.
Vì đâu nên nỗi?
Trong báo cáo trả lời chất vấn Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng mới đây, Sở KHĐT cho rằng, lợi dụng sự thông thoáng và cởi mở của Luật Doanh nghiệp nên tại nhiều địa phương đã có hiện tượng thành lập doanh nghiệp không đúng mục đích mà chỉ để mua bán hóa đơn.
Ngay trước khi Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 2005, TP Hải Phòng chỉ có 700 doanh nghiệp nhưng đến nay đã có 13.000 doanh nghiệp, chỉ riêng trong các năm 2007, 2008 đã có hàng nghìn doanh nghiệp được lập mới.
Trong đợt khảo sát mới đây tại 3 quận, huyện đối với 269 doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện 76 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ khai báo, 84 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không khai báo với cơ quan chức năng…
Ông Trần Viết Tuấn, Trưởng phòng đăng ký kinh doanh (Sở KHĐT Hải Phòng) cho biết “mỗi ngày chúng tôi xem xét cấp phép cho khoảng 10 doanh nghiệp, cứ thế nhân lên thì mỗi tháng đã vài trăm doanh nghiệp được cấp phép, không ít trong số đó, bằng trực quan cảm nhận được rằng đăng ký với mục đích không lành mạnh. Bằng nhiều cách chúng tôi đã ngăn chặn được nhưng với nhiều doanh nghiệp thực hiện tinh vi thì mọi chuyện không hề đơn giản”.
Theo Sở KHĐT Hải Phòng, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện doanh nghiêp “ma” là do các quy định luật pháp còn nhiều kẽ hở. Đơn cử, nếu căn cứ vào Luật thuế, khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm chế độ quản lý tài chính, cơ quan thuế có thể ngừng bán hóa đơn, xử phạt hành chính và yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, cơ quan đăng ký kinh doanh không thể căn cứ vào các vi phạm trên để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà phải căn cứ vào các quy định khác của Luật Doanh nghiệp (như doanh nghiệp không hoạt động liên tục tại trụ sở đã đăng ký trong 6 tháng liên tục…).
Ông Tuấn cho biết: “Hàng năm Sở KHĐT cũng phối hợp với ngành thuế và các đơn vị có liên quan tiến hành hậu kiểm hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, thực hiện cơ chế một cửa, khi tiến hành cấp giấy đăng ký kinh doanh, Sở đều xem xét kỹ để sàng lọc, ngăn chặn. Nhiều trường hợp sau khi được giải thích đã tự nguyện từ bỏ ý định làm… giám đốc”.
Phúc Hưng (dantri.com.vn)
Bình luận (0)