Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hai quán quân sáng giá của “Học viện cải lương”

Tạp Chí Giáo Dục

Hai thí sinh Biện Thuy và Tú Tri vừa đăng quang danh hiệu quán quân của “Học viện cải lương” 2024. Theo đánh giá của NSND Bạch Tuyết thì đây là hai cô đào sáng giá của sân khấu cải lương trong tương lai…


Tú Tri trong vai Lý Chiêu Hoàng

Tú Tri – Khẳng định mình qua từng vai diễn

Tú Tri nổi tiếng sau khi giành danh hiệu á quân Solo cùng bolero 2018. Đến năm 2022, cô lấn sân sang diễn xuất, giành quán quân Gương mặt điện ảnh. Ngoài việc làm ca sĩ, Tú Tri cũng hăng hái tham gia đóng phim. Cô góp mặt trong phim điện ảnh Lật mặt 6 của Lý Hải.

Tuy nhiên, vì đam mê với cải lương, nữ ca sĩ đã quyết định tham gia chương trình “Học viện cải lương” và vinh dự đoạt danh hiệu quán quân mùa đầu tiên 2024.

Tại “Học viện cải lương” Tú Tri đã khẳng định mình qua từng vai diễn. Tú Tri đã đầu tư trang phục, miệt mài luyện tập cho 20 phút trên sân khấu khi hóa thân vào vai diễn để đời của NSND Bạch Tuyết – Lý Chiêu Hoàng trong vở “Độc thoại đêm”. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ, mở mang bờ cõi đất nước, có những nhân vật phụ nữ mà sự hiện diện của họ trên trang sách chỉ qua mấy dòng chữ nhưng phẩm hạnh, công lao và sự hy sinh của họ lại làm nên giá trị muôn đời. Lý Chiêu Hoàng là một trong những nhân vật như thế.

Được biết, để hóa thân vai diễn này đó là kết quả của một hành trình đam mê, học hỏi của Tú Tri. Và quan trọng là thái độ nghiêm túc học nghề, làm nghề ở những người trẻ có tâm huyết, hiểu biết và trách nhiệm trước di sản văn hóa của cha ông của nữ ca sĩ.


Tú Tri và bạn diễn trong “Mình ơi tôi về rồi nè”

Tú Tri cho biết, khi hóa thân thành vai diễn của NSND Bạch Tuyết, cô gặp áp lực vì đây là vai để đời của một bậc tiền bối trong ngành cải lương. Tuy nhiên, Tú Tri vẫn mong có thể học hỏi thêm kinh nghiệm và không dám đem mình so sánh với những ngôi sao mà bản thân yêu mến, thần tượng như NSND Bạch Tuyết. Qua phần trình diễn, Tú Tri nhận “mưa” lời khen của ban giám khảo với trích đoạn này.

Trong đêm chung kết xếp hạng, Tú Tri bùng nổ khi kết hợp cùng thí sinh Hùng Vương và Lương Vĩ qua trích đoạn “Mình ơi tôi về rồi nè”. Giám khảo Châu Thanh nói như đang xem đồng nghiệp đang diễn trên sân khấu, chứ không phải thí sinh đi thi.

Chia sẻ sau đêm chung kết, Tú Tri cho biết cô rất vui mừng, hạnh phúc. Trước khi công bố, cô hồi hộp nhưng bình thản vì xác định đến cuộc thi này chỉ để học hỏi, gom góp kinh nghiệm. Tú Tri nói sau cuộc thi sẽ rèn luyện nhiều hơn để có những đóng góp cho cải lương, cố gắng mang cải lương đi xa hơn nữa khi làm nghề trong tương lai.


Biện Thuy trong vở “Bến phà kỷ niệm”

Biện Thuy: Cần mẫn làm đẹp cho cải lương

Biện Thị Kim Thuy sinh năm 2002 tại Bạc Liêu, hiện là sinh viên năm 3 Đại học Văn Hiến (Khoa Kinh tế – Quản trị). Do có ông nội và chú là thầy đờn ở Bạc Liêu nên Biện Thuy đã mê cải lương từ nhỏ. 10 tuổi Biện Thuy đã đi thi đờn ca tài tử ở xã, huyện. Năm 2018, Thuy lọt top 7 Chuông vàng vọng cổ. Năm 2021, Thuy trở thành quán quân cuộc thi Bông lúa vàng do Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức.

Đến với vòng tuyển chọn “Học viện cải lương”, nữ thí sinh gây ấn tượng với giám khảo khi sáng tác vọng cổ cho bài hát “Qua cầu rước em”. Đây là ca khúc gây sốt trong thị trường nhạc Việt thời gian qua, tạo ra nhiều trào lưu trên mạng xã hội.

Sau đó, Biện Thuy nhận thử thách diễn cùng nghệ sĩ Minh Trường trong trích đoạn “Bến phà kỷ niệm”. Với năng lượng trẻ trung, tươi vui, sự ứng biến linh hoạt, Biện Thuy cũng nhanh chóng vượt qua được phần thi này.

Đã có giải thưởng tại một cuộc thi lớn trước đó nhưng Biện Thuy vẫn trở lại làm thí sinh với mong muốn trau dồi, học hỏi nhiều hơn nhằm hoàn thiện bản thân, góp sức vào việc giữ gìn, phát triển cải lương. Việc làm mới bản hit “Qua cầu rước em” cũng là mục tiêu của Biện Thuy khi đến với chương trình, mang hình ảnh nghệ sĩ cải lương trẻ trung, những sự đổi mới để tiếp cận khán giả trẻ, đặc biệt thế hệ gen Z.


Biện Thuy và các bạn diễn trong “Lối vào đời”

Trong đêm chung kết xếp hạng, Biện Thuy kết hợp cùng các thí sinh Melany Trần, Tuấn Kiệt, Quách Phú Thành thể hiện trích đoạn “Lối vào đời” của soạn giả Thạch Tuyền. Tiết mục đề cao lòng trung thực, sự hy sinh, sự cảm thông…

Trong trích đoạn này, Biện Thuy đã thể hiện được sự hồn nhiên của nhân vật đứa bé bán vé số tật nguyền nhưng đầy tự trọng, ca hay đã chinh phục được ban giám khảo.

“Học viện cải lương” xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là NSND – tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết. Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng “thầy đờn” – nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình để đào tạo, truyền nghề.

Chương trình trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca – diễn cải lương; tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Đồng thời chương trình cũng hướng đến việc đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa – nghệ thuật nước nhà.

Soạn giả Thạch Tuyền nói qua kịch bản này mong muốn mang đến sự trẻ trung, thể hiện được nhịp sống hiện đại. Ông đánh giá thí sinh Biện Thuy thể hiện bản thân tốt ở phạm vi cá nhân cũng như khi kết nối với nhau. NSND Bạch Tuyết cảm ơn những người trẻ vì góp phần mang cải lương đến với thế hệ trẻ, có cơ hội đi xa ra quốc tế với vốn ngoại ngữ tốt.

Khi nhận được câu hỏi từ nghệ sĩ Châu Thanh là Biện Thuy sẽ vận dụng ngành học quản trị nhân sự vào con đường sự nghiệp của mình. Biện Thuy cho rằng cuộc thi là bệ đỡ cho cô và các bạn trẻ học nghề, làm nghề, giữ nghề, truyền cảm hứng cho người trẻ. Đây là lúc thích hợp để bắt đầu việc này.

NSND Bạch Tuyết nói “biết ơn” thế hệ của Biện Thuy đã cần mẫn, luôn trau dồi và làm đẹp cho cải lương.

Anh Khôi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)