Bằng kỹ thuật cắt cành để ép cho na dai ra quả gối vụ từ thân cây, người nông dân xã Huyền Sơn (H.Lục Nam, Bắc Giang) đã có thu nhập gấp đôi.
Mùa vụ kéo dài
Sáng kiến cắt cành ép quả mọc từ thân cây được người nông dân xã Huyền Sơn (H.Lục Nam, Bắc Giang) thử nghiệm từ nhiều năm nay. Trong số những người tiên phong trồng na gối vụ, ông Phương Minh Hiến, thôn Khuyên, xã Huyền Sơn chia sẻ kỹ thuật này ông học được từ người trồng na ở Đông Triều (Quảng Ninh). Nhưng từ khi “học lỏm” được, cho đến khi làm thành thạo, chuẩn hóa thành quy trình, ông Hiến phải mất tới 5 năm, vừa làm vừa tự đúc rút kinh nghiệm.
Ông Hiến cho biết theo quy luật sinh học tự nhiên, cây na cho ra quả ở đầu cành, nhưng nông dân phải dùng kỹ thuật để ép cho quả từ thân cây. Ở vụ na truyền thống, sau khi ăn Tết nguyên đán, người dân bắt đầu cắt bỏ toàn bộ cành. Khoảng 2 tháng sau đó, cây na mới bắt đầu có nụ, trổ hoa, kết trái.
ụ na hằng năm kéo dài từ tháng 7 – 9. Nhưng để ép na ra quả gối vụ, ngay từ thời điểm thu hoạch vụ đầu tiên, nông dân căn cứ vào lượng quả trên cây, nếu cắt vơi dần thì bắt đầu tỉa cành. Na bị cắt cành khiến dinh dưỡng bị ứ lại, dồn về thân sẽ cho trồi lộc, đơm hoa ngay trên thân cây. Khi đó, người nông dân tùy thuộc vào sức khỏe của cây, chủ động thụ phấn, khống chế số lượng quả cho phù hợp. Khó nhất là việc đánh giá sức khỏe cây, nếu tham lấy quá nhiều quả thì cây na hoặc sẽ kiệt quệ, hoặc sẽ bị chết…
Cũng theo ông Hiến, mùa na gối vụ cho thu hoạch tập trung trong tháng 9 – 10 và nhờ có kỹ thuật này, khiến tổng thời gian thu hoạch na lên tới gần 5 tháng/năm, dài gấp đôi so với thời vụ thông thường và nông dân có thu nhập cao hơn. “Nhà có 1 ha đất đồi trồng na, nếu chỉ bán na chính vụ thu nhập chỉ có khoảng 150 triệu đồng, nhưng từ khi làm na gối vụ, doanh thu mỗi năm không dưới 300 triệu đồng”, ông Hiến khoe.
Làm giàu từ cây na
Dẫn chúng tôi tham quan những vườn na dai, trên thân cây lúc lỉu quả non, ông Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm HTX na dai Huyền Sơn hào hứng chia sẻ kỹ thuật ép na ra quả từ thân đã làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Quả na mọc từ thân cây được che chắn bởi lá phía trên, không còn bị rám nắng, sương, nên mã luôn sáng đẹp. Thời điểm quả na sinh trưởng không còn nắng gắt nên lớn nhanh, tốn rất ít chi phí chăm sóc. Quả na được nuôi từ thân, tiếp nhận được nhiều chất dinh dưỡng nhất nên rất to. Thực tế ở Huyền Sơn từng ghi nhận có những quả na nặng tới 0,5 – 0,7 kg, to gấp đôi quả na chính vụ.
Ông Quang cũng cho biết lợi ích lớn nhất của na dai gối vụ là thời điểm thu hoạch bán ra thị trường lúc mùa na chính vụ đã kết thúc, nên giá bán cao và đắt hàng. Na dai chính vụ dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg nhưng na dai gối vụ không dưới 30.000 đồng/kg, ở gần cuối vụ na loại 1 lên tới 40.000 – 45.000 đồng/kg.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Lục Nam cho biết na dai gối vụ đang được trồng nhiều nhất ở các xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương và Đồng Phú. Doanh thu từ riêng cây na trong toàn huyện năm 2015 lên tới trên 300 tỉ đồng. Sau vải thiều, thì na đang là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân, trong đó doanh thu từ na gối vụ đóng góp tỉ trọng đóng kể. “Kỹ thuật ép na ra quả từ thân đang được nhân rộng cho người trồng na trong toàn huyện, để khai thác tối đa diện tích 14.000 ha na hiện có”, ông Sơn cho biết.
Phan Hậu (TNO)
Bình luận (0)