Y tế - Văn hóaThư giãn

Hài sân khấu lao đao vì hài ti vi

Tạp Chí Giáo Dục

“Chưa bao giờ xem diễn hài lại dễ như bây giờ. Mọi lúc mọi nơi, chỉ cần mở điện thoại hoặc bật ti vi lên là có thể xem hài miễn phí”, nghệ sĩ hài Hồng Vân nhận xét.

Sân khấu hài kịch ở TP.HCM đang chịu nhiều áp lực các chương trình hài trên truyền hình – Ảnh: Trần Trung

Trước đây, để xem diễn hài, khán giả phải đến các tụ điểm sân khấu, phải bỏ tiền mua vé. Còn giờ đây, hàng loạt chương trình quy tụ các nghệ sĩ hài ăn khách nhất như Hoài Linh, Hồng Vân, Xuân Bắc, Chí Tài, Trấn Thành, Đức Hải, Kiều Mai Lý, Thúy Nga, Hiếu Hiền, Thu Trang… thi nhau lên sóng truyền hình: Ơn giời cậu đây rồi, Chết cười, Cười là thua, Người đi xuyên tường… Đó là chưa kể khán giả còn được xem các nghệ sĩ hài mình yêu thích thể hiện những khả năng khác, như làm giám khảo, thi nhảy, thi hát… trong hàng loạt chương trình truyền hình thực tế phát sóng mỗi tuần.

“Tác dụng phụ”
Không thể phủ nhận những chương trình truyền hình có sự góp mặt của các nghệ sĩ hài đã đem đến cho đông đảo khán giả những giờ phút giải trí thoải mái, tuy nhiên “tác dụng phụ” của nó là khiến cho những sân khấu hài – nơi khán giả có thể xem nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp và tương tác với họ – lâm vào cảnh ế ẩm.
Ông Phạm Vũ Kiên, Giám đốc Sân khấu kịch Tâm Ngọc, thở dài: “Tấu hài “bao sân” trên truyền hình đã ảnh hưởng nhiều đến các sân khấu hài kịch. Thử hỏi, bật ti vi lên là thấy hài, mở mạng ra là thấy clip hài thì việc khán giả bỏ 120.000 – 150.000 đồng mua vé đi xem là khó xảy ra. Mà những đêm diễn hài không bán được vé thì tiền đâu mà đầu tư cho kịch bản, diễn viên để nâng chất lượng vở diễn, mảng miếng? Thêm vào đó, khán giả đã quen xem những tiểu phẩm có nội dung giải trí nhẹ nhàng trên truyền hình, nên vở hài nào có nội dung sâu sắc một chút lại không được ưa chuộng”.
Nghệ sĩ Hồng Vân cho biết: “Các sân khấu hài được đầu tư lớn, có bài bản bị ảnh hưởng bởi các chương trình trên truyền hình là điều có thật. Nghệ sĩ nổi tiếng ở chương trình nào cũng thấy: từ gameshow, trò chơi thực tế, MC, ca nhạc, giám khảo… thì còn gì bí mật nữa. Chưa nói, các chương trình truyền hình thường trả cát sê cao hơn sân khấu nên nghệ sĩ tham gia vừa có tiếng, vừa có tiền thì họ chọn lựa truyền hình là điều dễ hiểu. Trong khi tham gia những vở hài kịch có nội dung tốt họ phải luyện tập vất vả, tốn nhiều thời gian… Vì vậy, cần phải có biện pháp để sớm vực dậy hài kịch”.
“Diễn ào ào rồi đi”
Hài ti vi có thể là “cú đập” chính khiến hài sân khấu lao đao, nhưng một điều cũng quan trọng không kém là chất lượng của hài sân khấu gần đây vẫn chưa được nâng lên.
Theo nghệ sĩ hài Cát Phượng, các nhóm hài phải có trách nhiệm đầu tư cho sản phẩm của mình. Nhưng nhiều nhóm hiện chỉ có một người làm trụ cột, còn lại đa số là “ăn theo” hoặc có cách diễn xuất, điệu bộ giống những tên tuổi lớn. Một số nhóm hài sử dụng các tiểu phẩm đã diễn “nát bét” ở các tụ điểm bán cho các nhà đài để lên sóng, sau đó lại đi diễn tiếp các tụ điểm trở lại, khán giả xem chẳng thấy có gì mới, đâm ra quay lưng lại với hài khiến các sân khấu rơi vào cảnh chợ chiều.
Nghệ sĩ hài Phương Dung cho rằng: “Bây giờ tìm ra một kịch bản hài từ 10 – 15 phút có chất lượng tốt, mang đến tiếng cười nghiêm túc cho khán giả là điều cực kỳ khó. Vì thế nhiều nhóm hài phải sử dụng “tích cũ” soạn lại. Sân khấu hài thường xuyên vắng khách do bị hài trên truyền hình áp đảo nên không có tiền trả thù lao xứng đáng cho diễn viên nên diễn viên cứ tới tụ điểm diễn ào ào rồi đi. Một đêm chạy sô 4 – 5 chỗ, thử hỏi chất lượng làm sao đảm bảo được”.
Vì vậy, để tự cứu mình, hai nghệ sĩ Hoài Linh, Cát Phượng đang ấp ủ dự định thành lập một Hội làng hài quy tụ các anh em trong nghề để cùng xây dựng một đề án bài bản, bao gồm các khâu chọn lọc kịch bản, dàn dựng, nâng cao chất lượng phục vụ để có các chương trình hài hay nhằm vực dậy sân khấu hài đang hồi thoi thóp.
Đĩa hài “mếu” vì internet
Nhà sản xuất đĩa hài Cưới nhanh kẻo Tết đầu tư tới hàng trăm triệu cho việc sản xuất, mời nhiều gương mặt tên tuổi như ca sĩ Phương Thanh, danh hài Chiến Thắng… Thế nhưng, đĩa vừa phát hành vào buổi sáng thì ngay buổi chiều, các tiểu phẩm trong đó đã bị cóp y nguyên, tung lên mạng.
“Giờ chúng tôi vừa lo làm đĩa hài vừa lo phải chống đĩa lậu và cả hình thức lậu trên internet, rất khó khăn”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ. Anh vừa đầu tư sản xuất tới hai đĩa hài Ba bà đại chiến và Hài tết Xuân Hinh, quy tụ nhiều nghệ sĩ hài Nam – Bắc: Đức Hải, Thúy Nga, Quốc Khánh, Vân Dung, Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền… phục vụ khán giả dịp tết. Nhà sản xuất quyết định không phát hành đĩa sớm mà chọn thời điểm gần tết mới tung ra.
Trong khi đó, một nhà sản xuất là Công ty CP nghe nhìn Thăng Long quyết định phát hành luôn đĩa hài trên mạng internet. “Chúng tôi đã ký hợp đồng với công ty đại diện cho YouTube tại VN”, đạo diễn Phạm Đông Hồng, đại diện nhà sản xuất, cho biết. Tiểu phẩm Chôn nhời 2, có sự tham gia của các nghệ sĩ Phạm Bằng, Quang Thắng, Quốc Anh… vừa được đưa lên YouTube cách đây 1 tuần đã hút tới hơn 1 triệu lượt xem. Tiếp đó, tiểu phẩm vừa ra mắt là Quan trường – tường quan với dàn nghệ sĩ Tự Long, Xuân Bắc, Trung Hiếu, Hán Văn Tình… cũng được đưa lên YouTube, đã có hơn 300.000 lượt xem chỉ trong 4 ngày.
 

Theo TNO

 

Bình luận (0)