Nếu trước đây chỉ có thịt bò, gà đông lạnh ngoại nhập được các bà nội trợ ưa thích thì gần đây, nhiều loại hải sản tươi sống từ các quốc gia khác được bày bán tại các chợ truyền thống, siêu thị do nhu cầu tăng mạnh.
Hải sản tươi sống nhập ngoại bày bán trong siêu thị Big C |
Xu hướng ăn cá ngoại
Tại siêu thị Co.opmart trên đường Phan Văn Trị, Gò Vấp, nếu trước đây chỉ có các loại hải sản đánh bắt ở biển Đông như tôm, cá nục, cá sòng, cá đuối thì nay tại gian hàng hải sản tươi sống đã có nhiều mặt hàng hải sản từ các nước khác đem về. Sau khi mua xong 2 đầu con cá hồi Canada, bà Mai – ngụ ở đường Nguyên Hồng, Q.Bình Thạnh cho biết: “Thay vì mua cá lóc, cá điêu hồng về nấu canh chua như trước đây, dạo này gia đình tôi lại có thói quen mua các loại, đầu, lườn, vây cá hồi về nấu canh chua”. Tại gian hàng này, không chỉ có bà Mai là bạn hàng duy nhất của loại cá hồi nhập từ Canada về mà còn có nhiều người khác cũng lựa chọn các loại hải sản nhập khẩu như cá tầm Nga, cá hồi Na Uy, cá ngừ đại dương Nhật Bản, bào ngư Úc… Mặc dù là các loại hải sản nhập từ nhiều quốc gia phải đông lạnh và vượt hàng ngàn cây số đường xa để đến tận tay khách hàng với nhiều chi phí vận chuyển nhưng giá cả không hề cao so với hải sản trong nước. Tại hệ thống Big C trên đường Nguyễn Kiệm, giá 1kg cá hồi hoặc cá tầm nguyên con chỉ 380.000 đồng. Các loại phụ phẩm như lườn, đầu, vây, xương cá còn rẻ hơn nhiều giá dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg. Nếu để ý trước đây các loại cá thuần chủng Việt Nam như lóc, rô, diếc, chép… được bày bán rất nhiều trong siêu thị thì gần đây cũng teo dần và nhường chỗ cho các loại cá nhập khẩu lên ngôi.
Điều này cũng không ngoại lệ đối với các chợ truyền thống khi các sạp thực phẩm tươi sống chọn lựa các loại hải sản ngoại nhập để kinh doanh. Chợ Cây Thị trên đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh dù tôm cá nhiều nhưng các loại hải sản nội địa có vẻ thưa vắng hơn. Các bà nội trợ dễ dàng tìm mua các loại cá ngừ đại dương Nhật Bản, cá tầm Nga, cá hồi Na Uy, tôm hùm Canada, bào ngư Úc, ốc vòi voi Canada, sò điệp Úc… ở ngay chợ Cây Thị và các chợ khác.
Đề phòng nhiễm dư lượng chất cấm
Hải sản ngoại không chỉ tràn vào các siêu thị, chợ truyền thống mà còn tìm cách len lỏi vào các vựa hải sản lớn ở các quận huyện trong TP.HCM. Điều này cũng thật dễ hiểu vì đây là đầu mối “phát tán” nguồn cung cấp hải sản chính cho các nhà hàng, khách sạn, chợ để phục vụ người tiêu dùng. Trên đường Ngô Đức Kế, Q.Bình Thạnh có nhiều vựa hải sản nay cũng đã chuyển đổi mặt hàng do hướng ngoại nhiều hơn hướng nội. Anh H. chủ vựa hải sản H.H.S cho biết, hiện nay các mặt hàng hải sản nhập từ các nước đang được người mua ưa thích nên dễ bán. Vì thế ngoài các loại hải sản trong nước, vựa hải sản của anh lúc nào cũng có các loại tôm, cá, ốc, sò mới “nhập cảnh” từ nước ngoài về Việt Nam. Ở đây hầu hết là mặt hàng tươi sống như tôm hùm Canada giá 1,1 triệu đồng/kg, cá hồi Canada 380.000 đồng/kg, ốc vòi voi Canada 1,0 triệu đồng/kg, cồi sò điệp Úc giá 600.000 đồng/kg, cua hoàng đế Alaska giá 2,2 triệu/kg, bào ngư Úc 3,7 triệu đồng/kg.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, mỗi ngày lượng thủy hải sản về chợ trung bình khoảng 1.100 tấn, riêng nhập khẩu chiếm gần 150 tấn chiếm 15%, gồm các loại mực lá và cá thu đao Đài Loan, cá cam và cá nục bông Nhật Bản, đầu cá hồi Na Uy. Tuy nhiên lượng cá nhập không ổn định mà biến động theo thời điểm theo mùa. Về nguyên tắc mặt hàng cá đông lạnh khi nhập khẩu bắt buộc phải được kiểm dịch thực vật và công bố chất lượng đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, mỗi lô hàng thủy hải sản nhập khẩu về chợ đều được kiểm tra giấy hải quan nhập khẩu, hạn sử dụng, giấy kiểm tra chất lượng ở cửa khẩu, đủ điều kiện mới cho bán.
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, người lớn tuổi và phụ nữ có thai dùng thủy hải sản tốt cho sức khỏe vì có nhiều omega 3 và tránh được các căn bệnh lão hóa, gút, mỡ máu. Tuy nhiên, việc ăn hải sản cũng phải có chừng mực vì nếu lạm dụng dễ gây rối loạn tiêu hóa do nhiều đạm. Một số hải sản như hàu, tôm dễ gây ngộ độc và dị ứng. Một số loại cá thu, cá ngừ có lượng thủy ngân cao nguy hiểm cho các bộ phận gan, thận, đường ruột của cơ thể. Tuyệt đối không ăn các loại hải sản để lâu ngày vì đã bị nhiễm khuẩn nặng.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM trong 489 mẫu thủy hải sản tại chợ Bình Điền để kiểm nghiệm, kết quả phát hiện 65 mẫu nhiễm dư lượng là các chất nằm trong danh mục cấm sử dụng đối với thủy hải sản như Chloramphenicol, Nitrofuran, Enrofloxacin.
Hầu hết các vựa thủy hải sản đều cam kết thực phẩm không sử dụng chất bảo quản và có tem kiểm định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, để xác thực chỉ có cơ quan chủ quản mới có thẩm quyền chứ khách hàng thì cũng tin theo lời nói của người bán chứ không có cách nào khác.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)