Cao Kỳ Duyên (nữ) và Nguyễn Lê Danh Khoa (bìa trái) đang bàn giao công trình nghiên cứu cho Sở Giao thông Vận tải TP.HCM |
Cao Kỳ Duyên và Lê Nguyễn Danh Khoa là hai sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM vừa học vừa tìm tòi nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng kẹt xe trên địa bàn TP.HCM.
Lý do… nhân văn
Nhóm đã quyết định nghiên cứu các giải pháp chống kẹt xe cũng là vì cả hai tụi mình đều là người trực tiếp tham gia giao thông bằng xe gắn máy nên cảm thấy không ít khó khăn trở ngại, nhất là vấn nạn kẹt xe. Đi xe ra đường mà đầu óc cứ căng thẳng như dây đàn, mắt tập trung nhìn không dám chớp khiến Duyên rất mệt mỏi nên nhóm nghĩ là phải làm điều gì đó để cải thiện tình hình này, Cao Kỳ Duyên mở đầu câu chuyện như thế khi nói về lý do thôi thúc nhóm bắt tay vào nghiên cứu. Còn Nguyễn Lê Danh Khoa cho biết, từ lúc vào TP.HCM học tập mình thấy ùn tắc giao thông đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và tất cả mọi người. Hơn nữa, trong thời đại toàn cầu hóa, ùn tắc giao thông tại TP.HCM có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều công ty nước ngoài ngại đầu tư vào Việt Nam. Giao thông bế tắc còn khiến hình ảnh người dân thành thị xấu đi, người vi phạm luật nhiều hơn – ùn tắc giao thông ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người dân thành thị.
Duyên cho biết thêm, nhiều lúc đi trên đường nhìn thấy mọi người cãi nhau chỉ vì va quẹt nhỏ, em bé khóc thét, khó thở vì mùi khói xe, thiệt hại kinh tế, xã hội từ việc ùn tắc giao thông khá lớn… Duyên nghĩ, mình phải làm một điều gì đó. Sau nhiều lần do dự, mình rủ Khoa cùng bắt tay nghiên cứu.
Ăn, nằm với đường
Duyên và Khoa cho biết, đây là lần đầu tiên hai bạn nghiên cứu khoa học. Học Quản trị kinh doanh, không có chuyên môn nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu hai bạn chỉ biết lấy cần cù bù thông minh. Khoa kể: “Áp dụng câu “Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp” nên khi đi tìm hiểu tình hình kẹt xe, tụi mình thường đến những điểm “đen” về kẹt xe để tìm hiểu. Khoa và Duyên đi hết con đường này đến đường khác, hít thở khói xe đến ngạt thở. Có thời gian, tụi mình thường xuyên ăn, nằm tại ngã tư Hàng Xanh, hồ Con Rùa, đường Trần Não (quận 2)… nhằm tìm ra các giải pháp hay, chống kẹt xe ở các địa điểm này để áp dụng. Đi nhiều, tụi mình cũng quen được nhiều người và biết được nhiều điều thú vị”.
Ròng rã hai năm trời, hai bạn hết lên mạng tìm thông tin lại đến Sở Giao thông Vận tải để xin tài liệu. Trong quá trình thực hiện, hai bạn cũng gặp không ít khó khăn. Có khi Duyên và Khoa tranh luận đến… suýt giận nhau để tìm ra giải pháp tốt. Danh Khoa cho biết: “Xét về tính thực tiễn và ứng dụng, nếu những đề tài khác nghiên cứu về vi sinh, môi trường hóa học hoặc thiết kế một cái gì đó cụ thể thì mình có thể thấy ngay kết quả, coi có ứng dụng được hay không. Nhưng đề tài của nhóm là những giải pháp mang tính cụ thể cao liên quan về giao thông đường bộ. Có ứng dụng được hay không phải nhờ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định nên nhiều khi nhóm cũng rơi vào tình trạng bế tắc, chán nản. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, thầy cô và bạn bè nên cuối cùng tụi mình cũng vượt qua và hoàn thành đề tài”.
Duyên cho biết thêm, khi thực hiện công trình nghiên cứu, tụi mình có sự phân công và phối hợp rất chặt chẽ. Khoa nghiên cứu thực tế còn Duyên thì tra cứu các con số trên mạng. Sau hai năm nghiên cứu, hai bạn đã thân thiết như anh em.
Nhiều giải pháp khả thi
Trong đề tài nghiên cứu, hai sinh viên đã đưa ra nhiều nguyên nhân và giải pháp làm giảm tình trạng kẹt. Duyên cho biết: “Dựa vào Luật giao thông đường bộ và qua tìm hiểu thực tế, tụi mình đã đưa ra một số giải pháp làm giảm tình trạng kẹt xe:•tạo những ốc đảo nhỏ ở các giao lộ lớn, tại các ngã tư nên mở rộng ra tránh tình trạng cổ chai, cho phép các xe cơ giới được phép ôm sát lề phải trước 100m trước khi quẹo, thực hiện bảng Stop ở đầu đường ngã tư, ngã ba hay ngã sáu, chia tuyến tại các vòng xoay, điều chỉnh đèn giao thông, tốc độ giới hạn cho các phương tiện, cho phép các cơ sở tư nhân trục kéo các xe vi phạm giao thông, phải có biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ, hình thức xử phạt phải nặng, tăng cường việc đỗ xe ô tô theo lịch… Mình hy vọng công trình nghiên cứu của nhóm sẽ được ứng dụng vào thực tế”.
Mới đây, công trình “các giải pháp vi mô chống ùn tắc giao thông tại TP.HCM” đã được Thành đoàn chuyển giao cho Sở Giao thông Vận tải TP tiếp nhận và sử dụng. Ông Nguyễn Công Tĩnh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ đánh giá: “Đây là công trình có tính khả thi cao. Với những gì các tác giả thể hiện trong công trình nghiên cứu, hy vọng Sở Giao thông Vận tải sẽ có thêm nhiều biện pháp để giảm tải tình trạng kẹt xe hiện nay”.
Duy Nguyễn
Bình luận (0)