Theo Cục Thú y, nhiều ổ dịch đã qua 30 ngày không phát sinh lợn bệnh, trong đó có Hoà Bình, Bắc Kạn công bố hết dịch.
Ngày 17/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho hay, hai ổ dịch tả lợn châu Phi ở các xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hưng (huyện Quỳnh Lưu) đã qua 30 ngày không có lợn bệnh mới phát sinh. Huyện Quỳnh Lưu có văn bản công bố địa phương hết dịch, các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển tại địa bàn trở lại bình thường.
Giá thịt lợn tăng trở lại sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế. Ảnh: Thành Nguyễn.
Ngoài ra, các ổ dịch khác tại bốn huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Nam Đàn, Quỳ Hợp và thị xã Hoàng Mai ở Nghệ An cũng nhiều ngày không có trường hợp mắc bệnh mới.
"Tính tới nay trên địa bàn tỉnh có 9 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, 161 con bị tiêu hủy", ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An nói.
Trước đó (ngày 9/4), Hoà Bình là tỉnh đầu tiên công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Ba ngày sau, Bắc Kạn cũng công bố hết dịch khi ổ dịch ở huyện Ngân Sơn qua 30 ngày không phát hiện lợn bệnh.
Theo quy định, kể từ khi tiêu hủy động vật cuối cùng mắc bệnh, theo dõi 30 ngày nếu không ghi nhận, phát hiện có lợn chết thêm do dịch bệnh thì địa phương đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Cơ quan thú y khuyến cáo, dù công bố hết dịch nhưng địa phương không được chủ quan, phải tiếp tục các biện pháp phòng ngừa, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử trùng chuồng trại… tránh dịch tái phát.
Theo Cục Thú y dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế. Tính đến ngày 16/4, có 23 ổ dịch của 7 huyện thuộc 7 tỉnh, thành đã qua 30 ngày, trong đó có 2 tỉnh Hòa Bình và Bắc Kạn đã công bố hết dịch. Như vậy, 21 tỉnh, thành trên cả nước còn ổ dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2016 đến nay, bệnh xuất hiện tại trên 59 quốc gia. Việt Nam là một trong ba nước châu Á có dịch (hai nước còn lại là Trung Quốc, Mông Cổ).
Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra 22 tỉnh, thành gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
Nguyễn Hải/Vnexpress
Bình luận (0)