Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hai tuần trước tết: Sức mua tăng 2 – 3 lần

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hai ngày 2-2 và 4-2, Tổ công tác bình ổn thị trường do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng làm trưởng đoàn đã đi thực tế, kiểm tra và làm việc tại một số đơn vị về kế hoạch chuẩn bị, khả năng cung cầu hàng hóa, phục vụ Tết Nguyên đán 2015.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng kiểm tra các mặt hàng bình ổn giá bán tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Tại Công ty Sài Gòn Food, nguồn hàng tết đưa ra thị trường dự kiến 550 tấn thực phẩm các loại, tăng 10% so với tết năm ngoái. Các mặt hàng chủ lực của Sài Gòn Food vẫn là lẩu, thực phẩm chế biến, cháo dinh dưỡng, ngoài ra, có một số sản phẩm mới như tôm hấp, cồi sò điệp, lẩu Miso (lẩu Nhật Bản) và các mặt hàng đặc trưng cho mùa tết trong bộ sản phẩm “Đặc sản tết Việt”, như: lẩu tết 1kg, lạp xưởng tôm, Seachip ăn liền (gồm cá bống cắt sợi, cá thiều tẩm gia vị, cá cơm sấy giòn, mực sấy giòn…). Hiện Sài Gòn Food đang có 6 nhóm mặt hàng, với 60 sản phẩm, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 70% tổng doanh thu.

Tại Trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú, hàng Việt chiếm khoảng 80% tổng số mã hàng, 20% còn lại là hàng nhập khẩu, trong đó chủ yếu là hàng thời trang, thực phẩm chế biến là nhãn hàng riêng của Aeon. Công tác chuẩn bị hàng hóa cung ứng tết đã hoàn tất, với lượng hàng tăng từ 2 – 3 lần so với tháng thường. Sức mua trong 2 ngày cuối tuần vừa qua đã có sự tăng đột biến, từ 2 – 3 lần so với những ngày trước đó. Các mặt hàng được mua nhiều nhất là nhu yếu phẩm, trong đó thực phẩm tươi sống và chế biến chiếm tới 60%.

Tương tự, tại Trung tâm thương mại Lotte Mart Tân Bình, hàng tết năm nay rất dồi dào, giá bán ổn định. Hiện Lotte Mart Tân Bình đang kinh doanh 25.000 mặt hàng, hàng Việt Nam chiếm đến 95%, doanh thu bình quân chỉ 600 – 700 triệu đồng/ngày nhưng đã tăng lên 1,2 tỷ đồng/ngày trong 2 ngày cuối tuần vừa qua. Lotte Mart cũng bố trí một quầy hàng riêng và có giá bán ưu đãi cho công nhân và các đối tượng có thu nhập thấp.

Trong đợt kiểm tra vào chiều 4-2, theo ghi nhận, hầu hết các điểm, cửa hàng đoàn đến kiểm tra đều có bày bán hàng bình ổn. Tại Cửa hàng bách hóa tổng hợp phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM do Hội Phụ nữ liên kết với doanh nghiệp bình ổn, dù diện tích chỉ rộng khoảng 20m2 và nằm khuất trong khu dân cư nhưng một số mặt hàng như gạo, trứng, dầu ăn, đường… vẫn được sắp xếp ngăn nắp ở một góc nhỏ, niêm yết giá bán công khai đúng quy định. Mỗi tháng doanh số của cửa hàng đạt khoảng 700 triệu đồng.

Trong khi đó, tại một số cửa hàng, siêu thị như: Satrafood phường 1, hay Co.op Mart phường 10, quận Gò Vấp có quy mô khá lớn, bày bán hầu hết mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn thị trường, nhưng việc sắp xếp lại khá lộn xộn, thiếu hệ thống.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các sở ngành chức năng tổ chức các đợt kiểm tra về việc bố trí quầy kệ riêng cũng như việc sử dụng logo của chương trình bình ổn trên các sản phẩm bình ổn nhằm đảm bảo đúng tiêu chí, tôn chỉ, mục đích nhằm tăng sự nhận biết của người tiêu dùng. Riêng đối với Aeon và Lotte Mart, lãnh đạo TP khuyến khích việc tăng cường sự đầu tư, hợp tác để phát triển thêm các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại tại các quận ven và huyện ngoại thành của TPHCM.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng: “Còn 2 tuần nữa là khép lại mùa kinh doanh cao điểm tết, do vậy các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến và sức mua trên thị trường để cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ và đảm bảo giá cả ổn định. Bên cạnh việc tự tổ chức các chương trình khuyến mãi, doanh nghiệp phân phối cần hợp tác với nhà cung cấp để thực hiện các chương trình giảm giá sâu đối với các nhóm hàng thực phẩm thiết yếu vào những ngày cận tết. Trong quá trình hoạt động, nếu gặp khó khăn, vướng mắc cần báo cáo trực tiếp cho các sở ngành để xử lý, đảm bảo việc phân phối hàng tết đến tay người tiêu dùng được thông suốt và bình ổn giá”.

Đã có thịt bò tơ Úc nuôi tại Việt Nam

Sau hơn 6 tháng triển khai Chương trình hợp tác và đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt, chiều 4-2, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty Vissan đã ra mắt dòng sản phẩm thịt bò tơ Úc tươi sống cung ứng cho người tiêu dùng trong nước. HAGL đã đầu tư gần 4.000 tỷ đồng (trong tổng giá trị dự án là 6.300 tỷ đồng) để triển khai giai đoạn 1 (2 năm 2014 và 2015), với tổng đàn bò thịt và bò sữa lên đến 236.000 con, trong đó 120.000 con bò sữa, 116.000 con bò thịt. Năm 2014, HAGL đã nhập khẩu 40.000 con bò đầu tiên từ Úc, 18 tháng tuổi, trọng lượng 250 kg/con để nuôi tại 5 trang trại đặt tại tỉnh Gia Lai, sau 8 tháng nuôi tại Việt Nam, mỗi con bò tơ đạt trọng lượng 500kg.

Dự kiến trong năm 2015, HAGL sẽ tiến tới nhập khẩu tinh bò Úc để nhân giống nhằm tạo ra những lứa bò đầu tiên được sinh sản tại Việt Nam; và năm 2017, HAGL sẽ chấm dứt việc nhập khẩu bò hậu bị từ Úc, đồng thời cung ứng thịt bò Việt Nam ra thị trường, chất lượng thịt không thua kém bò Úc nhập khẩu nhưng giá bán rẻ hơn.

Để cung ứng thị trường mùa tết, HAGL đã chuyển giao cho Vissan 2.000 con bò thịt. Toàn bộ số bò thịt này đã được tập trung tại trại ở huyện Củ Chi, ngành thú y sẽ tiến hành kiểm duyệt và chuyển dần về Công ty Vissan để giết mổ, dưới thương hiệu thịt bò Vissan. Giá bán mỗi ký thịt bò tơ Úc bình quân là 320.000 đồng/kg. Để góp phần bình ổn các mặt hàng thực phẩm tươi sống, HAGL và Vissan giảm giá bán trực tiếp 8.000 đồng/kg thịt bò tươi, kể từ ngày 10-2 đến 25-2.

(SGGP)

Bình luận (0)