Chính sách về giáo viên và cơ sở vật chất, trường lớp là hai vấn đề được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần ưu tiên đột phá để đến năm 2030 toàn vùng Trung du và miền núi Bắc bộ sẽ không còn phòng học tạm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị
Tuần qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Vùng trũng”, giáo dục còn nhiều khó khăn
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương Đảng đã đặc biệt quan tâm tới việc phát triển vùng, đề ra đường lối chủ trương và giải pháp phù hợp để phát huy thế mạnh chung của các vùng trong sự phát triển chung của đất nước. Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết để phát triển 6 vùng, trong đó Nghị quyết 11 phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là một trong những nghị quyết được ban hành đầu tiên.
Bộ trưởng cho rằng, Trung du và miền núi Bắc bộ có tầm chiến lược quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm nhưng cũng là vùng còn nhiều khó khăn, mức sống của người dân, phát triển kinh tế – xã hội đang còn cần cải thiện rất nhiều. Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển giáo dục và đào tạo, giải quyết vấn đề nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao dân trí có thể xem là giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Diện tích toàn vùng chiếm 35% diện tích cả nước, dân số chiếm hơn 15% cả nước. Với địa hình phần lớn khó khăn, trắc trở, đến nay, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm học 2021-2022, 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có trên 3,3 triệu trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp. Đến nay, về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ. Toàn vùng có 10.900 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; trong đó có 979 trường nội trú, bán trú. Hiện vùng này không còn xã “trắng” về giáo dục, mọi thôn bản đều có lớp mầm non, tất cả các xã đều có trường tiểu học. Các địa phương trong vùng đã chủ động xóa các điểm trường lẻ, sắp xếp lại trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ theo hướng thành lập các trường liên cấp, liên xã, dựa trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Mặc dù thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng tổng chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo của vùng tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tăng 40,2% so với năm 2011. Trong đó, tổng chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 88,5%.
Theo Thứ trưởng, dù đã có nhiều nỗ lực, song vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển của cả nước. Giáo dục – đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của vùng thấp nhất cả nước. Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học hoặc phòng học đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu. Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp thấp nhất cả nước; tỷ lệ giáo viên tiểu học, giáo viên THCS đạt chuẩn thấp nhất trong các khu vực. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn do nguồn tuyển không đủ. Chưa kể, ngân sách đầu tư cho giáo dục của các địa phương trong vùng còn thấp; công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế do đời sống người dân ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; một số địa phương không có cơ sở giáo dục ngoài công lập…
Hai vấn đề cần ưu tiên đột phá
“Trong khi chúng ta đầu tư cho một số trường, các trung tâm, trường chuyên, các trường phục vụ cho mục tiêu mũi nhọn nhưng ở những vùng khác vẫn để phòng tạm, nhà mượn là điều khó chấp nhận được”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. |
Mục tiêu đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục – đào tạo của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, vùng tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác, kết nối và liên kết vùng cũng như xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong chặng đường trước mắt, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ cần hài hòa giữa phát triển giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà với các mức độ khác nhau. Bộ trưởng nhận định, các chính sách cho phát triển giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã có rất nhiều nhưng hầu như chưa đủ mạnh, chưa đủ đột phá, chưa bao quát được hết tính đặc thù, chưa mang tính quyết liệt. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành rà soát cơ chế, chính sách với khu vực này theo hướng tinh gọn lại, tích hợp nhưng cần mang tính đột phá. Trong đó, hai vấn đề cần ưu tiên đột phá là chính sách về giáo viên và cơ sở vật chất, trường lớp để cố gắng đến năm 2030 toàn vùng sẽ không còn phòng học tạm. Bộ trưởng mong rằng, trước khi đề cập tới việc xã hội hóa, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho giáo dục rồi thì cần quan tâm đầu tư hơn nữa.
“Trong khi chúng ta đầu tư cho một số trường, các trung tâm, trường chuyên, các trường phục vụ cho mục tiêu mũi nhọn nhưng ở những vùng khác vẫn để phòng tạm, nhà mượn là điều khó chấp nhận được. Do đó, mong các địa phương lưu ý, lãnh đạo các địa phương chia sẻ” – Người đứng đầu ngành giáo dục tiếp tục nhấn mạnh.
Bộ trưởng hy vọng trong 3-5 năm tới sẽ thấy được những chuyển biến tốt hơn của giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, đồng thời gửi gắm: “Trước khi hội nhập quốc tế, việc hội nhập quốc gia về giáo dục của vùng cũng rất quan trọng. Việc lớn bắt đầu từ việc nhỏ và chúng ta sẽ bắt đầu làm từ những việc nhỏ”.
Mê Tâm
Bình luận (0)