Hai vợ chồng PGS.TS Lê Văn Tuất – Dư Thanh Hằng trong ngày lễ phong hàm PGS năm 2013 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
|
Trong gia đình, họ là vợ chồng nghĩa nặng tình thâm. Trên bục giảng, họ là đồng nghiệp truyền lửa tri thức cho thế hệ tương lai của đất nước. Người ta bảo đó đã là cái duyên có từ kiếp trước. Nhưng với họ, cái duyên của cái duyên ấy nằm ở chỗ cả hai vợ chồng cùng được phong hàm phó giáo sư (PGS) năm 2013. Đó là câu chuyện về hai vợ chồng PGS.TS Lê Văn Tuất (Trưởng bộ môn quang học – quang phổ, Trường ĐH Khoa học Huế) và PGS.TS Dư Thanh Hằng (Trưởng bộ môn sinh hóa dinh dưỡng, Trường ĐH Nông lâm Huế)…
Có nhau trên từng chặng đường
Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng PGS.TS Lê Văn Tuất và Dư Thanh Hằng lúc nào niềm vui, niềm hạnh phúc cũng lan tỏa. “Đêm trước khi ra Hà Nội nhận danh hiệu PGS, cả hai vợ chồng mình đều vui đến khó ngủ. Hai vợ chồng đã cùng nhau đi qua một chặng đường dài trong công tác giảng dạy và nghiên cứu, cùng hỗ trợ nhau qua nhiều gian nan của đời sống thường nhật…”, thầy Tuất mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng khoảnh khắc khó quên ấy.
Duyên nợ sắp đặt cho hai vợ chồng thầy Tuất – cô Hằng gặp nhau bởi vô số sự tình cờ. Từ tình cờ chọn ngành nghề đến chọn nơi công tác. Họ gặp nhau khi thầy đang là giảng viên và cô là SV ở trường ĐH, quen biết nhau trong quá trình trao đổi về đề tài nghiên cứu rồi họ nên duyên chồng vợ vài năm sau khi sự nghiệp của hai người tương đối ổn định. Thời điểm những năm 1987, 1988, cuộc sống hai vợ chồng gặp không ít khó khăn. Đôi khi nghĩ cũng chạnh lòng nhưng rồi hai người động viên nhau, thôi thì cái nghiệp! Phương châm của gia đình “tiết kiệm là chính” khi hai đứa con lần lượt chào đời. Hai vợ chồng lúc ấy là giảng viên vừa phải cật lực tăng gia thêm rau cải và chăn nuôi. Không ngại khổ, tranh thủ thời gian rảnh thầy Tuất lại đạp xe đi cả chục cây số ra tận An Hòa mua mùn cưa ở các xưởng gỗ về nấu cám nuôi heo rồi đi chợ, nấu cơm, chăm con… Vừa vất vả với cơm áo gạo tiền để tồn tại, vừa tìm cách nâng cao trình độ. Với thầy và cô, học là để biết, để thỏa mãn trí tò mò. Bởi thế việc học, nghiên cứu đối với hai vợ chồng là công việc không có điểm dừng cuối cùng. Với sự nỗ lực ấy, thầy bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, rồi với thành tích xuất sắc, thầy được chuyển tiếp lên học tiến sĩ. Đời sống kinh tế vì thế cũng trở nên khó khăn hơn nhưng cứ đi qua mỗi bậc học, thầy lại động viên vợ cùng học với mình. Cho đến năm 2003, khi hoàn thành luận án tiến sĩ, thầy quay về “giữ gôn” cho vợ tiếp tục đi học tiến sĩ ở Hà Lan. Đến chuyện làm hồ sơ công nhận hàm PGS, thầy Tuất kể: Năm 2012, thầy đã một lần làm hồ sơ nhưng do chuyến công tác đột xuất ở nước ngoài nên công việc thẩm định tạm thời dừng lại. Đến năm 2013, do nhiều công việc, thầy động viên vợ làm hồ sơ nhưng cô một mực bảo nếu thầy không cùng làm thì cô cũng sẽ dừng lại. Thế là cả hai vợ chồng cùng nhau làm. “Lúc đó mình nghĩ mình làm hồ sơ chỉ để động viên bà ấy, ai ngờ cả hai vợ chồng lại được phong hàm PGS cùng một lúc. Hạnh phúc nhân đôi. Vậy là đằng sau thành công của vợ chồng mình đều có nhau”, thầy Tuất thổ lộ.
Say nghề truyền lửa
Trong câu chuyện với tôi, cả cô và thầy đều tránh nói về những thành tích mình đạt được. Thầy và cô tâm sự nhiều hơn về nghề giáo, về học trò, về những đề tài ứng dụng thực tế mà họ say mê dành hết tâm huyết. Mỗi người thầy giáo đứng trên bục giảng đều có một phương pháp truyền đạt kiến thức khác nhau. Thầy Tuất cũng vậy. Ở khoa thầy nổi tiếng là một giảng viên khó tính trong mắt SV. Quan niệm của thầy là người giáo viên phải luôn biết đổi mới kịp thời, nắm bắt các phương pháp hiện đại nhưng tùy theo đặc tính của từng môn học mà có sự tỉ mỉ đặc thù riêng. Phải khơi dậy được trí tò mò, ham hiểu biết, khuấy động được tinh thần tự giác, tự học, tự đọc và cả kỹ năng mềm trong học tập, sinh hoạt. Với SV, thầy Tuất luôn đòi hỏi cao trong học tập, bài vở, tạo ra áp lực trong học tập và nghiên cứu, trao quyền chủ động cho các em. “Nhiều học trò ban đầu học cứ gọi mình là “cụ tỉ” nhưng sau hiểu ra thì rất tích cực, kết quả học tập nhờ đó cũng tiến bộ hơn rất nhiều. Thậm chí nhiều SV khi ra trường lại tiếc mãi, giá như được thầy trực tiếp giảng dạy sớm hơn”, thầy Tuất chia sẻ. Ngoài ra ông thầy nổi tiếng là “cụ tỉ” này dù rất khó tính nhưng rất hồ hởi trong việc hướng dẫn SV thực hiện đề tài nghiên cứu. Bất cứ giờ nào, hễ SV cần lên phòng thí nghiệm, thầy sẵn sàng bỏ thời gian hướng dẫn. Với thầy, việc chỉ ra cho SV thấy rằng, ngoài việc thường tình là áo cơm cho cuộc sống thì học còn để biết. Thầy luôn lấy tiêu chí này để dạy SV và tạo sức bật cho SV trong nghiên cứu khoa học. Song song với việc giảng dạy, thầy Tuất còn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao. “Mình tâm đắc nhất là đề tài cấp bộ do mình làm chủ nhiệm về Xây dựng phép đo liều bức xạ nhiệt phát quang sử dụng liều kế dạng viên nén. Đây là đề tài đo đếm, kiểm soát liều lượng bức xạ tác động lên môi trường, con người… “Trên thực tế, nền khoa học công nghệ mình đang dùng rất nhiều các loại bức xạ ion hóa cao như gama, tia X… phương pháp này hữu ích nhưng nếu không hiểu biết sẽ có hại”, thầy Tuất cho biết.
Là một giảng viên đảm nhận về bộ môn sinh hóa dinh dưỡng, cô Hằng có nhiều điều kiện hơn trong hướng dẫn thực tế cho SV học tập và nghiên cứu. Bên cạnh hình ảnh người giáo viên tận tụy, nhiệt tình, cô Hằng còn được bà con nông dân ở các miền quê nghèo coi như người thân gần gũi với họ trong mỗi bước tiến sản xuất, phát triển kinh tế. Còn nhớ, người dân nghèo ở các xã Thủy Xuân, Thủ Lương, Phú Đa, Quảng Thọ, Hương Vân, Bình Điền… của tỉnh Thừa Thiên – Huế hân hoan khi được cô chuyển giao kỹ thuật về đề tài chế biến thức ăn gia súc từ lá và bã sắn. Với người nông dân một nắng hai sương, đó là chiếc phao cứu sinh, là người cứu cánh kịp thời và hữu ích mà trước nay họ chưa hề biết đến.
Thầy Tuất nói: Nếu chọn kinh tế thì hai vợ chồng mình đã không theo nghề giáo. Nhưng đến giờ phút này mình thấy đây là sự lựa chọn đúng. Nếu được chọn lại, hai vợ chồng vẫn đi theo nghiệp giáo viên. “Hạnh phúc nhất của cả hai vợ chồng mình là thấy các em SV thành đạt, và nhìn thấy hiệu quả mang lại sau mỗi đề tài nghiên cứu để giúp ích cho cộng đồng. Nghề giáo giàu nhất có lẽ ở điểm đó”, thầy Tuất thổ lộ như vậy khi tiễn tôi ra về.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Với SV, thầy Tuất luôn đòi hỏi cao trong học tập, bài vở, tạo ra áp lực trong học tập và nghiên cứu, trao quyền chủ động cho các em. |
Bình luận (0)