Hàng triệu lượt xe khi đi qua đèo Cả phải chấp nhận đóng một khoản phí đường bộ hết sức vô lý khi hầm đường bộ đèo Cả chưa đưa vào khai thác.
Xe chờ qua trạm thu phí Bàn Thạch, tỉnh Phú Yên – Ảnh: Hoài Trung |
Trạm thu phí Bàn Thạch (Đông Hòa, Phú Yên) của Công ty CP Đầu tư đèo Cả |
Gần ba năm qua, hàng triệu lượt xe khi đi qua đèo Cả (nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa) đã phải chấp nhận đóng một khoản phí đường bộ hết sức vô lý mà theo nhà đầu tư là phí hoàn vốn cho dự án BOT hầm đường bộ đèo Cả, trong khi hầm này chưa đưa vào khai thác.
Không chỉ dự án hầm đường bộ đèo Cả, sắp tới đây nếu không có gì thay đổi, xe qua hầm Hải Vân cũng sẽ phải chịu phí vô lý tương tự.
Chỉ thu giùm
Thời gian qua, nhiều xe khi đi qua hai trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT hầm đường bộ đèo Cả (do Công ty CP Đầu tư đèo Cả đầu tư) đặt tại xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) trên quốc lộ 1 đều bức xúc vì dự án này đang triển khai, dự kiến đến năm 2016 mới hoàn thành nhưng từ năm 2012 nhà xe đã phải trả phí.
Ông Trình Quang Nam – giám đốc Công ty vận tải Nam Thiên Long (Phú Yên) – cho rằng việc tổ chức thu phí hoàn vốn hầm đèo Cả có nhiều bất cập, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Theo ông Nam, mỗi ngày đội xe bồn bảy chiếc chở xăng dầu của công ty ông vào vịnh Vũng Rô nhận hàng rồi chở đi các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đều phải đóng phí cho dự án BOT hầm đèo Cả.
Nếu mua vé tháng thì mỗi xe tốn 1,8 triệu đồng, còn mua lượt thì bình quân khoảng 2 triệu đồng. “Tôi thấy vô lý quá vì chúng tôi đã nộp phí đường bộ rồi. Ngoài ra về nguyên tắc khi đầu tư hoàn thành công trình mới thu phí, đằng này hầm chưa xong đã “đè” ra thu. Giả sử sau này khi hầm hoàn thành, có xe không còn hạn sử dụng thì sao?” – ông Nam bức xúc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Minh Hoàng – tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư đèo Cả – cho rằng việc thu phí tại hai trạm Hòa Xuân Nam và Ninh An đã được Chính phủ ra văn bản đồng ý và nhà đầu tư chỉ “thu giùm” phần vốn đối ứng của Nhà nước cho phần đường, cầu trong hợp đồng BT của dự án.
“Vì Nhà nước không có vốn đối ứng ngay nên cho phép nhà đầu tư thu phí hoàn vốn trước phần này, đây chỉ là thu phí cầu đường chứ chưa thu phí qua hầm đèo Cả. Khi hầm đèo Cả xong, chúng tôi lập một trạm thu phí tại cửa hầm. Xe nào đi qua hầm thì chúng tôi thu phí, còn xe không muốn bị thu phí thì phải đi qua đèo” – ông Hoàng giải thích.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án hầm đèo Cả có tổng vốn hơn 15.000 tỉ đồng bao gồm cả hầm đèo Cổ Mã và hệ thống đường, cầu dẫn, được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và BT (xây dựng – chuyển giao). Số vốn đối ứng mà Nhà nước phải bỏ ra để đầu tư cho dự án này là 4.500 tỉ đồng.
“Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư dự án hầm đường bộ đèo Cả tiếp nhận hai trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An trên quốc lộ 1 để thu phí đảm bảo khả năng hoàn vốn của Nhà nước cho dự án. Dù vậy, lúc đó trạm thu phí Bàn Thạch thuộc sở hữu của hai công ty khác nên chúng tôi phải mua lại quyền thu phí đến hết năm 2014 từ họ với giá 118 tỉ đồng; việc thu phí hoàn vốn dự án tại trạm này mới được thực hiện từ năm 2015.
Còn trạm thu phí Ninh An thì từ năm 2013 đã sử dụng cho việc thu phí hoàn vốn dự án BOT nâng cấp quốc lộ 1 đoạn 37km mà công ty chúng tôi thi công, chứ không phải thu phí qua hầm” – ông Hoàng thông tin.
Sẽ lặp lại ở hầm Hải Vân?
Trong khi đó tại Đà Nẵng, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân cũng vừa được Chính phủ đồng ý cho phép triển khai. Theo phương án đầu tư, Chính phủ đồng ý chuyển nguồn vốn trái phiếu góp cho phần BT dự án đầu tư hầm đường bộ đèo Cả còn dư để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng hầm Hải Vân, phần còn lại cho phép đầu tư theo hình thức BOT.
Hiện Công ty CP Đầu tư đèo Cả được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng ý về mặt chủ trương cho lập đề xuất nghiên cứu dự án. Tại buổi báo cáo với UBND TP Đà Nẵng mới đây, ông Hồ Minh Hoàng cho biết dự án có tổng mức đầu tư 6.234 tỉ đồng, sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công. Dự án sẽ mở rộng đường hầm lánh nạn dài 6,2km với hai làn xe. Cùng đó, xây dựng đường dẫn phía bắc dài 2,1km và đường dẫn phía nam dài 4,3km.
Theo ông Hoàng, nếu được Bộ GTVT phê duyệt thì quý 1-2016 sẽ khởi công dự án và hoàn thành vào quý 1-2019. Nhà đầu tư đề xuất xin giữ lại trạm thu phí phía nam hầm Hải Vân để thu phí ngay sau khi dự án triển khai (theo kế hoạch, trạm thu phí Nam Hải Vân sẽ được xóa bỏ vào tháng 7). Cũng theo ông Hoàng, phương án tài chính dự kiến thực hiện theo hình thức BOT đối với phần mở rộng và khu vực đường dẫn đến cửa hầm.
Tuy nhiên, trong trường hợp có cơ chế hỗ trợ từ phía Bộ GTVT, nhà đầu tư nghiên cứu phương án đầu tư BT đối với phần đường dẫn và BOT đối với phần hầm mở rộng. Cũng theo ông Hoàng, hiện dự án mở rộng hầm Hải Vân thứ 2 chỉ dừng lại ở đề xuất phương án triển khai, thu hồi vốn.
“Hiện cũng có nhiều nhà đầu tư đề xuất xin làm dự án, nếu nhà đầu tư nào có phương án triển khai tốt nhất thì sẽ được lựa chọn. Còn công ty chúng tôi vừa qua có một vài nghiên cứu đề xuất nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn chưa có quyết định cuối cùng có cho phép làm chủ đầu tư hay không” – ông Hoàng nói.
Đường một nơi, thu một nẻo Trạm thu phí Tam Kỳ (đoạn qua huyện Núi Thành, Quảng Nam) do Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) lập ra để thu phí cho đoạn đường tránh TP Tam Kỳ dài hơn 8km. Sau đó Cienco 5 bán quyền thu phí này cho Công ty TNHH đầu tư thương mại và du lịch Hiệp Phúc (Đắk Lắk) đứng ra thu phí. Tuy nhiên, điều bất cập là hơn 14 năm qua nhiều người dân ở TP Tam Kỳ dù không sử dụng đường tránh này để đi nhưng phải đóng phí cho đoạn đường này đều đặn. Tính đến thời điểm này, việc thu phí đã vượt tổng số tiền đầu tư cho dự án này nhưng vẫn chưa dừng lại. Theo ông Đinh Văn Thu – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, câu chuyện về trạm thu phí này là câu chuyện dài và rắc rối giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Cụ thể, trước đây chủ trương xây dựng trạm thu phí này là thu phí hoàn vốn (không phải BOT) tuyến đường tránh với thời hạn 14 năm 6 tháng do Cienco 5 đầu tư, đến năm 2018 là kết thúc. Thế nhưng đến ngày 1-4-2014, khi tỉnh Quảng Nam chủ động đóng cửa trạm thu phí này (theo văn bản rà soát các trạm thu phí mà Chính phủ đưa ra, nếu dự án nào thu hoàn vốn thì hủy bỏ và trả lại vốn cho nhà đầu tư) thì Bộ Tài chính và Bộ GTVT có ý kiến khác nhau. Bộ Tài chính đồng ý đóng cửa trạm thu phí Tam Kỳ, trong khi Bộ GTVT cho rằng đây là hình thức đầu tư theo kiểu BOT chứ không phải đầu tư thu hồi vốn nên việc thu này vẫn được tiếp tục. Đến đầu năm 2015, việc thu hồi vốn đã đủ số vốn hơn 200 tỉ đồng đầu tư cho tuyến đường. Việc thu phí đã đủ, nhưng hiện tại trạm thu phí vẫn duy trì thu và chưa quyết toán. |
D.THANH – H.KHÁ – T.V
(TTO)
Bình luận (0)