Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

“Hâm nóng” thị trường bằng chính sách tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

 Lao động VN do Sovilaco tuyển chọn đang làm việc tại Nhà máy Chế tác vàng Zenmax (Malaysia), thu nhập bình quân 1.000 RM (khoảng 5 triệu đồng)/tháng. Ảnh: C.T.V Người lao động được hỗ trợ chi phí, cho vay tiền, được chủ sử dụng lao động cam kết bảo đảm thu nhập theo hợp đồng…

Trong 8 tháng qua, cả nước chỉ đưa được 6.710 lao động sang Malaysia làm việc, bằng 50% so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Malaysia đang giảm sút nghiêm trọng và dự kiến cả năm nay sẽ không có quá 10.000 người. Các doanh nghiệp (DN) XKLĐ đang phải đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích người lao động (NLĐ) trở lại với thị trường này.

Tuyển không ra lao động

Suleco là một trong những DN đầu tiên khai thác thị trường Malaysia, nhưng do tuyển lao động quá khó nên hai năm qua không còn “mặn” thị trường này. Ông Đàm Trung Bắc, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực Toàn Cầu, một công ty vừa được cấp phép hoạt động XKLĐ, nhìn nhận: “Dù thu nhập không cao, nhưng Malaysia là thị trường phù hợp với phần đông lao động nông thôn có trình độ học vấn thấp, không nghề chuyên môn. Song vì muốn có thu nhập cao hơn nên họ không thích chọn thị trường Malaysia mà chọn Hàn Quốc hoặc một số thị trường mới ở Đông Âu, bất chấp có đáp ứng điều kiện tuyển dụng hay không!”.

Kể cả những DN trước đây mỗi năm cung ứng hơn 1.000 lao động sang Malaysia như Airseco, Châu Hưng, Hiteco, Sovilaco… đều rơi vào tình trạng khó tuyển lao động. Trong báo cáo mới nhất gửi về Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Ban Quản lý Lao động và chuyên gia VN tại Malaysia cho biết nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc giảm sút lao động sang Malaysia là do thời gian qua, trước các biến động của nền kinh tế Malaysia, nhiều DN, nhà máy sản xuất của Malaysia thu hẹp sản xuất, một số nhà máy đóng cửa. Tình trạng này dẫn đến lao động VN không có việc làm thường xuyên, thu nhập không ổn định, một số phải về nước trước thời hạn làm ảnh hưởng đến tâm lý NLĐ trong nước.

Những rủi ro ở thị trường này, đặc biệt là tình trạng lao động bị đột tử gia tăng cũng tác động mạnh đến tâm lý NLĐ, khiến họ quay lưng lại với thị trường Malaysia. Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Sadaco, than phiền: Ngay cả trường hợp đã đăng ký, được cấp calling visa, hoàn tất thủ tục xuất cảnh, thậm chí đến giờ bay… NLĐ vẫn hủy hợp đồng. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở nhiều DN chứ không riêng gì Sadaco.

Níu kéo bằng chính sách

Sau hơn 6 năm mở thị trường Malaysia, nhiều DN đã có kinh nghiệm hơn trong hoạt động XKLĐ ở thị trường này. Thay vì ồ ạt ký hợp đồng như trước, nhiều DN chỉ tập trung khai thác nhu cầu ở những nhà máy hoạt động ổn định. Điển hình như Công ty CP Thương mại Châu Hưng vẫn thường xuyên tái ký hợp đồng với những nhà máy lớn của nước ngoài tại Malaysia như Canon, Sony, Sankyo… Có khoảng 500 lao động do công ty tuyển chọn đang làm việc tại các nhà máy trên với thu nhập từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Thay đổi tích cực khác là các DN đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích NLĐ sang Malaysia. Ông Đàm Trung Bắc cho biết Công ty Toàn Cầu đang phối hợp với huyện Đăk Hà (tỉnh Đăk Nông) áp dụng chính sách hỗ trợ cho NLĐ. Theo đó, cùng với cam kết bảo đảm thu nhập tối thiểu mỗi tháng là 800 RM (khoảng 4 triệu đồng), NLĐ được ứng trước chi phí (trừ dần vào lương), hỗ trợ tiền tàu xe, chi phí cấp chứng chỉ nghề, chi phí nhà ở trong suốt thời gian tập trung đào tạo. Công ty Sovilaco cũng đã đạt được thỏa thuận với Nhà máy Chế tác vàng Zenmax ở Penang ứng trước toàn bộ chi phí cho NLĐ. Hiện Sovilaco đang tuyển số lượng lớn lao động cho các nhà máy Chung Yih Steel, Netpoint Metal Finishing và Zenmax. Gần 200 lao động do Sovilaco tuyển chọn đang làm việc tại các nhà máy trên có thu nhập bình quân 1.000 RM/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Airseco:

Phải thực hiện đúng cam kết với NLĐ

Kinh nghiệm cho thấy chỉ khi nào các DN giữ uy tín với NLĐ; thỏa thuận, ràng buộc với chủ sử dụng lao động thực hiện đúng cam kết bảo đảm thu nhập, kể cả thời gian NLĐ thiếu việc làm, khi đó mới lấy lại lòng tin của NLĐ cho thị trường này. Ngoài ra, những cam kết đó phải được ghi rõ trong hợp đồng để NLĐ yên tâm và làm cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp.

 

Nguyễn Duy (nld)

 

Bình luận (0)