Chiều 19/8, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình, Bộ Xây dựng, cho rằng các vết nứt tại 4 đốt hầm Thủ Thiêm là do lỗi kỹ thuật, không phải do cắt xét vật liệu xây dựng. Phương án đúc lại đốt hầm nặng 25.000 tấn này đã được tính đến.
– Thưa ông, nguyên nhân của các vết nứt tại các đốt hầm Thủ Thiêm trong thời gian qua là gì?
– Khí hậu Việt Nam rất dễ nứt kết cấu bê tông. Khi các vết nứt xuất hiện không nên hốt hoảng mà phải đánh giá mật độ, và ảnh hưởng tới kết cấu công trình hay không.
Nhiều trường hợp, vết nứt xuất hiện là do khả năng chịu lực kém. Tuy nhiên, vết nứt tại đốt hầm Thủ Thiêm không phải do chịu lực vì hầm chưa hoạt động, vết nứt này là do nguyên nhân khác. Nhà thầu đã đưa ra một số nguyên nhân như co ngót bê tông, khí hậu… Chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể.
Tôi cho rằng, không có cắt xén vật liệu xây dựng mà do lỗi kỹ thuật. Hiện chủ đầu tư và nhà thầu đã lập bản đồ vết nứt có tọa độ, đa phần là vết nứt nhỏ chỉ 0,15mm, lác đác có vết rộng từ 0,2 đến 0,3 mm, dài tới 2 m. Thông thường quy định với điều kiện thi công công trình này cho phép nứt dưới 0,1mm thì không phải xử lý, nếu lớn hơn thì xử lý bằng keo. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét cụ thể nếu vết nứt hàng loạt thì phải xử lý cách khác.
– Ông đánh giá mức nguy hại của các vết nứt tới chất lượng công trình thế nào?
– Chúng tôi chưa thể đánh giá được vì phải có thời gian nghiên cứu. Với hiện trạng vết nứt hiện nay, nếu nói không quan ngại thì không phải, song chúng ta vẫn phải đánh giá thận trọng, nguyên nhân là gì, dự báo khả năng phát triển vết nứt, ảnh hưởng kết cấu ra sao.
Công trình đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu, kiểm soát công tác thi công và chất lượng công trình ngay từ đầu và tiến hành định kỳ. Sau mỗi lần kiểm tra, chúng tôi đều có văn bản yêu cầu chủ đầu tư chú ý vấn đề gì. Đốt số 1 được đúc 13/9/2007, sau vài tháng thì xuất hiện vết nứt, các chuyên gia hội đồng đã kiểm tra và có văn bản yêu cầu các bên liên quan đánh giá và theo dõi. Do vậy, có thể nói sự việc vẫn trong tầm kiểm soát.
– Dưới góc nhìn một chuyên gia ngành xây dựng, ông dự báo gì về khả năng xuất hiện thêm các vết nứt mới?
– Các hầm đang đúc nên vẫn chưa biết là sẽ nứt hay không. Theo tôi đánh giá, chất lượng kết cấu chưa vượt qua được ngưỡng về thông số khả năng chịu lực và độ bền vững, vẫn có thể xử lý và khắc phục.
– Ông có nhận xét gì về hướng xử lý các vết nứt của đơn vị tư vấn?
– Họ đưa ra hướng: dưới 0,1mm thì không cần xử lý, các vết lớn đến 0,3mm thì phủ keo, lớn hơn 0,3mm thì bơm keo vào sâu. Chúng tôi đang chờ quan điểm của chủ đầu tư, liệu có chấp nhận phương án này hay là mời một nhà thầu khác xử lý. Lúc đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước sẽ có ý kiến.
Phương án và vật liệu xử lý không phải là vấn đề phức tạp đối với các nhà thầu trong nước hiện nay. Điều quan trọng là tìm nguyên nhân, đánh giá mức ảnh hưởng của nó với kết cấu công trình sau này. Phương án đúc lại cũng có tính đến, song tôi tin rằng không đến mức phải phá bỏ.
– Trách nhiệm các bên liên quan trong vụ việc này cụ thể như thế nào?
– Các chủ thể tham gia dự án là Ban quản lý dự án Đông Tây, nhà thầu là Obayashi – Nhật Bản, tư vấn thiết kế và giám sát là Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) – Nhật Bản đều có trách nhiệm chung, song vụ việc này phải tìm nguyên nhân thì mới kết luận trách nhiệm thuộc về ai.
Trách nhiệm của các chủ thể là phải đưa ra nguyên nhân, trình tự xử lý. Hiện nhà thầu tư vấn và thi công đã báo cáo đưa hướng khắc phục, chủ đầu tư phải đưa ra quan điểm, có quyết định về việc này, sau đó Hội đồng nghiệm thu nhà nước quyết định cuối cùng vì đây là công trình trọng điểm.
Hội đồng nghiệm thu nhà nước sẽ có đánh giá sớm để phù hợp với tiến độ thi công, dự kiến tháng 9 sẽ kết thúc việc đúc hầm.
Đoàn Loan (Theo Vnexpress.net)
Bình luận (0)