Đã có quá nhiều những vụ án xuất phát từ tình “ảo” nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đen, cảnh tỉnh các bạn nữ.
Trần Kim Ngân tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TL |
Bi kịch từ tình “ảo”
Vụ án Trần Kim Ngân (SN 1994) vì tự vệ mà hại chết bạn trai quen qua mạng ngay lần đầu gặp mặt tưởng chừng đã khép lại. Tuy nhiên, mới đây, Viện KSND TP.HCM cho biết vừa có văn bản kháng nghị, yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt và đổi tội danh từ “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” sang “Giết người” đối với Trần Kim Ngân. Những ngày tháng sắp tới của Kim Ngân rồi cũng chưa biết sẽ về đâu khi cô có khả năng phải tiếp tục đứng trước vành móng ngựa. Kim Ngân là đứa con duy nhất trong một gia đình nghèo. Khi học xong cấp ba, cô không tiếp tục thi vào đại học mà quyết định lên TP.HCM làm công nhân phụ giúp cha mẹ.
Năm 2016, Ngân quen biết với anh Lương Địch Lân (SN 1991, ngụ Q.5) qua mạng xã hội Zalo. Với những hứa hẹn ngon ngọt, sau 3 tháng quen biết, cô gái trẻ chấp nhận gặp mặt tìm hiểu với thanh niên này. Ngay từ cuộc hẹn hò lần đầu tiên, Lân dùng thủ đoạn nhằm cưỡng đoạt Ngân thì bị cô chống cự. Thấy Lân dùng dao đe dọa nếu Ngân chống cự thì sẽ bị cắt cổ, nên Ngân im lặng. Lợi dụng lúc anh Lân đang cởi quần áo, Ngân đạp liên tục vào người bạn trai rồi đứng dậy. Bị anh Lân kéo lại, Ngân giằng co và cắn vào bạn trai, sau đó giật lấy con dao đâm anh Lân hai nhát khiến nạn nhân tử vong.
Tháng 9-2017, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Kim Ngân mức án từ 7 đến 8 năm tù về tội “Giết người” nhưng hội đồng xét xử chỉ tuyên phạt bị cáo Ngân mức án 9 tháng 16 ngày tù (bằng thời gian tạm giam, bị cáo được trả tự do sau phiên xử) về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Theo nhận định của Viện KSND TP.HCM, mức án này chưa đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung nên cần phải tăng hình phạt. Bi kịch từ mối tình “ảo” mà Kim Ngân nhận về quá đắng cay, chua xót. Cha mẹ cô từ Bạc Liêu lặn lội lên TP.HCM để có mặt ở phiên tòa. Trong phiên sơ thẩm, hình ảnh Ngân cúi đầu ân hận, xin lỗi cha mẹ vì chưa làm tròn trách nhiệm của một người con và xin lỗi mẹ của bị hại, cầu xin sự tha thứ và mong được tòa khoan hồng, xem xét xử mức án nhẹ nhất để sớm trở về làm lại cuộc đời khiến nhiều người xúc động. Niềm vui chưa được bao lâu khi vừa được thả ở phiên tòa sơ thẩm thì nay cô nhận được tin có thể mình sẽ bị đưa ra xét xử lại ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới.
Lời cảnh tỉnh cho những cô gái trẻ
Kim Ngân chỉ là một trong rất nhiều những cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin. Nhờ sự bảnh bao, khéo nói, nhiều kẻ xấu dùng mạng xã hội để dễ dàng lừa các cô gái trẻ đi chơi riêng với mình ở những nơi vắng vẻ. Điều đáng nói là không ít cô gái quá ngây thơ khi tin vào những lời đường mật của kẻ mà mình chưa từng gặp mặt bao giờ.
Có thể nói, mạng xã hội mở ra nhiều tiện ích, nhiều mối quan hệ hữu ích đối với người sử dụng. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng bộc lộ nhiều mặt trái. Do có tính tương tác cao nên nhiều loại tội phạm đã lợi dụng để hoạt động, giăng bẫy lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là các cô gái trẻ. |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cũng vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trần Đăng Khoa (18 tuổi, huyện Thống Nhất) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Khoa lên mạng xã hội Zalo và Facebook tạo tài khoản mang tên Khoa Trần để tìm các bạn nữ trên mạng xã hội trò chuyện. Sau vài ngày tìm hiểu, Khoa biết đến tài khoản của Mai (17 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) nên kết bạn làm quen rồi tán tỉnh. Trong một thời gian ngắn, Mai nảy sinh tình cảm với bạn trai trên mạng. Tin tưởng bạn trai trên mạng yêu mình thật lòng nên Mai đã làm theo. Nhiều ngày sau đó, mỗi lần nhắn tin qua mạng Mai đều gửi ảnh khỏa thân cho bạn trai chưa từng gặp mặt ngoài đời. Chính vì sự ngây thơ đó mà Mai bị Khoa dùng hình ảnh để tống tiền, cuộc sống của cô gái trẻ gặp không ít lao đao.
Có thể nói, mạng xã hội mở ra nhiều tiện ích, nhiều mối quan hệ hữu ích đối với người sử dụng. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng bộc lộ nhiều mặt trái. Do có tính tương tác cao nên nhiều loại tội phạm đã lợi dụng để hoạt động, giăng bẫy lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là các cô gái trẻ.
Chỉ quen biết qua mạng xã hội nhưng nhiều người, nhất là những người trẻ hiện nay sẵn sàng trao tài sản, tình cảm của mình cho đối phương. Mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả, hệ lụy để lại rất đau lòng. Nhẹ thì mất tiền, mất tài sản, nặng thì có những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, đánh mất cả tuổi xuân.
Yên Hà
Bình luận (0)